Pháp hừng hực ý chí báo thù, quyết diệt IS bằng vũ khí hiện đại!

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Bị các lực lượng Hồi giáo cực đoan tiến hành khủng bố đẫm máu hai lần liên tiếp vào chính “Kinh đô ánh sáng” trong cùng năm 2015, nước Pháp giờ đang hừng hực ý chí báo thù.

“Chiến dịch Chammal” và đòn thù từ IS

“Chammal”, là loại gió mùa Tây Bắc thổi qua vùng Vịnh Ba Tư, được người Pháp lấy làm tên gọi cho chiến dịch không kích hỗ trợ quân đội Iraq ngăn chặn sự bành trướng của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Levant (IS) trên lãnh thổ Iraq.

Người Pháp thường nhắc đến IS dưới tên gọi “Daech”, và cho rằng chính tổ chức khủng bố của Bin Laden và các cơ quan mật vụ dưới thời cựu tổng thống Mỹ George W. Bush là tác giả của Daech.

“Chiến dịch Chammal” được đích thân đương kim tổng thống Pháp Francois Hollande phát động vào ngày 15/9/2014 dựa theo Nghị quyết số 2170 được Hội đồng bảo an LHQ thông qua trước đó một tháng.

Ngày 19/9/2014, Không quân Pháp mở màn “Chiến dịch Chammal” bằng biên đội 2 chiếc máy bay tiêm kích đa năng Dassault Rafale sử dụng bom có dẫn đường laser “không kích phẫu thuật” một khu kho vận của Daesh tại thành phố Mosul (Iraq).

Không quân Pháp là lực lượng chủ yếu thi hành “Chiến dịch Chammal” bằng các cuộc “không kích phẫu thuật”, hoặc tiến hành trinh sát đường không chỉ thị mục tiêu cho lực lượng Iraq và yểm hộ trên không cho lính Iraq giải phóng lãnh thổ.

Từ đó cho đến nay, Không quân Pháp đã thực hiện 1.285 phi vụ xuất kích, trong đó có 271 lần không kích nhắm vào 459 mục tiêu Daech trên lãnh thổ Iraq.

Mặc dù vẫn tự kiềm chế “Chiến dịch Chammal”, nhưng đối mặt áp lực nội bộ sau vụ khủng bố toà báo “Charlie Hebdo” và sức ép từ các đồng minh Anh-Mỹ, cùng với việc xuống tay nhanh chóng của Nga đã buộc Pháp phải điều chỉnh lại phạm vi “Chiến dịch Chammal”.


Tàu sân bay nguyên tử Charles de Gaulle tại quân cảng Toulon, Pháp. Ảnh: Reuters.

Tàu sân bay nguyên tử Charles de Gaulle tại quân cảng Toulon, Pháp. Ảnh: Reuters.

Ngày 14/01/2015, tổng thống Francois Hollande tuyên bố sẽ điều động tàu sân bay nguyên tử Charles de Gaulle cùng đội tàu hộ tống và phi đoàn không quân trên tàu tới Vịnh Ba Tư để tham gia “Chiến dịch Chammal”.

Từ ngày 23/02/2015, nhóm tác chiến tàu sân bay Arromanches do tàu sân bay Charles de Gaulle dẫn đầu đã có mặt tại Vịnh Ba Tư để tham gia liên minh chống Daech trong khoảng thời gian 02 tháng.

Sau khi Nga phát động chiến dịch không kích IS trên đất Syria cuối tháng 9/2015, Không quân Pháp cũng vội vã cử lực lượng máy bay cường kích của mình đóng tại Jordani tiến hành một cuộc không kích biểu tượng vào lực lượng Daech tại Syria ngay đầu tháng 10/2015.

Ngày 05/11/2015 tổng thống Pháp Hollande lại một lần nữa khẳng định sẽ sớm đưa nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle tham gia “Chiến dịch Chammal”.

Lời tái khẳng định tăng cường lực lượng chống Daech của tổng thống Pháp chưa thành hiện thực, thì lực lượng Daech đã mang chiến tranh tới tận thủ đô của nước Pháp bằng cuộc thảm sát diễn ra đúng vào ngày xui xẻo “Thứ 6, Ngày 13”.

Tối thứ Sáu, ngày 13/11/2015, “Kinh đô ánh sáng” Paris của nước Pháp bị rúng động bởi một loạt 6 vụ xả súng và đánh bom tự sát khiến 129 người chết, 352 người bị thương.

Ngay sau vụ thảm sát, lực lượng Daech đã đứng ra nhận trách nhiệm và tuyên bố mục đích của vụ thảm sát là để báo thù hoạt động không kích chống Daech trong “Chiến dịch Chammal” của Pháp.

Phản ứng trước vụ thảm sát khủng bố của Daech nhằm vào dân thường đúng trong ngày xui xẻo, người dân Pháp dường như sát cánh đoàn kết với nhau hơn và tự trấn an nhau bằng khẩu hiệu “Même pas peur!” (Hãy đừng khiếp sợ)

Khẩu hiện lấy từ tiêu đề một bộ phim thời sự chính luận khởi chiếu sau vụ thảm sát “Charlie Hebdo” hồi đầu năm.

Về phần Chính phủ Pháp, tổng thống Pháp Francois Hollande đã lập tức tuyên bố trên truyền hình rằng đây là một hành động chiến tranh vừa được đội quân khủng bố Daech và những kẻ Hồi giáo cực đoan tiến hành một cách vô cùng man rợ.

Ngay trong tối ngày 13/11/2015, người phát ngôn chính phủ Pháp tuyên bố nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle vừa được lệnh báo động và sẵn sàng nhổ neo rời quân cảng Toulon vào ngày 18/11/2015 để đi Vịnh Ba Tư đánh Daech.

Ngày 15/11/2015, Không quân Pháp sử dụng 10 máy bay tiêm kích và cường kích thuộc các phi đội không quân viễn chinh đóng tại Jordani và UAE ném 20 quả bom có điều khiển.

Mục tiêu là sở chỉ huy Daech, trung tâm tuyển mộ chiến binh thánh chiến Hồi giáo, kho vũ khí đạn dược và trại huấn luyện khủng bố của Daech ở thành phố Rakka (Syria).

Đòn trừng phạt hành động khủng bố của Daech tại Paris, hay còn gọi là “Chiến dịch Chammal mở rộng”, đã được người Pháp chính thức phát động trên đất Syria.


Máy bay tiêm kích đa năng Rafale mang theo 4 quả bom GBU-49/B từ căn cứ không quân Al Dhafra (UAE) xuất kích trừng phạt đại bản doanh Daech tại Rakka. Ảnh: Bộ tổng tham mưu quân đội Pháp

Máy bay tiêm kích đa năng Rafale mang theo 4 quả bom GBU-49/B từ căn cứ không quân Al Dhafra (UAE) xuất kích trừng phạt đại bản doanh Daech tại Rakka. Ảnh: Bộ tổng tham mưu quân đội Pháp

Vũ khí Pháp trong “Chiến dịch Chammal mở rộng” 

Pháp rõ ràng đã ra đòn trừng phạt không dung thứ nhằm vào Daech để mở màn “Chiến dịch Chammal mở rộng” bằng các đơn vị không quân viễn chinh đang đồn trú trên lãnh thổ Jordani và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE).

Trong chiến dịch trừng phạt Daech diễn ra từ 19 giờ 50 phút tới 20 giờ 50 phút ngày 15/11/2015 (theo giờ Paris), Không quân Pháp đã huy động một lực lượng lớn gồm:

"Toàn bộ phi đội máy bay tiêm kích bom Dassault Mirage-2000D/N đóng ở Jordani và phi đội máy bay tiêm kích đa năng Dassault Rafale đóng ở UAE làm nhiệm vụ “không kích phẫu thuật” các vị trí Daech ở đại bản doanh của chúng tại Rakka".

Các phi đội máy bay Mirage-2000D/N và Rafale viễn chinh được Không quân Pháp bố trí từ trước ở hai quốc gia vừa nêu tên để thực hiện “Chiến dịch Chammal”.

Nay chúng sẽ tiếp tục sứ mệnh “Chiến dịch Chammal mở rộng” cùng lực lượng Không quân trên tàu của Hải quân Pháp và không quân của các nước liên minh chống Daech.

Trong đòn “không kích phẫu thuật” hôm Chủ nhật vừa rồi, các máy bay Rafale và Mirage-2000D/N mang theo 20 quả bom có điều khiển laser GBU Paveway các loại do hãng Raytheon chế tạo để tiêu diệt các mục tiêu cố định của Daech.

GBU Paveway có nhiều loại với khối lượng khác nhau gồm một thân bom thông thường gắn bộ đầu đọc laser phản xạ từ mục tiêu do thiết bị chiếu laser trên máy bay chiếu xạ, bộ phận hiệu chỉnh theo tín hiệu vệ tinh kết hợp quán tính và các cánh lái hiệu chỉnh.

Trong điều kiện thời tiết tối ưu, bom GBU Paveway có thể đánh trúng mục tiêu với sai số vòng tròn dưới 1 m. Trường hợp mất dấu chùm laser chiếu xạ mục tiêu, bộ phận điều khiển của bom sẽ dựa theo toạ độ GPS và toạ độ quán tính để lái bom tới mục tiêu.

Tại căn cứ Al Dhafra của UAE, Không quân Pháp bố trí 6 chiếc máy bay tiêm kích đa năng Dassault Rafale thuộc Phi đội tiêm kích 3/30 “Lorraine”.

Máy bay tiêm kích đa năng Dassault Rafale được trang bị 2 động cơ tua bin phản lực 2 luồng Snecma M88-2 giúp máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 1.900 km/giờ, với tải vũ khí và nhiên liệu mang theo tới 9.500 kg dưới 14 điểm treo.

Dassault Rafale là loại máy bay tiêm kích có thể thực hiện được rất nhiều nhiệm vụ từ đối không tới đối đất. Loại máy bay này đã được Pháp sử dụng trong chiến dịch lật đổ chế độ Lybia năm 2011 và hiện nay là “Chiến dịch Chammal” chống Daech.

Còn tại căn cứ không quân Muwaffaq Salti (thành phố Azraq) của Jordani, Không quân Pháp bố trí 3 máy bay tiêm kích bom Dassault Mirage-2000N và 3 máy bay tiêm kích bom Dassault Mirage-2000D.

Hai loại máy bay này có thiết kế tương tự nhau, trong đó loại Mirage-2000N ngoài khả năng mang vũ khí thông thường còn có thể mang bom hạt nhân chiến thuật.

Trong đòn không kích trừng phạt vừa qua, Mirage-2000D mang 2 quả bom GBU-49/B, còn Mirage-2000N mang 4 quả bom GBU-12/B Paveway II đều nặng 230 kg mỗi quả.

Bom GBU-49/B là bản nâng cấp của bom GBU-12/B nhờ tích hợp khối lái GPS/INS với đầu tự dẫn laser bán chủ động.

Máy bay tiêm kích bom Dassault Mirage-2000D/N được trang bị một động cơ tua bin phản lực 2 dòng có chế độ đốt tăng lực SNECMA M53-P2, tốc độ tối đa 2.340 km/giờ và mang tải vũ khí 6.200 kg, với bán kính tác chiến tới 1.500 km khi mang kèm 2 thùng dầu phụ.

Tiếp sau đòn trừng phạt bước đầu của các máy bay KQ Pháp, tàu sân bay Charles de Gaulle cùng 12 máy bay tiêm kích đa năng hải quân Dassault Rafale F3 và 9 máy bay cường kích hải quân nâng cấp Super Étendard sẽ tới tham chiến chống Daech sau khoảng 1 tháng nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại