Những scandal nghe lén tình báo trong lịch sử hiện đại

Cùng điểm lại 7 chiến dịch nghe lén tình báo lớn nhất trên thế giới kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay.

Hạ tuần tháng 10, lần đầu tiên thế giới được chứng kiến “cơn mưa dữ liệu” về chương trình do thám quy mô lớn hàng đầu của Mỹ được thực hiện tại một loạt quốc gia trải dài từ châu Âu, tới châu Mỹ, Trung Đông – Bắc Phi rồi đến châu Á. Đồng thời, những tiết lộ mới nhất từ nguồn tài liệu quý giá mà “người thổi còi” Edward Snowden cung cấp cho báo giới cũng hé lộ phần nào góc khuất hoạt động của các cơ quan tình báo trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

Xin giới thiệu 7 chiến dịch nghe lén tình báo lớn nhất trên thế giới kể từ Chiến tranh Lạnh đến nay:

Chiến dịch Stopwatch

Đây là chương trình được CIA phối hợp với Cơ quan Tình báo Anh với nhiệm vụ chính là thu thập thông tin trao đổi giữa các đơn vị quân sự của Liên Xô (cũ). Mục tiêu chính của chương trình là nhằm vào trụ sở của quân đội Liên Xô tại Berlin (Đức). Đó là vào năm 1953, thời kỳ căng thẳng giữa các cường quốc về việc kiểm soát phía Đông và Tây Berlin. Mỹ đã lấy mốc là một nhà kho Berlin để chia thủ đô làm hai khu vực do hai phe cát cứ. Nghe nói có trạm điện thoại quan trọng gần nhà kho, nơi ba cáp truyền tải thông tin hợp lại với nhau, CIA đã chạy một đường cáp nhỏ nối vào trạm điện thoại này bằng cách đào một đường hầm dài 1.500km từ ngoài đường chạy vào nhà kho và sang phía Đông Berlin, nơi quân đội Liên Xô (cũ) kiểm soát.

Các nhân viên CIA đã phân cắt các dây cáp để khai thác theo từng đường truyền và ghi lại các thông tin liên lạc giữa trụ sở của quân đội Liên Xô (cũ) ở Berlin và chính quyền Moskva. Mặc dù không thể phá vỡ các mã hóa của đối phương, song CIA vẫn có thể có được những thông tin trong các văn bản đơn giản. Năm 1956, Liên Xô (cũ) phát hiện được đường hầm và khẳng định thông tin họ có được là do tình báo Anh cung cấp.

Mèo nghe trộm Acoustic Kitty

Acoustic Kitty là chương trình nghiên cứu bí mật hàng đầu của CIA trong những năm 1960, trong đó sử dụng mèo với nhiệm vụ gián điệp, kể cả do thám điện Kremlin và các Đại sứ quán Liên Xô (cũ) ở nước ngoài. Trong một cuộc tiểu phẫu kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ, các bác sĩ thú y đã chuyển đổi những chú mèo thành các điệp viên ưu tú với một micro trong ống tai và một máy phát vô tuyến nhỏ trong hộp sọ. Nhiệm vụ đầu tiên của những chú mèo Acoustic Kitty là nghe trộm cuộc nói chuyện của hai người đàn ông trong một công viên ở bên cạnh tòa nhà Đại sứ quán Liên Xô (cũ) ở đại lộ Wisconsin, Washington D.C. Nguồn tin từ CIA khẳng định, Mỹ đã phải tiêu tốn tới 20 triệu USD cho chi phí phẫu thuật và đào tạo những chú mèo này...

Đá do thám của MI6.

Những quả chuông Ivy

Thời kỳ đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và cơ quan tình báo hải quân Mỹ đã cùng kết hợp trong một chiến dịch thu thập thông tin qua đường truyền dưới biển của Liên Xô (cũ). Khi đó, các chuyên gia của 3 cơ quan tình báo này phát hiện Liên Xô (cũ) đã sử dụng một đường truyền bí mật dưới biển để truyền tải dữ liệu và thông tin liên lạc từ trụ sở chính của Hạm đội Thái Bình Dương tại Vladivostok tới căn cứ của tàu ngầm ở Petropvalovsk.

Vậy là từ năm 1971, Mỹ đưa một tàu ngầm có tên gọi USS Halibut tới vùng biển Okhotsk để thám thính đường cáp truyền thông tin này. Con tàu này sau khi lặn sâu dưới 1km đã phát hiện ra đường truyền tải dữ liệu và cấy vào đó một thiết bị nghe trộm có hình dạng giống quả chuông. Thiết bị này mang tên gọi Ivy, có thể thu lại toàn bộ các cuộc trò chuyện hoặc trao đổi thông tin qua đường truyền...

“Bộ năm Cambridge”

Không dựa vào các thiết bị do thám hiện đại, chiến dịch mới này của CIA được thực hiện theo phương cách cũ, đó là cử người xâm nhập vào cơ sở để lấy dữ liệu. Và mấy chục năm qua, người ta đã tốn rất nhiều giấy mực để viết về nhóm 5 điệp viên Liên Xô (cũ) lỗi lạc này. Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess và Anthony Blunt đều được tuyển mộ bởi điệp viên người Nga Arnold Deutsch khi đang còn theo học tại lò đào tạo tinh hoa của Anh, Đại học Cambridge.

Bằng khả năng của mình, “bộ năm Cambridge” này nhanh chóng thâm nhập vào lực lượng Tình báo Anh. Philby làm việc cho MI6, Maclean ở Bộ Ngoại giao, Burgess là phóng viên hãng BBC rồi chuyển sang MI6, còn Blunt gia nhập MI5. Trong nhiều năm, những người này đã chuyển được hàng triệu dữ liệu quan trọng cho Tình báo Liên Xô (cũ)…

Dự án “Tay súng”

Năm 1976, Cơ quan Tình báo Liên Xô (KGB) đã cài đặt thiết bị nghe trộm loại nhỏ trong các máy đánh chữ hiệu 16 IBM Selectric được các nhân viên làm việc trong Đại sứ quán Mỹ ở Moskva và Lãnh sự quán ở Leningrad sử dụng. Thiết bị này giúp copy toàn bộ những gì được đánh trên máy đánh chữ và truyền dữ liệu thẳng về một phòng liên lạc của KGB được thiết kế trong một chiếc xe tải kỹ thuật đậu gần Đại sứ quán và Lãnh sứ quán. Trong 8 năm liền, Mỹ không hề phát hiện hoặc nghi ngờ bất cứ điều gì. Chỉ đến năm 1984, khi NSA cử một nhóm chuyên gia đến củng cố hoạt động an ninh của Đại sứ quán và Lãnh sự quán, thiết bị này mới bị phát hiện... Các thiết bị bị bỏ đi được NSA đưa về Mỹ để kiểm tra.

“Ngựa Trojan” của Bundesnachrichtendienst

Mặc dù đang là nạn nhân của chương trình do thám do NSA thực hiện, song Cơ quan Tình báo liên bang Đức Bundesnachrichtendienst cũng là nơi thường xuyên thực hiện các hoạt động do thám. Năm 2008, cơ quan này đã cấy phần mềm do thám vào hệ thống máy tính của Bộ Công nghiệp và Thương mại Afghanistan. Phần mềm này được gọi là “Ngựa Trojan” giúp tình báo Đức thâm nhập các tài khoản email cá nhân trên Yahoo của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Afghanistan Amin Farhang và các lãnh đạo cấp cao khác trong Bộ này. Năm 2011, một nhóm hacker tuyên bố tìm thấy phần mềm “Ngựa Trojan” khác được sử dụng để giám sát các cuộc nói chuyện qua Skype.

“Đá do thám của MI6”

Loại thiết bị do thám giấu trong đá này đã được các điệp viên của Anh sử dụng tại thủ đô Moskva của Nga. Viên đá này được thiết kế có chứa thiết bị điện tử bên trong, giúp do thám người Nga và nhận các thông tin từ các điệp viên sử dụng. Thiết bị điện tử trong viên đá còn giúp thu thập cả hình ảnh về những người đi qua trong khu vực. Nhưng Anh vẫn không chịu thừa nhận.

Đến năm 2006, cơ quan Tình báo Nga vẫn tiếp tục cho rằng, viên đá có liên quan tới Tình báo Anh. Họ còn cung cấp thêm hình ảnh về 5 người Anh và 1 người Nga đang truyền tải dữ liệu thông qua viên đá. Không lâu sau đó, Tổng thống Nga khi ấy là Vladimir Putin đã đề xuất một dự luật hạn chế các tổ chức phi chính phủ (NGO) nhận tiền tài trợ từ các chính phủ nước ngoài. Kết quả là nhiều tổ chức đã bị đóng cửa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại