Sở hữu địa thế rất quan trọng ở Đông Nam Á, nhưng Philippines lại bị coi là một đất nước có tiềm lực quốc phòng yếu thuộc hàng "đội sổ" ở khu vực.
Nhận thức rõ điều này, trong những năm gần đây, Chính phủ Philippines đã tập trung vào việc tăng cường sức mạnh quân đội.
Tuy nhiên, việc đầu tư dàn trải và thiếu khoa học đã biến nhiều dự án hiện đại hóa quân đội của nước này thật khó hiểu, bị không ít người mỉa mai.
Mua trực thăng quân sự nhưng lại không thể phục vụ nhiệm vụ quân sự
Trong tình hình các máy bay UH-1 đã quá già cỗi, Quân đội Philippines đã quyết định mua trực thăng W-3A Sokol của Ba Lan.
Hợp đồng được ký kết vào tháng 8/2009, theo đó nhà máy PZL-Świdnik (Ba Lan) sẽ chế tạo 8 máy bay trực thăng W-3A với trị giá vào khoảng 77 triệu USD.
Giới chức nước này hy vọng họ sẽ được sở hữu một mẫu trực thăng hiện đại, với khả năng chở 11 lính và có thể yểm trợ bộ binh dưới mặt đất.
Tuy nhiên, không quân Philippines đã vỡ mộng khi nhận được những máy bay đầu tiên của mình trong giai đoạn 2012-2013. Phiên bản W-3A bị giới hạn trong rất nhiều nhiệm vụ. Nổi bật nhất là việc máy bay không thể lắp hỏa lực súng máy M-60D.
Lễ tiếp nhận trực thăng W-3A của Không quân Philippines.
Lý do là cánh cửa hông máy bay quá hẹp, nếu lắp súng máy, binh sỹ không thể lên xuống và hàng hóa cũng không thể chuyển lên máy bay.
Điều đó khiến W-3A chỉ có thể đóng vai trò trực thăng tìm kiếm cứu nạn, thay vì một loại trực thăng đa năng có hỏa lực yểm trợ bộ binh như Quân đội Philippines từng kỳ vọng.
Ngoài ra, nhiều lỗi kỹ thuật và chất lượng sản xuất đã khiến W-3A Sokol trở thành một dự án thất bại thảm hại. Dù mới nhận, nhưng đã có ít nhất 1 chiếc trực thăng loại này của Không quân Philippines đã bị rơi khi làm nhiệm vụ.
Chiếc W-3A số hiệu 921 của Không quân Philippines đã bị rơi dù mới chỉ nhận bàn giao.
Điều đáng chú ý là Việt Nam và Iraq cũng đã từng từ chối mua loại máy bay này từ nhiều năm trước.
Soái hạm hải quân chỉ có một khẩu pháo điều khiển bằng "cơm"
Hải quân Philippines vốn rất yếu kém, khi chỉ có trong tay một vài tàu tuần tra từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Điều đó đẩy lực lượng này vào thế rất yếu nếu so sánh với các nước trong khu vực.
Tổng thống Philippines đã quyết tâm thay đổi thực trạng này bằng việc đặt mua hai tàu tuần tra lớp Hamilton của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ với đơn giá khoảng 450 triệu Peso (tương đương 10,5 triệu USD) mỗi chiếc.
Chiếc đầu tiên là USCGC Hamilton (WHEC-175), được đổi tên thành Gregorio del Pilar (PF-15) và được biên chế chính thức vào cuối năm 2011. Chiếc thứ hai là USCGC Dallas (WHEC-176), về sau mang tên Ramon Alcaraz (PF-16).
Đây là chính là hai tàu lớn và hiện đại nhất trong biên chế của Hải quân Philippines. Philippines đã thay đổi nhiệm vụ của hai tàu này, từ tàu tuần tra trở thành tàu chiến hải quân để bảo vệ lợi ích trên biển của nước này.
Nhưng hy vọng của họ cũng nhanh chóng xẹp xuống khi hai tàu lớp Hamilton đã bị cắt giảm toàn bộ các hệ thống thiết yếu. Ngoài radar nhìn vòng và điều khiển hỏa lực, các bệ CIWS Phalanx cũng bị tháo dỡ trước khi bàn giao cho Philippines.
Tới khi nước này nhận tàu, vũ khí duy nhất còn lại là một bệ pháo Oto Melara 76 mm ở phía trước. Không có radar điều khiển hỏa lực, thủy thủ tàu chỉ có thể sử dụng pháo theo hình thức bắn chay, điều khiển bằng "cơm".
Tàu Gregorio del Pilar (PF-15).
Xét về hỏa lực, hai soái hạm của Hải quân Philippines chỉ có thể so sánh ngang với tàu pháo TT-400TP nhỏ bé của Việt Nam, thậm chí thua kém hơn về độ chính xác.
Dù đã có nhiều nỗ lực nhằm tái vũ trang cho hai tàu này, Philippines mới chỉ có thể lắp bệ pháo 25mm lên tàu. Còn các bệ phóng tên lửa chống hạm vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.
Mua máy bay chiến đấu nhưng không có vũ khí
Với việc nhận những chiếc FA-50 đầu tiên từ Hàn Quốc, Không quân Philippines đã chính thức sở hữu và vận hành máy bay tiêm kích phản lực đầu tiên trong vòng 10 năm qua, kể từ khi các phi đội F-5 chính thức bị loại biên.
Không quân Philippines dự kiến sẽ nhận đủ 12 chiếc trong giai đoạn 2016-2017.
Với một số tính năng hiện đại, FA-50 được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường khả năng tự vệ trên không của nước này, cũng như nâng cao năng lực tấn công tàu chiến của Philippines.
Nhưng một lần nữa, người Philippines lại phải ngậm quả đắng. Thật khó hiểu, sở hữu máy bay tiêm kích nhẹ FA-50, nhưng chúng lại chẳng có một loại vũ khí nào đi kèm, kể cả đạn pháo.
Kết quả là những chiếc FA-50 được trưng bày với vũ khí chính là những quả đạn AIM-9 được sản xuất từ năm 1962, vốn được trang bị cho phi đội F-5E của nước này.
Không quân Philippines phải kêu gọi đấu thầu chế tạo 93.000 viên đạn cho FA-50 và dự kiến nhận lô đầu tiên vào năm 2017. Trong khi đó, các loại tên lửa chỉ có thể được bàn giao cho nước này vào năm 2018.
Với tình trạng như vậy, phi đội FA-50 của Philippines chỉ có tác dụng duy nhất là bay biểu diễn và huấn luyện, ít nhất là cho tới giữa năm 2017.
Thậm chí ngay cả khi đã nhận được lô đạn pháo 20 mm và tên lửa không đối không đầu tiên, FA-50 vẫn sẽ là miếng mồi quá dễ dàng cho những máy bay tiêm kích chuyên nhiệm.
Vẫn biết, ngân sách dành cho mua sắm quốc phòng của nước này có tăng trong vài năm qua, song còn thấp so với yêu cầu, nhưng nhiều người cho rằng, chính những quyết định sai lầm như trên có thể kéo tụt mọi nỗ lực hiện đại hóa Quân đội Philippines.