Cơ quan báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ bắn thử đã thành công mỹ mãn khi 4 tên lửa được phóng đã xé nát mục tiêu là quả tên lửa đạn đạo loại Kaban.
Phát biểu sau thử nghiệm, ông Eugene Ryabchesky đại diện cấp cao của quân đội Nga cho biết để có đánh chặn thành công mục tiêu là tên lửa đạn đạo, hệ thống S-400 được trang bị radar 91N6E có thể bám bắt 300 mục tiêu ở cự ly 600 km.
Theo những thông tin từng được Nga công khai, điểm nổi trội của radar 91N6E là được trang bị bộ vi xử lý theo công nghệ kỹ thuật số hoàn toàn, có khả năng quét tia điện tử ở phương vị và độ cao, cung cấp khả năng phát hiện các vật thể bay với độ chính xác cao trong môi trường nhiễu mạnh.
Radar 91N6E hoạt động ở băng tần S, bám bắt được 300 mục tiêu trên không, đặc biệt là tên lửa đạn đạo ở cự ly tới 600 km.
Hai mảng ăng ten ngược chiều gồm 2.700 phần tử thu phát liên tục tạo ra các búp sóng phụ cho phép kháng nhiễu cao, đồng thời tăng cường độ chính xác và số lượng mục tiêu có thể phát hiện.
Thông tin thu thập từ radar 91N6E sẽ được chuyển cho xe chỉ huy tự hành 55K6E để quyết định lựa chọn đối tượng nguy hiểm nhất.
Sau đó thông tin này sẽ được chuyển cho radar điều khiển hỏa lực 92N6E. So với radar 64N6E, radar 91N6E có nhiều tính năng vượt trội như số lượng mục tiêu phát hiện nhiều hơn, tầm trinh sát xa hơn.
Ngoài nhiệm vụ vô hiệu hóa các mục tiêu đường không, nhà sản xuất đã chú trọng đến tính năng ABM (anti-ballistic missile) chống tên lửa đạn đạo cho radar 91N6E.
Bên cạnh đó, tính năng bắt thấp và bám bắt những vật thể cơ động cao, di chuyển với tốc độ lên tới trên 10.000 km/h cũng được cải thiện rõ rệt.
Sự có mặt của radar 91N6E cho phép tổ hợp phòng không S-400 Triumf có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở cự ly 60 km.
Radar 91N6E có thể cung cấp tham số cho tên lửa 40N6 tầm bắn 400 km, hoặc tên lửa 48N6E2/ 48N6E3 có tầm bắn 200/ 250 km. Bên cạnh đó S-400 Triumf còn sử dụng đạn tên lửa 9M96 hoặc 9M96E để tiêu diệt các mục tiêu tầm thấp.
Với tính năng cực ấn tượng của hệ thống radar 91N6E thuộc tổ hợp phòng không S-400 thì nhiệm vụ đối đầu với hệ thống tên lửa đạn đạo không quá mạnh như J-600T Yildirim của Thổ Nhĩ Kỳ không khiến người Nga bận tâm.
Theo những thông tin được Ankara công khai tên lửa J-600T Yildirim được thiết kế để tiêu diệt những mục tiêu gồm: khẩu đội pháo mặt đất, xe tăng, pháo tự hành, sân bay, các đài chỉ huy radar...
Để hoàn thành được nhiệm vụ này, J-600T Yildirim sở hữu những khả năng khá ấn tượng: Tên lửa có thể đạt tốc độ Mach 5, tầm bắn từ 150 - 900 km với CEP 150 m. Tên lửa tấn công mục tiêu với hệ thống dẫn đường quán tính và cảm biến quang học giai đoạn cuối.
Rõ ràng, đây là hệ thống tên lửa đạn đạo đặc biệt nguy hiểm đối với những quốc gia sở hữu mạng lưới phòng thủ không đủ mạnh, tuy nhiên với những hệ thống như S-300 và S-400 - đối phó với những mục tiêu như tên lửa J-600T Yildirim được nằm trong mục đích thiết kế của Nga.