Theo bảng xếp hạng, Focus cho rằng xe tăng Leopard 2 của Đức xứng đáng là loại tăng tốt nhất trong bảng xếp hạng các xe tăng mạnh nhất thế giới. Đứng thứ 2 là xe tăng M1A2 Abrams của Quân đội Mỹ. Và xếp sau tăng Type 99 gồm có hàng loạt những "vua chiến trường": xe tăng Challenger II của Anh, Merkava 4 của Israel, T-90 của Nga, AMX-56 của Pháp, Type 90 của Nhật Bản và K2 của Hàn Quốc. Trong ảnh: Tăng Challenger II của Anh.
Tuy nhiên, bảng xếp hạng chưa được thỏa đáng bởi sức mạnh thực sự của các dòng tăng này. Theo đó, tăng Type 99 được Trung Quốc quảng cáo là vua chiến trường của châu Á, hội tụ nhiều tính năng ưu việt của nhiều dòng tăng chiến của các cường quốc quân sự trên thế giới, như Đức, Mỹ, Israel, và đặc biệt là Nga. Tuy nhiên, tạp chí quốc phòng Business Insider (Mỹ) hồi năm 2014 từng nhận định, Type 99 chỉ là đứa con lai tạo, không có đặc thù và đầy những khuyết điểm.
Với nhiều trang bị “lỉnh kỉnh” tổng khối lượng của Type 99 lên tới 60 tấn, trọng lượng quá nặng với loại xe tăng hiện đại. Ngoài ra, Trung Quốc còn đưa vào trang bị loại pháo 152 mm cho xe tăng Type 99KM, phiên bản mới nhất của Type 99. Loại pháo này có thể bắn tên lửa có điều khiển và đạn động năng thế hệ mới. Tuy nhiên, sự “tham lam” này sẽ khiến Type 99KM vốn nặng nề nay càng trở nên nặng nề hơn (75 tấn). Như vậy, xét về tính cơ động, Trung Quốc đã thua xa các đối thủ khác.
Chưa kể, ngành công nghệ quốc phòng Trung Quốc còn kém xa các cường quốc như Đức, Mỹ, Nga… về tác chiến điện tử, khả năng gây nhiễu và những hệ thống tự hành trên xe tăng. Thêm nữa, loại giáp nổ được trang bị cho những chiếc Type 99 xuất hiện cho đến nay vẫn chỉ là loại giáp nổ thế hệ hai, gồm một “viên gạch” thuốc nổ đơn thuần đặt giữa hai lớp thép, đã quá lạc hậu khi so sánh với giáp Kontakt-5, giáp nổ thế hệ thứ ba của Nga.
Hiện nay Type 99 vẫn không thoát khỏi quy luật chiến đấu của xe tăng thế hệ cũ là chạy - dừng - bắn trong khi T-90 (của Nga) có khả năng tiêu diệt đối thủ ngay cả khi đang chạy tốc độ cao hay đang “bay” trên không trung. Điểm trừ cuối cùng của Type 99 là xe không được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động, gồm những khẩu súng phản ứng nhanh có thể phá hủy đầu đạn đối phương đang bay tới như hệ thống Arena của Nga hay Trophy của Israel.
Trong khi đó, siêu tăng Challenger II của Anh bị xếp chiếu dưới với Type 99 lại sở hữu sức mạnh và nhiều tính năng cực ấn tượng. Được coi là dòng tăng mạnh nhất của Lục quân Anh, Chanlenger II được trang bị công nghệ giáp phòng vệ Chobham tối tân, lớp giáp này được đánh giá là có khả năng vô hiệu hóa hầu hết các loại đạn, tên lửa chống tăng.
Theo một bài viết được đăng tải trên BBC năm 2003, một chiếc Challenger II trúng khoảng 70 phát đạn chống tăng RPG ở thành phố Basra Iraq nhưng tổ lái vẫn an toàn.
Ngoài khả năng tự bảo vệ, Challenger II được trang bị hỏa lực cực mạnh. Tăng Challenger II được trang bị pháo nòng xoắn L30 cỡ 120mm có thể bắn được khá nhiều loại đạn xuyên giáp như: đạn xuyên dưới cỡ nòng có cánh đuôi APFSDS L23 (sơ tốc đầu đạn 1,53m/s); đạn APFSDS L26 (với đầu đạn uran làm giàu cấp độ thấp); đạn khói L34WP để giảm thiểu tầm nhìn của đối phương.
Trên tháp pháo xe còn được trang bị súng máy L94A1 cỡ 7,62mm bên trái pháo 120mm. Súng đạt tốc độ bắn 520-550 phát/phút có thể quét sạch một tiểu đội bộ binh trong vòng chưa tới 10 giây. Ngoài ra, trên nóc xe được lắp một súng máy L37A2 cỡ 7,62mm nhưng không được tích hợp giá điều khiển tự động.
Để di chuyển cỗ xe tăng nặng 62,5 tấn, dài 8,3m, nhà sản xuất Vicker Defence Systems trang bị cho Challenger II động cơ diesel Perkins CV-12 TCA Condor công suất 1.200 mã lực cho phép di chuyển trên đường bằng phẳng với tốc độ 56km/h. Với thùng nhiên liệu sức chứa 1.592 lít đủ cung cấp cho Challenger II phạm vi chiến đấu 500km.