Vào thời điểm khởi đầu kỷ nguyên hạt nhân, kỹ thuật tên lửa chưa đạt đến độ tin cậy cao. Những vũ khí hạt nhân đầu tiên đều thiết kế dưới dạng bom, tấn công mục tiêu bằng máy bay.
Tuy nhiên, trên thực tế chiến trường, việc sử dụng bom hạt nhân là cực kỳ hãn hữu bởi tính hủy diệt quá lớn của nó.
Thế nên đứng trước yêu cầu phải trang bị cho quân đội những vũ khí hạt nhân chiến thuật mạnh hơn vũ khí thông thường nhưng không tạo ra sự hủy diệt quá lớn như bom hạt nhân chiến lược, các siêu cường như Liên Xô, Mỹ đều chọn một giải pháp cổ điển: Pháo!
Với lợi thế là người đi trước trong kỹ thuật hạt nhân, Mỹ sớm bước vào cuộc đua chế tạo siêu pháo hạt nhân với khẩu M65 "Atomic Cannon” (Đại bác nguyên tử) dựa trên thiết kế siêu pháo 280mm K5 Krupp thu được của phát xít Đức.
Sau 4 năm nghiên cứu chế tạo, ngày 25.5.1953, khẩu siêu pháo bắn đạn hạt nhân đầu tiên của loài người đã bắn thử thành công tại bãi thử Nevada, Hoa Kỳ.
Người Mỹ mất 8 năm sau vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên (1945 - 1953) để có được siêu pháo hạt nhân của mình. Còn người Nga chỉ mất 7 năm sau lần thử bom nguyên tử đầu tiên (1949), để trình làng 2 thiết kế khác nhau của pháo hạt nhân. Ngày 26.12.1956, hai mẫu thiết kế là lựu pháo cỡ nòng 406mm 2A3 Kondensator 2P và cối cỡ nòng 420mm 2B1 Oka được quân đội Liên Xô chấp nhận đưa vào sản xuất.
Dù chưa từng được sử dụng trong thực chiến nhưng mỗi khi xuất hiện các cỗ siêu pháo đều gây ấn tượng sâu sắc.
Khi được triển khai tại Triều Tiên những năm 50 của thế kỷ trước, M65 đã khiến cho Liên quân Trung - Triều quanh Bàn Môn Điếm phải liên tục bố trí lại đội hình mỗi khi siêu pháo hạt nhân này di chuyển.
Còn trong lần xuất hiện đầu tiên tại cuộc diễu binh năm 1957 tại Quảng Trường Đỏ, các cỗ siêu pháo hạt nhân của Nga đã gây tranh cãi lớn trong giới quan sát viên quốc tế.
Trong lịch sử pháo binh từng có nhiều loại pháo cỡ nòng lớn hơn cả Kondensator 406mm và Oka 420mm. Nhưng khi đặt hai hai loại pháo này trên một khung gầm gọn nhẹ, thì ngay cả nhiều chuyên gia Liên Xô cũng không tin nổi bộ khung gầm đó đủ sức chịu được lực giật khi Kondensator 406mm hay Oka 420mm khai hỏa.
Đây cũng là lý do những người theo chủ nghĩa hoài nghi cho rằng 2 vũ khí trên chỉ là những con "ngáo ộp" giả tạo được cho diễu binh nhằm mục đích khủng bố tinh thần các nước phương Tây.
Trên thực tế chính vấn đề khung gầm đã làm dự án chế tạo siêu pháo hạt nhân của Liên Xô chậm mất 1 năm. Sau khi bắn thử pháo thành công năm 1955, các kỹ sư Liên Xô đã phải lập một dự án riêng mang ký hiệu "Objekt 271" nhằm nâng cấp khung gầm xe tăng hạng nặng T-10M để có thể lắp cho cả 2 loại siêu pháo hạt nhân của họ.
Sau khi giải quyết xong vấn đề khung gầm, Kondensator và Oka trở thành những cỗ siêu pháo hạt nhân hoàn chỉnh có khả năng tự hành với tốc độ 30km/h. Tổng trọng lượng của Kondensator là 64 tấn, còn trọng lượng của Oka là 55,3 tấn. So sánh với M65 cỡ nòng chỉ 280mm nhưng tổng trọng lượng lên tới 83,3 tấn, rõ ràng hai siêu pháo của Nga "mi nhon" hơn nhiều.
Dù tạo ra hiệu ứng tâm lý rất lớn, những cỗ siêu pháo hạt nhân nhanh chóng trở nên lỗi thời trước sự phát triển của kỹ thuật tên lửa.
Tầm bắn ngắn, khả năng cơ động kém, không thể vận chuyển bằng máy bay, chế tạo tốn quá nhiều nguyên vật liệu, yêu cầu cao về bảo trì và đặc biệt là giá thành quá đắt đỏ, tất cả những lý do đó khiến cho các cỗ siêu pháo không thể cạnh tranh được với các loại tên lửa có tính năng tương tự.
Ngay khi mới ra đời năm 1953, M65 đã chỉ hơn loại tên lửa tương đương về tầm bắn và trọng lượng đầu đạn MGR1-Honest John ở khả năng … đóng phim tuyên truyền.
Bên cạnh đó, kỹ thuật hạt nhân cũng có những bước tiến mới cho phép thu nhỏ đầu đạn để có thể bắn được chỉ bằng các loại pháo hạng nặng thông thường. Năm 1957, người Mỹ đã chế tạo được đạn pháo hạt nhân W33 dành cho lựu pháo hạng siêu nặng 203mm.
Tới năm 1963, đạn pháo hạt nhân W48 dành cho pháo hạng nặng tiêu chuẩn 155mm ra đời đã khiến những cỗ siêu pháo hạt nhân M65 chính thức nhận quyết định nghỉ hưu khi mới ở tuổi lên 10.
Chỉ 1 năm sau đó, cũng với những lý do tương tự mang tên T5 Luna (tên lửa hạt nhân chiến thuật) và ZBV3 (đạn pháo hạt nhân cỡ nòng 152mm), người Nga cũng cho loại khỏi đội ngũ những khẩu siêu cối Oka (Kondensator đã bị cho về hưu ngay từ năm 1960).
Thời đại của những cỗ siêu pháo hạt nhân đã chấm dứt quá sớm. Ngày nay những người hâm mộ kỹ thuật quân sự chỉ có thể tìm thấy một số ít những con ngáo ộp một thời nằm han gỉ trong những viện bảo tàng.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng.