Tàu ngầm Kilo Project 636, được mệnh danh là "át chủ bài trong chiến lược biển xa", có tải trọng 3.100 tấn, tốc độ di chuyển 20 hải lý/giờ, khả năng lặn sâu 300 m, thủy thủ đoàn 52 người. Tàu có thể được vũ trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, mìn, và tên lửa hành trình Caliber. Dự kiến tới năm 2016, toàn bộ 6 tàu ngầm Kilo trong hợp đồng ký kết với Nga sẽ được phía nước bạn chuyển giao cho Việt Nam.
Chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên cho Việt Nam đã được Nga hạ thủy vào ngày 28/8/2012, và chiếc thứ hai được hạ thủy vào ngày 28/12/2012. Theo kế hoạch, 2 tàu Kilo đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Việt Nam vào cuối năm 2013 hoặc chậm nhất là đầu năm 2014.
Ông Andrey Baranov, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh tế đối ngoại và hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài của Viện thiết kế và đóng tàu Rubin cho biết, tàu ngầm Kilo thứ 3 và thứ 4 cũng sẽ được hạ thủy trong năm nay. Trong khi đó, công việc cắt kim loại cho chiếc tàu ngầm Kilo 636 thứ 5, 6 cũng đã bắt đầu tiến hành từ đầu tháng 2/2013. Nếu tiến độ cắt thép hiệu quả, rất có thể hai con tàu ngầm kilo cuối cùng của Hải quân Việt Nam sẽ được khởi đóng ngay trong năm 2013.
Theo hợp đồng, phía Nga cũng sẽ huấn luyện các thủy thủ Việt Nam điều khiển tàu ngầm kilo 636, đồng thời cung cấp thiết bị và phương tiện kỹ thuật cho tàu.
Ngoài hợp đồng đóng tàu Kilo trị giá gần 2 tỷ USD, Hải quân Việt Nam còn được trang bị 2 tàu hộ vệ tên lửa có khả năng bảo vệ cách bờ 200km trở lại. Hai tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 do Nga đóng mang tên chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ mà Việt Nam tiếp nhận năm 2011 đã góp phần làm tăng khả năng, sức mạnh quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Năm 2012, Việt Nam ký hợp đồng nhập thêm 2 tàu hộ tống tên lửa Gepard-3.9 dự kiến chuyển giao trong giai đoạn 2014-2016.
Chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ có chiều dài 102m, rộng 13,7m, lượng rẽ nước 2.100 tấn, có thể hoạt động trong điều kiện gió cấp 10-12. Trên tàu được trang bị hệ thống vũ khí phòng vệ lẫn tấn công, như tên lửa, pháo, máy bay, radar…
Vũ khí súng, pháo và tên lửa của hộ vệ hạm Đinh Tiên Hoàng bao gồm: Tổ hợp tên lửa đối hạm Uran với cự ly bắn đến 130km, gồm 2 dàn phóng tên lửa có cánh chống hạm loại Kh-35E bao gồm 8 ống phóng… Để chống ngầm, hộ vệ hạm Đinh Tiên Hoàng được lắp đặt 2 ngư lôi 533mm, 1 rocket phản lực RBU-6000 và trạm thủy âm loại MGK-335…… Tàu có thể mang theo một máy bay trực thăng chống ngầm Ka-28 hoặc Ka-31.
Trong biên chế của quân đội Việt Nam có dòng máy bay Su, được xem là đối thủ đáng gờm của các chiến cơ. Ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 24 máy bay chiến đấu đa năng SU-30 MKV/MK2 và 12 chiếc SU-27 SK. Tầm bay tác chiến của các dòng SU này đều có thể bao phủ toàn bộ các quần đảo mà Việt Nam đang tuyên bố chủ quyền.
Sau khi tiếp nhận các máy bay Su, không quân Việt Nam tăng cường đào tạo cho các phi công, để nâng cao năng lực tác chiến.
Hầu hết Su-27 và Su-30 được bố trí tại các tỉnh miền Nam. Điều này cho thấy sự ưu tiên và mối quan tâm của Việt Nam trong kế hoạch bảo vệ chủ quyền biển đảo
CASA-212-400 là loại máy bay vận tải quân sự đa nhiệm thế hệ thứ 4 với nhiều trang bị kỹ thuật hiện đại theo chuẩn châu Âu đã được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Việt nam. Thiết kế máy bay nhỏ gọn, có sải cánh 20,2m; chiều dài 16,1m; cao 6,5m. Trang bị động cơ tua-bin cánh quạt cho phép máy bay hoạt động với tốc độ bay thấp và thời gian dài trên biển.
Tháng 8/2012, chiếc CASA-212 thứ nhất được tiếp thu tại sân bay Gia Lâm, và đến tháng 1/2013, chiếc CASA-212 thứ hai đã về đến Việt Nam.
CASA-212-400 có thể đạt tốc độ bay hành trình 360km/giờ và tầm bay đạt 1.800km. Trọng tải cất cánh của máy bay đạt 8,1 tấn. CASA-212 có thể hoạt động ở các sân bay dã chiến với thiết kế mô-đun. Đảm bảo cho các nhiệm vụ tuần tra, CASA-212-400 được trang bị tổ hợp thiết bị MSS-6000, gồm hai ra-đa viễn thám lắp đặt hai bên hông máy bay cho tầm kiểm soát 80km. Ngoài ra, thiết bị quan sát quang điện hỗn hợp FLIR cho phép tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày đêm (ảnh TV, ảnh nhiệt...).
Tháng 8/2010 Việt Nam cũng đã tiếp nhận 4 xe phóng tên lửa bờ đối hạm Yakhont. Mỗi xe có 4 quả tên lửa cùng với đó là 2 dàn radar phòng vệ bờ biển có cự ly thám trắc lên tới 450 km, có khả năng theo dõi chủ động đồng thời 30 mục tiêu, theo dõi bị động 50 mục tiêu và xử lý đồng thời 200 mục tiêu.
Hiện nay Việt Nam đang sở hữu khoảng 50 quả tên lửa Scud B có tầm bắn khoảng 300km nhưng Việt Nam đang cải tiến được những quả tên lửa này nâng tầm bắn lên đến 500km.
Với những vũ khí chiến lược này, năng lực bảo vệ biển, đảo của Việt Nam chắc chắn được nâng cao. Thứ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: "Chúng ta mua sắm vũ khí trang bị chỉ vừa đủ để bảo vệ Tổ quốc mình. Chúng ta từng bước hiện đại hóa quân đội. Khi hiện đại hóa quân đội phát triển ở mức cao thì nó sẽ quay lại giúp phát triển kinh tế đất nước...".