Ra đòn tấn công trước cực hiểm hóc - phong cách của “Gấu Nga”

Đại tá Trần Danh Bảng |

Hầu như trong nhiều thập niên gần đây, hễ có sự xuất hiện của Nga vào các sự kiện quân sự ở Á - Âu, thì mỗi vụ can dự, Quân đội Nga đều khiến cho NATO và Mỹ phải bất ngờ.

Bất ngờ ở chỗ Nga luôn “ra đòn trước” chí ít là “xuất hiện” trước, với nhiều hình thức đa dạng khó lường. Các nhà bình luận đều cho rằng, đó là phong cách “gấu Nga”, có truyền thống từ thời Quân đội Liên-Xô trước đây và sau này là Quân đội Nga.

Sự kiện Praha đêm 20 tháng 8 năm 1968

Những cựu sĩ quan dù Nga kể lại: “Một chiều tháng 8 năm 1968, các sĩ quan được triệu tập gấp tới Câu lạc bộ Sĩ quan nghe phổ biến: Ngay từ phút này, cấm trại 100%. Sĩ quan ăn tối tại doanh trại, không điện về nhà riêng, chờ lệnh.

Trong màn đêm, các phân đội báo động, lên tàu bay trong tư thế chiến đấu đường dài. Lệnh tác chiến chỉ được giao cho binh sĩ trên không… và lần lượt những chiếc dù bung ra trong không gian.

Khi chạm đất, tất cả theo phướng án đã tập luyện, hợp quân theo các mũi chiến đấu bộ binh cơ giới. Lần này họ chiếm thành phố.”

 
Đại tá trần danh bảng
 

Với cuộc đổ bộ đường không bất ngờ này, chỉ trong một đêm, khoảng 200.000 lính khối hiệp ước Warszawa cùng 5.000 xe tăng đã tiến vào Tiệp Khắc để dập tắt “Mùa xuân Praha”, một phong trào “chệch hướng” XHCN diễn ra trong thời gian ngắn tại quốc gia này.

Khi đó  tác chiến điện tử còn ở trình độ sơ khai, nhưng trình độ tổ chức cơ động đường không, đường bộ  và tính bất ngờ, quy mô lớn cho thấy quân đội khối Warszawa, trong đó Liên-Xô là trụ cột luôn chủ động tính trước mọi diễn biến.

Sau một thời gian rất ngắn, Tiệp Khắc thay thế Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Alexander Dubsek bằng ông Gustav Husák, một người sẵn sàng làm việc với Liên Xô. Sau đó Dubsek bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản và trở về địa phương làm cán bộ kiểm lâm ở Bratislava.

Sự kiện Slatina đêm 1999 tại Kosovo

Vào đêm 11 rạng 12 tháng sáu năm 1999, cuộc đột kích chớp nhoáng của 200 lính dù Nga xuống sân bay Pristina (Kosovo), cấp tốc đánh chiếm trước sân bay quốc tế này, khẳng định sự can dự của Nga, “có mối quan tâm” sâu sắc đến khu vực Balkan.

Mục tiêu khác dễ thấy là Nga ngăn không để các máy bay MiG-29 (xuất xứ Nga) của Nam Tư lọt vào tay NATO với nhiều bí mật quân sự. Khiến NATO sửng sốt về sự “nhanh tay phỗng lấy” này.

Đau đớn chứng kiến 11 chiếc MiG-29 và 21 chiếc MiG-21 lần lượt bay khỏi sân bay Pristina ngay đêm 12 tháng 6, chỉ huy NATO ngớ người thán phục.


Lính dù Nga tại sân bay sân bay Pristina (Kosovo).

Lính dù Nga tại sân bay sân bay Pristina (Kosovo).

Cuộc hành quân cơ giới chớp nhoáng di chuyển về phía biên giới của Bosnia và Nam Tư, quân đổ bộ đường không hỗn hợp Nga phải vượt qua 500 km đường bộ. Khi quân đội NATO tới giải giáp, thì sân bay đã dày đặc lính Nga.

Thời điểm đó khi chiến tranh Nam Tư đã kết thúc, sự xuất hiện quân đội Nga muốn làm chỗ dựa để Moscow mặc cả với NATO.

Trước sự kiện chỉ trong một đêm, sân bay Pristina xuất hiện đầy lính Nga với trang bị vũ khí tới tận răng, NATO không kịp trở tay.

Chuyện đã rồi, tướng Mỹ Wesley Clark tư lệnh quân NATO tại châu Âu đã ra lệnh cho tướng Anh Michael Jackson chỉ huy quân NATO tại khu vực Balkan rằng hãy "chế áp" ngay. Nhưng sợ “đốm lửa cháy rừng” có thể xảy ra.

Một thiếu tá Tổng cục Quân báo Bộ Tổng tham mưu Nga, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình "Veschi" năm 2009  cho hay:

"Thật ra ngay từ cuối tháng 5 năm 1999 một nhóm 18 quân báo viên Nga đã bí mật đột nhập khu vực Slatina, trên thực tế đã kiểm soát sân bay này (Pristina) trước khi tiểu đoàn hỗn hợp 200 quân đổ bộ đường không Nga đến nơi. Kết cục Nga đã đạt được mục tiêu của mình".


Lực lượng Nga triển khai ở Nam Osetia trong cuộc chiến Nga - Gruzia (2008).

Lực lượng Nga triển khai ở Nam Osetia trong cuộc chiến Nga - Gruzia (2008).

Sự kiện Gruzia 8-2008

Trước cuộc chiến tiến đánh Gruzia, Nga đã trù liệu sớm các tình huống Gruzia sẽ can thiệp vào Nam Ossetia. Vì vậy không phải ngẫu nhiên mà Nga tổ chức ngay cuộc diễn tập mang tên “Kavkaz-2008” từ ngày 13 tháng 7, đến 1-8 năm 2008.

Tại sao lại là vùng Kavkaz mà không là nợi khác? Tại sao ngay sau khi diễn tập, các đơn vị không trở về trạng thái “nghỉ, hồi tĩnh” mà vẫn bổ sung ngay trang bị tổn hao, duy trì sẵn sàng chiến đấu cao?

Vì chỉ một tuần sau, (8/8/2008) bộ binh cơ giới và không quân thuộc quân khu Bắc Kavkaz (Nga) được trao cho một trong những vai trò quyết định là trinh sát và đánh phá các mục tiêu, cắt đứt, chặn giao thông, phá kho tàng và khu vực tập trung binh lực của Gruzia.

Cũng chỉ sau 5 giờ nhận lệnh, hai tiểu đoàn của Tập đoàn quân 58, vùng Kavkaz tức tốc hành quân, cự ly xa 100 km tiến vào thủ phủ Tskhinvali Nam Ossetia.

Tiếp đó Sư đoàn dù chủ lực số 76, vừa cơ động đường bộ và đường không, 24 giờ kế tiếp đã có mặt tại khu vực tác chiến, tạo ngay 2 gọng kìm áp sát phía Đông và Tây Gruzia. Sang ngày thứ 3 đã chia cắt ngay Gruzia.

Tốc độ tiến công rất cao của quân Nga, tạo thế chủ động ra đòn sớm, đã khiến quan chức của Bộ Quốc phòng Mỹ phải thốt lên: “Đã dự tính trước tốc độ điều binh của Nga, nhưng trên thực tế họ (Nga) đã nhanh hơn điều chúng ta dự liệu”.

Những mạnh yếu của Nga từ cuộc chiến tranh này sẽ trình bày ở bài khác. Chỉ nói đến sự chủ động, sớm ra tay của Nga tháng 8-2008 ở khu vực này, trong khi quân đội Nga đang ở thời điểm rất nhiều vấn đề cần cải cách.

Sự kiện Crưm 2014

Cuối tháng 2-2014, chính biến tại Ukraine đột ngột chuyển theo hướng bất lợi cho Nga: Tổng thống Yanukovich bị phe đối lập thân phương Tây lật đổ, lên nắm quyền, đe dọa sẽ xóa sạch dấu ấn Nga trên đất Ukraine.

Lợi ích kinh tế, quân sự và địa chính trị của Nga tại đây vì thế bị lâm nguy. Theo Hiệp ước Kharkov ký năm 2010 giữa Nga và Ukraine, Nga có quyền đồn trú 25.000 quân ở Crưm.

Tháng 3-2014, lính Nga ở bán đảo này chỉ có 12.500 quân. Lúc này tàu chiến Mỹ đã có mặt ở Biển Đen.

Nhưng ngay lập tức một hiện tượng “chưa từng có trong binh pháp hiện” đại đã diễn ra: Hàng nghìn lính “lạ”, sau này dân chúng gọi là “những người lịch thiệp” mau chóng tràn vào kiểm soát vùng Crưm một cách hòa bình.


Những Người lịch thiệp” Nga tại bán đảo Crưm.

Những "Người lịch thiệp” Nga tại bán đảo Crưm.

Không phù hiệu, không “trống rong cờ mở”, hầu hết các dinh thự và bộ máy công quyền địa phương được tiếp quản nghiêm túc.

Đến giữa tháng 3-2014, trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga gấp rút được tiến hành và việc Crưm “trở về” nước Nga được hoàn tất. Một chiến dịch diễn ra nhanh gọn, hầu như không tốn một phát súng. Ai cũng biết những người lính lạ trên là binh lính Nga.

Khi được hỏi thì phía Nga nói, đó là lực lượng dân quân tự vệ của Crưm. Nga chẳng dính dáng gì!

Theo tính toán của Điện Kremlin, nếu một hành động thiếu cân nhắc kỹ lưỡng vào lúc đó có thể bùng phát thành biến cố lớn. “Lính lạ” là giải pháp an toàn nhất. Một nước cờ khiến Mỹ và châu Âu lúng túng.

Phương Tây không thể có bằng chứng gì để buộc tội một cách công khai rằng Nga đưa quân sang Ukraine. Một chuyên gia phương Tây phải thốt lên rằng:

“Người Nga là những kỳ thủ tuyệt vời, họ dự báo trước tất cả các nước đi của đối thủ và không lộ ra chiến lược của mình”.

Trước đó Nga bất ngờ tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn, triển khai hàng vạn binh sĩ đến biên giới Ukraine chỉ trong một vài ngày.

Đại tướng Hans-Lothar Domröse, Tư lệnh các lực lượng hỗn hợp NATO rất khó chịu, vì để làm được điều này, NATO cần hai năm chuẩn bị.

Tiếp sau, 21-3-2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh phê chuẩn hiệp ước sáp nhập bán đảo Crưm thành một thực thể liên bang của Nga.

Nhiều chuyên gia quân sự và tình báo NATO sau này đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi "những người lịch thiệp" đã vào Crưm nhanh và bí mật như thế.  Một chuyên gia phương Tây nói: Một sự ngụy trang thật tuyệt vời. Người Nga đã thắng".

Đó không phải là sự ra tay nhanh chóng và khôn khéo chủ động sao?

Bất ngờ ở Syria, tiến công mãnh liệt IS

Ngày 20-9-2015, khoảng 10 ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch không kích phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, từ ảnh vệ tinh, Mỹ và các nước đồng minh phát hiện gần 30 máy bay quân sự của Nga.

Thôi thì gồm đủ loại, từ các tiêm kích, cường kích dòng Su cho tới trực thăng tấn công Mi của Nga đã xếp hàng tại sân bay Latakia của Syri.

Hầu hết các máy bay này được cho là thuộc biên chế của hai lữ đoàn không quân 387 và 368 ở căn cứ Budynnovsk, thuộc vùng Stavropol Krai của Nga, cách sân bay Latakia tới 2.400 km.

Trang Réseau International của Pháp đưa tin. Điều khiến các chuyên gia quân sự cảm thấy khó hiểu là các máy bay quân sự Nga đã áp dụng chiến thuật nào để bí mật đến được Syria.

Ngay từ đầu tháng 8- 2015, lực lượng không quân vận tải Nga đã dồn dập điều động các máy bay vận tải quân sự hạng nặng như An-124-100 và IL-76MD tăng cường chuyên chở vật tư hậu cần từ Nga tới sân bay quân sự Hmeymim thuộc thành phố Latakia.

Tiêm kích Nga bay phối hợp theo đội hình hẹp, "núp bóng" máy bay vận tải An-124-100 và IL-76MD trên độ cao 10 km với vận tốc khoảng dưới 1.000 km/h.

Sự "núp bóng" này, về lý thuyết là các radar cảnh giới có "độ phân biệt kiểu loại, tốp mục tiêu" hơi lớn, (theo phương vị và theo cự ly), cũng có nghĩa là độ làm rõ hai, hoặc ba máy bay cạnh nhau sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ và Israel chủ quan, vì Nga thường sử dụng máy bay vận tải quân sự để viện trợ cho Syria đã diễn ra trong một thời gian dài, Mỹ cùng các đồng minh đã khinh suất.

Chủ động cao, từ giữa tháng 9/2015, các phi đội máy bay tiêm kích và ném bom chiến thuật đã được điều phái từ các đơn vị không quân thuộc Quân khu Trung tâm, Quân khu Phương Nam, Quân khu Phương Đông của Nga cho chiến dịch không kích ở Syria.

Các lực lượng này đã tập kết ở sân bay quân sự Mozdok, nằm tại nước Cộng hoà Bắc Ossetia thuộc Nga, sẵn sàng cơ động tới Sirya.

Các xe pháo tên lửa tự hành Pantsir-S1 và các máy bay cường kích Su-25SM, trực thăng vận tải vũ trang Mi-8AMTSh, Mi-24PN được tháo rời, đóng kiện chuyển tới khu vực lắp ráp đặt ngay trong khu nhà kỹ thuật của sân bay Latakia của Syri.

Lý do nữa là Nga thực hiện gây nhiễu rất hiệu quả, bảo vệ máy bay tránh bị phát hiện trong phạm vi 500 km. Với máy bay do thám cỡ lớn IL-20M, hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ và Israel càng khó phát hiện.

Trận chiến chống khủng bố được Nga thực hiện một cách bài bản. Moskva đã tạo lập được một liên minh ngay trước khi tung đòn quân sự, với sự tham gia của Nga - Iraq - Syria - Iran.

Các cuộc không kích diễn ra với cường độ mạnh, theo kiểu “giải phẫu”, với độ chính xác lớn, sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao.

Chế áp bằng hỏa lực đường không, Nga tạo thế để lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đẩy nhanh chiến dịch phản kích quy mô lớn trên hướng nam và hướng tây, giành lại quyền kiểm soát ở nhiều khu vực từ tay quân khủng bố, lực lượng nổi dậy.

Kết quả này không phải chỉ do Nga công bố, mà chính nhiều bên “đối địch” cũng phải thừa nhận. Chỉ trong một thời gian ngắn, Nga đã làm được điều mà Mỹ và liên quân hùng hậu gồm hàng chục quốc gia đã không thể làm được trong một năm qua.

Sự đảo ngược tình thế nhanh chóng này tại Trung Đông đã khiến cho Mỹ và phương Tây hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động. Chiến dịch không khích chống IS của Mỹ và các đồng minh phương Tây bị lu mờ.

Một động thái khó lường ở Nga là không phải từ Địa Trung hải, không phải từ Biển Đen, mà lại từ biển Caspien, 26 tên lửa hành trình 3M14E Kalibr được phóng đi từ tàu hải quân cỡ nhỏ, chỉ trên dưới 1000 tấn.

Các tên lửa này vượt qua Iran, bay trên mặt nước và địa vật chỉ 18 mét, trúng vào 11 mục tiêu ở Syria từ cự ly xa tới trên 1.500km! Với đối phương, NATO và Mỹ sự bất ngờ của Nga trên cả 3 yếu tố: Thủ đoạn tác chiến, khu vực tác chiến và vũ khí trang bị.

Trả lời trang tin quân sự Defense One, Tướng Hodges ( NATO) nói: "Thực tế là, chúng ta không đủ khả năng tình báo để làm tất cả những gì cần làm. Chúng ta không có khả năng theo dõi và quan sát toàn bộ những gì họ (Nga) đang thực hiện"…

Theo nhận xét của ông, đó là một phạm vi "không thể tưởng tượng được" của tên lửa Nga. Nếu chiếc tàu đó của Nga được triển khai ở Địa Trung Hải, tên lửa của họ có thể bắn trúng Berlin.

Với Nga, còn nhiều điều bất ngờ chỉ trong không lâu nữa.

Phát biểu của Tổng thống Nga Putin khiến nhiều người bàn tán: “Cách đây 50 năm, đường phố Leningrad đã dạy cho tôi một quy luật: Nếu cuộc ẩu đả không thể tránh khỏi, hãy đánh trước! Vì vậy chúng tôi chiến đấu với ISIS, tốt hơn là ngồi ở nhà chờ đợi”.

Đó chỉ là lối nói với báo chí của Tổng thống nước này.

Nghiên cứu sự "ra đòn trước" một cách chủ động như những sự kiện trên đây, ta hiểu đó là phong cách được tôi luyện cọ sát trong thực tế phức tạp, nghặt nghèo của tình thế. Nó luôn là nội hàm rất phong phú của Học thuyết quân sự Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại