Đây là mẫu tiêm kích bom hai động cơ cánh cụp cánh xòe của Nga bắt nguồn từ những năm 60.
Mặc dù là mẫu tiêm kích đã có tuổi, lực lượng Su-24 của Nga đã được hiện đại hóa với hệ thống định vị GLONASS, buồng lái kính hoàn toàn với hệ thống giao diện hiện đại và hệ thống khí tài đối không mới gồm cả tên lửa tầm gần R-73.
Mặc dù mẫu Su-24M2 được thiết kế để mang theo cùng lúc nhiều loại vũ khí dẫn đường chính xác, giới quân sự Mỹ nhận định Nga không thiên về những loại vũ khí như vậy mà thay vào đó là các loại vũ khí không điều khiển.
Như Tư lệnh tình báo không quân Robert Otto cho biết ông không nhận ra được các loại vũ khí treo trên máy bay Su-24 bởi vì chúng không phải dạng vũ khí có điều khiển.
Máy bay cường kích Su-24 của không quân Nga.
Fencer có khả năng tải được hơn 8 tấn vũ khí, nhưng thường chỉ mang theo hơn 3 tấn theo các cấu hình được thiết lập của hãng Sukhoi.
Với chủ đích thiết kế nhằm xâm nhập không phận đối phương ở độ cao thấp, Fencer có thể tấn công các mục tiêu ở cự ly 600 km trong khi mang theo sáu quả bom FAB-500M-62 nặng 500 kg mỗi quả mà không cần tiếp nhiên liệu trên không.
Không chỉ vậy, theo tình báo Hải quân Mỹ, các máy bay này còn được dùng trong các nhiệm vụ do thám và yểm trợ.
Với số lượng 12 chiếc Su-24, tại bất cứ lúc nào, không quân Nga cũng sẽ có khoảng từ 8 đến 10 chiếc sẵn sàng tham chiến. Nếu được đảm bảo mặt đất đầy đủ ở Latakia, 10 chiếc Su-24 này có thể thực hiện đến 30 chuyến cất cánh mỗi ngày trong điều kiện lý tưởng.
Tuy vậy, nhiều quan chức quân sự Mỹ cũng nghi ngờ về việc liệu Nga có đem theo đủ thiết bị để hỗ trợ tại Latakia hay không. Bên cạnh đó, vẫn còn yếu tố về số lượng phi công và nhân viên bảo dưỡng tại căn cứ.
Không quân Nga đang có kế hoạch thay dần các máy bay cũ bằng mẫu Su-34 mới, song chắc chắn Fencer sẽ còn nằm trong biên chế trong thời gian tới nhờ khả năng tấn công tầm xa hiệu quả của mình.