Báo Nga cho biết đây là chiếc tàu ngầm Project 636.1 Kilo thứ hai, mang số hiệu 01340 được Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St. Petersburg đóng mới và hạ thủy cho Việt Nam.
Tàu ngầm diesel-điện Project 636.1 Kilo thứ hai của Việt Nam tại
xưởng Nhà máy đóng tàu Admiralty (St. Petersburg) hôm 28-12-2012 .
Ngày 16-1-2013, Cổng thông tin điện tử của lực lượng Hải quân Nga dẫn nguồn tin từ Nhà máy đóng tàu Admiralty cho biết: “Năm 2013, Nhà máy Admiralty cần phải đảm bảo việc chuyển giao cho lực lượng Hải quân Việt Nam 2 tàu ngầm đầu tiên thuộc dự án 636.1 (1 chiếc có tên ‘Hà Nội’ và 1 chiếc có tên ‘Hồ Chí Minh’ - hạ thủy ngày 28-12-2012); hạ thủy chiếc tàu ngầm thứ 3 dành để xuất khẩu và chiếc tàu ngầm điện-diesel ‘Novorossiysk’, thuộc dự án 636.3 theo đơn đặt hàng khác của Nga”.
Tổng Giám đốc Nhà máy Admiralty Alexander Buzakov cũng cho biết, trong năm 2013, nhà máy sẽ khởi công đóng mới chiếc tàu ngầm điện-diesel thứ năm dành để xuất khẩu và chiếc tàu ngầm thứ 4 dành cho Hạm đội Nga.
Để có thể thực hiện được các kế hoạch đề ra, các chuyên gia của Nhà máy cần tiến hành 9 cuộc thử nghiệm hệ thống thủy lực, 2 lần kiểm tra thân tàu và các công việc phức tạp đòi hỏi công nghệ cao.
Trang bị vũ khí trên tàu ngầm diesel-điện Project 636.1 bao gồm: 4 tên lửa, 18 quả ngư lôi, 24 quả mìn.
Trước đó, sau khi tàu ngầm Kilo đầu tiên được Nga hạ thủy cho đối tác Việt Nam vào ngày 28-8-2012, con tàu tiếp tục neo đậu ở bến cảng nhà máy Admiralty để tiếp tục hoàn thiện phần kiến trúc thượng tầng và sau đó bắt đầu ra biển thử nghiệm trong đầu tháng 12-2012 vừa qua.
Trong lần thử nghiệm đầu tiên của tàu ngầm Kilo số hiệu 01339, dự kiến đã kết thúc vào cuối tháng 12-2012 và sẽ tiếp tục thử nghiệm tới tháng 5-2013.
Theo kế hoạch, sau đó, tàu ngầm Kilo đầu tiên sẽ trở về cảng để khắc phục những thiếu sót và bàn giao cho khách hàng vào tháng 8-2013.
Dự kiến tới năm 2016, toàn bộ 6 tàu ngầm Kilo trong hợp đồng cung cấp cho nước đối tác Việt Nam sẽ được hoàn thành.
Sức mạnh vượt trội
Tàu ngầm thuộc dự án 636 của Nga là loại tàu ngầm điện-diesel thế hệ thứ 3. Đây là loại được cải tiến từ các tàu ngầm dự án 877 và 877EKM nổi tiếng với tên gọi “Varshvianka” (do Liên Xô sản xuất cho khối quân sự Hiệp ước Varshava). Các tàu ngầm này nổi tiếng trên thế giới với những thông số kỹ thuật tuyệt đỉnh. Theo phân loại của NATO, các tàu này thuộc lớp kilo (kilo-class).
Tàu ngầm Kilo đầu tiên được Nga hạ thủy cho đối tác Việt Nam vào ngày 28-8-2012.
Các tàu ngầm thuộc dự án này có độ ồn nhỏ nhất trong số các tàu ngầm của Nga. Do tiếng ồn của tàu bị lẫn với tiếng ồn tự nhiên của đại dương nên tàu ngầm loại này có thể phát hiện ra mục tiêu ở xa gấp 3-4 lần khoảng cách mà tàu đối phương có thể phát hiện được nó.
Các loại cảm biến trên tàu ngầm 636MV dành cho Hải quân Việt Nam cũng được trang bị phiên bản khác của tàu ngầm 636MK của Hải quân các nước trong khu vực.
Loại 636MV được sử dụng sonar cải tiến MGK-400EM trong khi loại 636MK chỉ được trang bị loại sonar cơ bản MGK-400E. Trong đó, loại MGK-400EM có nhiều tính năng hơn và hệ thống xử lý tín hiệu nhạy cảm hơn so với MGK-400E. Kính tiềm vọng của loại tàu ngầm 636MV được cái đặt các thiết bị quan sát quang học, trong khi loại 636MK của các nước trong khu vực chỉ được trang bị kính tiềm vọng với kích thước lớn.
Điều này có nghĩa là khả năng chống ngầm chính xác trong đêm của tàu ngầm 636MV của Hải quân Việt Nam vượt qua cả loại 636MK của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Do rất khó bị phát hiện nên các tàu ngầm thuộc dự án 636 được các chuyên gia quân sự NATO gọi là “Hố đen trong đại dương”.
Các tàu ngầm được cải tiến thuộc dự án 636 có hiệu suất tác chiến cao hơn so với tàu thuộc các dự án trước. Các tàu ngầm này được đánh giá cao trên thế giới trong số các tàu ngầm phi nguyên tử cùng loại nhờ những thế mạnh về kỹ thuật như: sự kết hợp tối ưu giữa độ ồn thấp và khả năng phát hiện mục tiêu từ xa, hệ thống dẫn đường quán tính mới nhất, hệ thống quản lý thông tin tự động hiện đại đảm bảo thực hiện nhanh chóng các mệnh lệnh, được trang bị hệ thống tên lửa và ngư lôi mạnh mẽ có khả năng tác chiến nhanh.
Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến dài 73,8 mét, rộng 9,9 m. Tàu lớp Kilo cải tiến được trang bị động cơ diesel-điện, phạm vi hoạt động gần 10.000 km, có thể lặn liên tục 700 km. Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 37 km/giờ. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm ở phía trước, có thể mang tới 24 thủy lôi, có khả năng bắn chặn tên lửa hành trình chống tàu chiến và mang tên lửa phòng không MANPADS Strela-3 hoặc 3M-54E, 3M-54E1. Một số nguồn thạo tin cho biết tàu Kilo của Việt Nam ngoài tên lửa chống hạm Club-S tầm bắn 300km, còn có thể được trang bị loại tên lửa hạm đối đất phóng từ tàu ngầm cực kỳ lợi hại, có thể đến sát ven biển của đối thủ tấn công bất ngờ rồi rút lui...
Các thông số kỹ thuật:
Tên theo phân loại của NATO: Improved Kilo;
Tốc độ di chuyển trên mặt nước: 11 dặm;
Tốc độ di chuyển dưới mặt nước: 20 dặm;
Hoạt động bình thường ở độ sâu: 240 mét;
Có thể lặn xuống độ sâu tối đa: 300 mét;
Thời gian hoạt động độc lập: 45 ngày;
Thủy thủ đoàn: 52 người;
Lượng choán nước khi nổi: 2350 tấn;
Lượng choán nước khi lặn: 3950 tấn;
Chiều dài: 73,8 m;
Chiều rộng: 9,9 m;
Độ mớn nước trung bình: 6,2 m;
Số lượng ống phóng ngư lôi: 6 chiếc cỡ 533 mm;
Trang bị vũ khí trên tàu: 4 tên lửa, 18 quả ngư lôi, 24 quả mìn.
Phần điện:
2 máy phát điện chạy dầu công suất 1000 kWt mỗi chiếc;
Động cơ điện chính công suất 5500 mã lực.
Động cơ điện dùng khi chạy tiết kiệm công suất 190 mã lực.
2 động cơ điện dự phòng công suất 102 mã lực mỗi chiếc.
Động cơ: một chân vịt 6 cánh quạt tốc độ thấp.
Các nước hiện nay đang khai thác tàu ngầm lớp Kilo thuộc dự án 636 của Nga là: Algeria, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Ba Lan và Rumania.