Những siêu nhân áo cỏ

Lý Hữu Lương |

Dưới chân núi Thằn Lằn, ẩn hiện trong những tàng cây là nơi đặt bản doanh của Đoàn đặc công 113, một đơn vị có những người lính “độc đảm kiên cường” áo vải, chân trần làm nên những chiến công lẫy lừng.

Tiết trời cuối xuân, bầu trời xanh ngắt điểm từng bụm mây xen những tia nắng quái ùa trong không gian nồng nồng mùi cỏ, mùi cây, mùi sỏi.

Dưới chân núi Thằn Lằn, ẩn hiện trong những tàng cây là nơi đặt bản doanh của Đoàn đặc công 113, một đơn vị có những người lính “độc đảm kiên cường” áo vải, chân trần làm nên những chiến công lẫy lừng. Những bóng người đi dưới cỏ/ Đem mùa xuân về nở lòng đêm...

 Xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, để chống chọi với kẻ thù, võ thuật đã khởi sinh, phát triển và trở thành nhu cầu tất yếu bảo đảm sự sống còn của một dân tộc nhỏ, yếu về tiềm lực quốc gia và con người.

Nền võ thuật cổ truyền ấy được gọi là “võ trận”, võ chiến đấu dùng để tiêu diệt kẻ thù khoẻ hơn, to lớn hơn nên nó không có sự hoa mĩ, thừa thãi. Võ đặc công là môn tổng hợp, kết tinh từ nhiều miếng võ, bài võ của các môn phái khác nhau.

Trung uý Phạm Văn Quốc, chiến sĩ đặc nhiệm chia sẻ: Bọn em phải rèn luyện từ cơ bản đến chuyên sâu một cách kĩ càng.

Với quan niệm võ thuật đóng vai trò chủ đạo, kĩ chiến thuật làm then chốt, nên để trở thành một chiến đấu viên giỏi, em luôn cố gắng học thật giỏi võ, không những từ thầy mà còn từ đồng chí đồng đội, tranh thủ tìm hiểu thêm các môn võ cổ truyền của dân tộc...

Quốc đứng lên biểu diễn cho tôi xem một thế khoá, quật địch ngã nghiêng và tiêu diệt của đặc công sau đó chuyển qua một thế cổ truyền, cùng một kiểu tiêu diệt đối phương nhưng thế đặc công hiểm hơn, dứt khoát, nhanh gọn và bất ngờ, tính thực dụng trong cận chiến cao hơn.

Quốc cười: Văn ôn, võ luyện, mỗi ngày bọn em phải luyện tập từ kẻng báo thức tới khi lên giường đi ngủ, một động tác làm đi làm lại đến khi thuần thục, thành kĩ năng.

Rồi Quốc nói thêm, tập luyện là vậy, nhưng để có được thành quả, người chiến sĩ đặc công phải có tinh thần “thép”, ý chí, nghị lực vô cùng lớn. Quá trình rèn luyện võ thuật cũng như kĩ chiến thuật, trong phạm trù khả năng con người phải ở mức “ngưỡng” và vượt “ngưỡng”.

Muốn giỏi võ thì không sợ đau, sợ khổ, kĩ chiến thuật đặc công thì phải cực kì nhẫn nại, chiến thắng được nhiều yếu tố khách quan như địa hình, thời tiết, côn trùng… và quan trọng là chiến thắng chính mình.

Bóng cờ đỏ sao vàng đổ dài trên sân tập, anh em liên đội 57 gồm các lực lượng trinh sát, đặc nhiệm, chống khủng bố xếp thành hai hàng ngang đi quyền, sau đó chuyển bài đánh địch bằng tay không, đánh địch có vũ khí, tốp địch sử dụng vũ khí.

Chúng tôi trầm trồ, thực như mãnh long quá giang, vừa nhu vừa cương, biến đổi khôn lường, những động tác tưởng đơn giản mà khắc chế đối phương trong nháy mắt rồi ra tay tiêu diệt nhanh gọn...

Rời bộ phận luyện võ, chúng tôi leo lên ngọn Thằn Lằn, để nhập vào một khung cảnh khác: những người chiến sĩ đang trình diễn kĩ thuật gỡ mìn, khắc phục địa hình, leo tường, đột nhập hàng rào dây thép gai diệt địch trong lô cốt.

Những thân hình trẻ trung, đầy sức sống với áo cộc, quần cộc trườn, bò trên gạch đá, mảnh chai mảnh sành sắc nhọn như không...

Các chiến đấu viên Lữ đoàn đặc công 113 trong một bài huấn luyện.

Vừa lúc đó, khẩu lệnh đứng dậy từ người chỉ huy phát ra, chúng tôi ngỡ ngàng, một dải cỏ mật, cỏ chông vụt lên trước mặt - thì ra các chiến sĩ khoác áo cỏ đã nằm đây từ rất lâu, trong im lặng tuyệt đối, đi sát bên cạnh, không thật để ý không thể nhận biết được.

Bất ngờ hơn nữa, cạnh những đống than, đống đất ngay lối lên cũng vụt dậy những “bức tượng” người. Ngắm nhìn những thân người hoà lẫn trong màu đất, màu than, màu cỏ quyện vào nắng đã nhạt mà tưởng không gian chậm lại trong xúc cảm đẹp đẽ.

Tôi tò mò hỏi đại tá Dương Trọng Tâm, người có thâm niên ba mươi bảy năm công tác trong Binh chủng đặc công, từng là chiến sĩ bảo vệ nhà riêng cho nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn, giờ đảm nhiệm trọng trách chính ủy Đoàn: Sao anh em làm được vậy?

Anh nói ngắn gọn: Khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi, cái tài và giỏi của người chiến sĩ đặc công là nhờ vào sự khổ luyện.

Anh bảo, với các binh chủng khác, vũ khí ngày càng hiện đại, nhưng với những người lính đặc công, phương tiện chiến đấu lại luôn đơn giản như tiểu liên, lựu đạn, thủ pháo, dao găm... cộng một ý chí và bản lĩnh thép để làm nên chiến thắng.

Rồi anh kể cho tôi nghe về công tác giáo dục, rèn luyện bộ đội. Đầu tiên là tư tưởng đã, tư tưởng có thông mọi việc mới thuận.

Đến huấn luyện phải làm thế nào thật kĩ, thật tinh, từ cơ bản đến thuần thục rồi thành kĩ năng, để anh em đạt đến ngưỡng giới hạn và trỗi dậy bản năng sống còn của con người khi lâm vào tình thế ác liệt nhất, nguy nan nhất.

Trong điều kiện mới, đơn vị bổ sung lực lượng tác chiến mới như đặc nhiệm chống khủng bố, với giáo án giáo trình và thực tiễn chiến đấu khác, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn căn cứ vào thực tiễn của đơn vị, biên chế tổ chức phù hợp, trên nền tảng võ thuật, kĩ chiến thuật căn bản để tổ chức huấn luyện ở mức độ cao hơn, tận dụng thời gian để vừa trao đổi, từng bước rút kinh nghiệm từ thực tiễn đến lí thuyết và ngược lại.

Anh nhắc lại lời huấn thị của Bác Hồ trong ngày thành lập Binh chủng Đặc công (19/3/1967): Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt...

Cuối cùng anh kết luận: Trong chiến đấu, người chiến sĩ có thể phải đối đầu với nhiều kẻ địch một lúc, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn là yếu tố quyết định võ thuật đặc công. Cho nên, việc huấn luyện võ thuật gắn với kĩ chiến thuật là yếu tố sống còn của bộ đội.

Thực hành ngụy trang.

Và, trong đôi mắt của vị Chính ủy, tôi đọc được sự quyết tâm, sự tự tin của một đơn vị đã và đang giáo dục, rèn luyện, góp cho Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân những người con ưu tú, tinh nhuệ, thiện chiến, sẵn sàng hi sinh, xả thân vào nơi gian khổ, ác liệt nhất vì độc lập tự do, bình yên của Tổ quốc.

Tôi lại gần mấy anh em quân nhân chuyên nghiệp và chiến sĩ năm thứ hai ngồi quây quần nghỉ giải lao mỉm cười làm quen: Mình thấy bức tường anh em tập luyện phải cao cỡ 4-5 mét, nhiều hầm hố, bãi chông, các loại hàng rào dây thép gai như bùng nhùng, cũi lợn, mái nhà... vậy mà các cậu vẫn mình trần, mang súng hay bộc phá vượt qua được.

Thế thì cái tường có gần hai mét, nhẵn thín của đơn vị các cậu, muốn “ngao du thiên hạ” chắc đơn giản quá hả? Dường như hiểu ngay ẩn ý của tôi, một chiến sĩ ngồi bên cạnh hộp báo thao trường ngẩng đầu lên trả lời, giọng cứng cỏi: Chủ yếu là bức tường vô hình thôi anh ạ!

Tôi hơi bất ngờ: Trong tổ, mũi của bọn em có ai nhớ người yêu quá, mà người yêu ngay trường Sư phạm 2 ngoài Xuân Hoà nên thi thoảng “tụt tạt”, dùng “khinh công”, “lộn mèo” qua tường đi thăm tí rồi về?

Cậu chiến sĩ không trả lời mà nhìn tôi với ánh mắt lấp lánh vui và thông cảm – cái thông cảm với một người “ngoại đạo” không hiểu nhiều về một trong những nơi “sắt” nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Hỏi ra mới biết anh chàng da ngăm ngăm, bắp tay, khuôn ngực vồng lên rắn chắc vừa trả lời tôi tên là Vũ Tuấn Ngọc, trung sĩ thuộc mũi 1, đội 2, liên đội 27 quê ở thành phố Vĩnh Yên, cách đơn vị gần hai mươi cây số.

Ngọc nhập ngũ hơn hai năm, thuộc diện chờ đi đào tạo chuyển chuyên nghiệp, phục vụ lâu dài trong quân đội. Tôi bước đến gần và nắm lấy tay em, một bàn tay chai sần, hơi khô. Chợt nghĩ có lẽ bàn tay nào của cánh lính đặc công cũng vậy.

Ở một môi trường khắc nghiệt, thử thách cao độ ý chí nghị lực con người cả về thể chất và tinh thần như Đoàn 113, để trở thành những người lính giỏi thì đôi tay của họ phải thường xuyên cứng cỏi khi cầm cuốc, xẻng, những dụng cụ lao động thô sơ nhất đào hầm hào, công sự; những bàn tay ấy cũng phải thật linh hoạt khi thao tác kĩ thuật trên vũ khí trang bị, khi luyện võ.

Và, đôi mắt phải thật sáng để nhìn rõ kẻ thù ẩn nấp trong đêm tối. Tôi mê mải trong dòng suy nghĩ ấy nên nắm tay Ngọc hơi lâu, em rút tay lại, hơi bẽn lẽn: Bọn em xác định rồi anh ạ, được vào bộ đội đặc công là vinh dự lắm, nên trong mũi của em ai cũng hồ hởi, huấn luyện tốt, chấp hành kỉ luật thật nghiêm.

Tôi theo chân đồng chí Trần Đức Tuấn, Phó Chủ nhiệm Chính trị đi một vòng khu vực huấn luyện của đơn vị, bắt gặp anh em chiến sĩ đội 6, liên đội 25 đang tổ chức huấn luyện ngắm bắn súng AK bài 1, một bộ phận thì tập ném lựu đạn.

Đây là anh em tân binh đang được huấn luyện những bước cơ bản về chiến đấu bộ binh. Thấy một chiến sĩ ngồi dậy báo cáo đã lấy đường ngắm xong, tôi đề nghị anh mũi trưởng cho được kiểm tra xem kết quả ngắm như thế nào. Anh vui vẻ đồng ý.

Tôi nằm xuống, nheo mắt nhìn trên khe ngắm đến dưới điểm định bắn. Khá. Người chiến sĩ ấy là Sái Minh Tú, binh nhì, hai mươi tuổi, khuôn mặt còn lớt phớt lông tơ. Quả là con mắt chọn người của anh em trong Đoàn rất kĩ càng.

Nhìn đội hình đứng kia ai cũng nhỏ con nhưng đều mang vẻ trầm tĩnh mà sắc sảo, những tố chất cực kì quan trọng với người lính đặc công.

Sái Minh Tú kể, cậu đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương, khoa Quản lí Văn thư lưu trữ, nhân có đợt xét tuyển vào đặc công, cậu viết đơn tình nguyện.

Mới đầu cảm giác có chút gò bó, nhưng cậu và anh em đã tự mình xác định tốt tư tưởng, coi đơn vị là nhà, đồng đội là anh em, qua hơn một tháng nhập ngũ đã yên tâm lắm rồi, không lấn cấn gì nữa, nên trong mũi không có ai đào bỏ ngũ hay vắng mặt tại đơn vị, nhiều anh em tỏ ý muốn phấn đấu thật tốt để được phục vụ lâu dài trong quân đội.

Lại nghe những tiếng hô nghiêm, chào báo cáo Đoàn trưởng, thượng tá Phạm Văn Vũ văng vẳng ở phía xa, tôi quay sang trung tá Trần Đức Tuấn nói nhỏ: Sự uy nghiêm của một đơn vị là nhờ vào chỉ huy cấp trên phần nhiều anh nhỉ?

Người cán bộ chính trị gật gù, anh bảo, những nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống đời thường ngày càng cao. Trong khi đó nhiều anh em cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp có cuộc sống khó khăn vất vả nhưng lại quanh năm công tác ở xa, nhưng anh em đã cố gắng vượt qua bằng cách động viên gia đình, vợ con; cộng thêm phần nào quan tâm, giúp đỡ của đơn vị anh em đều yên tâm công tác để xây dựng đơn vị.

Theo giới thiệu của đại tá Dương Trọng Tâm, tôi tìm gặp một nhân vật khá đặc biệt. Dáng người hơi cao, khuôn mặt trẻ, sáng, trong bộ quân phục rằn ri dã ngoại đơm đầy hoa cỏ may. Thiếu tá Nguyễn Đình Huỳnh, Phó Liên đội trưởng Liên đội 27, quê ở làng Cao Xá, Tân Yên, Bắc Giang.

Anh bắt đầu câu chuyện về cha anh - một liệt sĩ. Điều đặc biệt nhất, cha anh, liệt sĩ Nguyễn Đình Tiết cũng nguyên là Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 27 (nay là Liên đội 27) trong những năm đánh Mĩ.

Bằng giọng rưng rưng, anh kể, mẹ anh vốn là y tá của binh chủng, họ quen nhau sau ngày cha anh trở về từ những trận chiến bên nước bạn Campuchia và bị thương nặng ở mắt.

Được cô y tá hết lòng chăm sóc nên vết thương của cha anh nhanh lành, quãng thời gian ấy cũng đủ làm cho người lính đặc công vốn hào hoa phong trần, vào chốn sinh tử như không, phải động lòng trước cô y tá xinh đẹp có tiếng.

Được cơ quan, đơn vị và bạn bè vun vén, một lễ cưới giản dị được tổ chức ngay tại bệnh xá của binh chủng. Nhưng, ở miền Nam sau Hiệp định Paris, cuộc chiến đang bước vào giai đoạn khốc liệt, với vũ khí và đô la Mĩ, chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh âm mưu tái chiếm nhiều khu giải phóng.

Người vợ trẻ lại phải gạt nước mắt tiễn chồng tiếp tục lên đường ra mặt trận. Rồi người Tiểu đoàn trưởng kiên trung ấy đã vĩnh viễn nằm lại trong lần chỉ huy luồn sâu đánh vào sân bay Hoà Bình (sân bay Buôn Mê Thuột). May mắn giọt máu còn lại của anh đã thành hình hài.

Tuy thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người chồng, người cha, nhưng hai mẹ con đã nương tựa vào nhau, vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ... Giọng Huỳnh nhỏ lại, anh bảo, cha anh trẻ lắm, trẻ mãi đến bây giờ, cả đời anh chưa một lần được gọi tiếng cha nhưng trong mỗi bước đường anh đi, mỗi việc anh làm trong thâm tâm đều nghe lời cha chỉ dạy...

Được về lại đơn vị mà người cha của mình từng làm chỉ huy vừa thấy vinh dự, nhưng cũng là một gánh nặng buộc bản thân anh phải không ngừng phấn đấu, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy không nói cụ thể nhưng qua những giấy khen, bằng khen, danh hiệu treo ngay ngắn trong phòng riêng của anh, tôi đã hiểu phần nào sự cố gắng ấy.

Chính uỷ Dương Trọng Tâm còn nói thêm: Bản thân Huỳnh không hề dựa dẫm vào chế độ chính sách, mà có năng lực chỉ huy và chuyên môn tốt, là một tấm gương phấn đấu toàn diện cho anh em cán bộ, chiến sĩ noi theo.

Khi tôi viết những dòng này thì được tin Huỳnh đã nhận quyết định lên Liên đội trưởng. Tôi nhớ lại cái nắm tay rất chặt lúc tạm biệt Huỳnh lòng chợt gợi lên cảm xúc về một hình ảnh đẹp, hình ảnh của những gia đình Việt Nam lớp cha trước, lớp con sau “chung câu quân hành”.

Anh và các thế hệ kế tiếp của đơn vị vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng ba lần ấy, vẫn những con người áo vải chân trần, sẽ viết tiếp vào trang sử liệt oanh của dân tộc những trang hào hùng.

Chúng tôi gửi lời chào tạm biệt khi anh em từ chỉ huy Đoàn đến các cán bộ chiến sĩ đang tập trung ở sân vận động. Hôm nay những bài huấn luyện giờ thứ tám được ngừng lại để nhường sân cho trận chung kết bóng đá giữa hai liên đội 27 và 45.

Xe lăn bánh, những tiếng hò reo cổ vũ bóng đá của anh em vẫn vọng theo, ùa vào tâm trí. Tôi khẽ mỉm cười nhớ lại cái thời thơ bé (hồi chưa có internet hay trò chơi điện tử như bây giờ) trong kí ức tôi có những câu chuyện về người chiến sĩ đặc công được kể như huyền thoại, như những anh hùng cái thế, võ thuật kinh người, xuất quỷ nhập thần.

Tôi đã ao ước được nhìn thấy họ, được gặp và nói chuyện với họ... Và hôm nay tôi đã toại nguyện. Tôi muốn gọi họ là những “siêu nhân áo cỏ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại