Nga "tất tay" tại Syria bằng vũ khí, trang bị hiện đại nhất

Chuyên gia quân sự Nam Hoài |

Là một cường quốc quân sự toàn cầu đã phục hồi, Nga hiện đang sử dụng nhiều chủng loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại trong chiến dịch “Bủa lưới phóng lao” chống khủng bố tại Syria.

PHẦN 2: PHƯƠNG TIỆN KHÔNG QUÂN - VŨ TRỤ

Với 149 vệ tinh thuộc biên chế của Quân chủng Không quân – Vũ trụ đang hiện diện trên quỹ đạo Trái Đất, Nga là nước đứng thứ hai trên thế giới về số lượng vệ tinh phục vụ mục đích quân sự và lưỡng dụng.

Trong chiến dịch “Bủa lưới phóng lao” chống khủng bố tại Syria, các hệ thống vệ tinh quân sự Nga được sử dụng trong tất cả các giai đoạn chiến dịch và nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng hải lục không quân viễn chinh của Nga.

Chúng đảm nhiệm từ trinh sát, xác định, phân loại và giám sát mục tiêu cho tới thông tin tiếp sóng phục vụ chỉ huy chiến đấu, dẫn đường.

Các hệ thống vệ tinh quân sự tiêu biểu của Nga tham gia chiến dịch

Hệ thống vệ tinh trinh sát quang ảnh Persona: Hệ thống vệ tinh trinh sát này được đặt mã danh mục trang bị của Tổng cục khí tài vũ trụ GUKOS (nay là mã danh mục trang bị của Binh chủng Vũ trụ thuộc Quân chủng Không quân – Vũ trụ Liên bang Nga) là 14F137.

Đây là hệ thống vệ tinh trinh sát quang ảnh thế hệ thứ 3 của Nga được kế thừa từ Liên Xô.

 

Vệ tinh trinh sát quang ảnh Persona.

Vệ tinh trinh sát quang ảnh Persona.

Với 2 vệ tinh (Kosmos-2486 và Kosmos-2506) hoạt động trên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời ở độ cao 750 km, hệ thống này chụp ảnh có độ phân giải cao về khu vực chiến trường, rồi mã hoá và truyền về mặt đất theo thời gian thực.

Trạm thu tín hiệu vệ tinh thuộc Tổng cục tình báo Bộ tổng tham mưu quân đội Nga (GRU) cập nhật liên tục để phân tích, lập danh mục và giám sát các mục tiêu phục vụ cho việc xây dựng phương án tác chiến.

Hệ thống vệ tinh Persona đã phục vụ đắc lực cho các cơ quan tình báo quân sự và tham mưu quân đội Nga trong các diễn biến xung đột gần đây ở Miền Đông Ukraine cũng như trong suốt cuộc nội chiến ở Syria.

Hệ thống vệ tinh trinh sát quang ảnh Bars-M: Bổ trợ cho hệ thống vệ tinh Persona là hệ thống vệ tinh Bars-M, với vệ tinh đầu tiên Kosmos-2503 được đưa lên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời ở độ cao 700 km vào ngày 27/2/2015.


Vệ tinh trinh sát quang ảnh Bars-M.

Vệ tinh trinh sát quang ảnh Bars-M.

Hệ thống vệ tinh trinh sát quang ảnh thế hệ 4 này cũng đồng thời là hệ thống đầu tiên được phát triển dưới thời Liên bang Nga.

Mặc dù gọn nhẹ hơn thế hệ vệ tinh Persona, nhưng vệ tinh của hệ thống Bars-M bên cạnh chức năng chụp ảnh địa hình chiến trường có độ phân giải cao thì còn có chức năng quét bề mặt địa hình phục vụ lập bản đồ địa hình lập thể số hoá.

Hệ thống vệ tinh trinh sát quang ảnh chuyên dụng Kobalt-M 11F695M: Hệ thống này gồm các vệ tinh trinh sát quang ảnh chuyên dụng có độ phân giải chụp vật thể dưới mặt đất cỡ 30 cm.

Đặc điểm của vệ tinh trinh sát thuộc hệ thống Kobalt-M là bay ở quỹ đạo thấp của Trái đất (từ 183 km tới 330 km) và có tuổi thọ thấp dưới 4 tháng.

Ngoài ra, vệ tinh loại này không truyền ảnh qua hệ thống thu phát dữ liệu vô tuyến như vệ tinh thuộc hệ thống Persona và Bars-M, mà lại thả khoang phim kiểu truyền thống khiến việc tiếp nhận và xử lý ảnh không đáp ứng được theo thời gian thực.

Vệ tinh gần đây nhất của hệ thống Kobalt-M là Kosmos-2505 được phóng lên quỹ đạo vào ngày 05/06/2015 và đã quay về Trái Đất vào ngày 18/09/2015.

Khoang phim của vệ tinh này chứa các hình ảnh trinh sát một số khu vực đặc biệt cần được làm rõ thuộc Miền Đông Ukraina và Syria mà vệ tinh trinh sát của các hệ thống trinh sát ảnh trước đó đã cung cấp.

Hệ thống vệ tinh trinh sát ảnh ra đa khẩu độ tổng hợp Kondor 14F133: Hệ thống vệ tinh trinh sát ảnh ra đa khẩu độ tổng hợp Kondor được phục hồi nghiên cứu phát triển từ năm 2001 trên cơ sở dự án hệ thống vệ tinh trinh sát nhiều phương thức dưới thời Liên Xô.

Hệ thống gồm các vệ tinh trinh sát ảnh ra đa, vệ tinh trinh sát ảnh hồng ngoại và ảnh thường.


Vệ tinh trinh sát ảnh ra đa khẩu độ tổng hợp Kondor 14F133.

Vệ tinh trinh sát ảnh ra đa khẩu độ tổng hợp Kondor 14F133.

Tính đến nay, hệ thống này mới có 1 vệ tinh trinh sát ảnh ra đa khẩu độ tổng hợp Kosmos-2487 triển khai trên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời ở độ cao 500 km từ ngày 27/06/2013.

Vệ tinh này có nhiệm vụ lập ảnh địa hình lập thể số hoá trong mọi điều kiện thời tiết, nhất là khi địa hình chiến trường bị mây bao phủ làm vô hiệu các vệ tinh trinh sát quang ảnh như Persona và Bars-M.

Vệ tinh này được trang bị đài ra đa vô tuyến sử dụng ăng ten parabol đường kính tâm 7 m, băng sóng S (9,5 cm), quét dải rộng từ 20 km tới 160 km cho độ phân giải vật thể từ 5 m tới 20 m, quét dải hẹp từ 10 km tới 20 km cho độ phân giải vật thể từ 1 m tới 2 m.

Toàn bộ dữ liệu ảnh ra đa do vệ tinh thu được sẽ được mã hoá và truyền về trạm thu mặt đất qua kênh truyền dữ liệu vô tuyến.

Trong đòn đánh tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr-NK từ các tàu chiến đấu mặt nước của Hải đội biển Caspi xuống các mục tiêu IS diễn ra vào ngày 07/10/2015, hệ thống vệ tinh Kondor đóng góp công chính.

Vệ tinh trinh sát quang ảnh Bars-M đã cùng vệ tinh trinh sát ảnh ra đa vô tuyến khẩu độ tổng hợp Kosmos-2487 đã cung cấp dữ liệu lập trình kế hoạch đường bay, các điểm kiểm tra dải cao độ địa hình và hình ảnh mục tiêu cho hệ thống dẫn đường của tên lửa.

Hệ thống vệ tinh thông tin tiếp sóng phục vụ chỉ huy chiến đấu Garpun 14F136:

Hệ thống vệ tinh này có nhiệm vụ chuyển tiếp dữ liệu hình ảnh số hoá, tín hiệu điện báo và tín hiệu thoại giữa sở chỉ huy các cấp, vệ tinh trinh sát và các khí tài trinh sát khác, hệ thống vũ khí chiến đấu có mặt trên chiến trường theo thời gian thực.

Hiện tại, hệ thống vệ tinh Garpun 14F136 mới có 1 vệ tinh Kosmos-2473 được đưa lên quỹ đạo địa tĩnh vào ngày 21/09/2011. Vệ tinh thứ hai của hệ thống này dự kiến được đưa lên quỹ đạo địa tĩnh vào cuối tháng 11 tới.

Vừa qua, vệ tinh này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và chia sẻ tình báo chiến trường theo thời gian thực giữa các cấp chỉ huy và lực lượng chiến đấu của Nga, giúp lãnh đạo Nga có thể theo dõi ngay lập tức mọi diễn biến trên chiến trường từ sở chỉ huy đặt tại Moskva.

Hệ thống vệ tinh thông tin tiếp sóng phục vụ chỉ huy chiến đấu Strela-3M 14F132:

Hệ thống vệ tinh này còn có tên gọi khác là Rosnik-S, với nhiệm vụ chuyển tiếp dữ liệu hình ảnh số hoá, tín hiệu điện báo và tín hiệu thoại giữa sở chỉ huy các cấp, vệ tinh trinh sát và các khí tài trinh sát khác, hệ thống vũ khí chiến đấu có mặt trên chiến trường.

Thời gian giữ chậm tuỳ thuộc vào kết nối giữa các vệ tinh trong mạng với các đài vệ tinh mặt đất.

Hệ thống vệ tinh Strela-3M có tổng cộng 12 vệ tinh đang còn hoạt động trên quỹ đạo thấp của Trái đất với độ cao từ 1350 km tới 1500 km, nghiêng 82,5 độ so với mặt phẳng Xích đạo.

Lần phóng vệ tinh Strela-3M gần nhất vừa diễn ra vào ngày 24/09/2015, với tên lửa đẩy Rokot đưa cụm 3 vệ tinh Kosmos-2507, Kosmos-2508 và Kosmos-2509 từ sân bay vũ trụ quân sự Plesetsk lên quỹ đạo.

Các vệ tinh mới này thay thế cho 3 vệ tinh Kosmos-2451, Kosmos-2452 và Kosmos-2453 hết hạn sử dụng.

Dù không chuyển tiếp thông tin chỉ huy, tình báo và dữ liệu theo thời gian thực như hệ thống vệ tinh Garpun 14F136, nhưng hệ thống vệ tinh Strela-3M 14F132 lại có tính dự phòng và an toàn cao hơn trước vũ khí chống vệ tinh của đối phương.

Trên chiến trường Syria, cả hai hệ thống Garpun 14F136 và Strela-3M 14F132 được sử dụng song song.

Hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu GLONASS-M: đây là hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu thuộc Bộ quốc phòng Nga và do Binh chủng Vũ trụ thuộc Quân chủng Không quân – Vũ trụ Nga khai thác sử dụng.

Hệ thống này có chức năng tương tự hệ thống dẫn đường NAVSTAR GPS của Mỹ.

Hiện tại hệ thống GLONASS-M có 28 vệ tinh (27 vệ tinh GLONASS-M và 1 vệ tinh GLONASS-K), trong đó có 23 vệ tinh mạng định vị dẫn đường đang khai thác và 5 vệ tinh định vị dẫn đường dự phòng.

Các vệ tinh này hoạt động ở 3 mặt phẳng quỹ đạo nghiêng 64,8 độ và cách Trái Đất 19.400 km. Trong chiến dịch của Nga tại Syria, hệ thống GLONASS-M có vai trò đặc biệt quan trọng.

Chúng cung cấp toạ độ định vị dẫn đường vệ tinh cho các tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr-NK, bom hiệu chỉnh theo tín hiệu vệ tinh KAB-250S và KAB-500S, các máy bay chiến đấu, tàu chiến và phương tiện chiến đấu trên bộ.

Các hệ thống vệ tinh quân sự được nêu ở trên đóng vai trò quan trọng ở cấp độ chiến lược và chiến dịch trong việc tổ chức chiến dịch “Bủa lưới phóng lao” kiểu Nga ở Syria.

Máy bay không người lái - tai mắt trực canh chiến thuật

Ở cấp độ trinh sát chiến thuật, lực lượng Nga còn sử dụng các máy bay không người lái (MBKNL) thuộc tổ hợp Orlan-10 và Eleron-3SV.

Tổ hợp MBKNL Orlan-10: Tổ hợp MBKNL đa chức năng Orlan-10 là sản phẩm của Trung tâm công nghệ chuyên dụng Xanh Pêtécbua, được thiết kế cho nhiệm vụ bay trinh sát, giám sát mục tiêu với thời gian lâu dài.

Tổ hợp này bao gồm trung tâm điều khiển có thể điều khiển được 4 MBKNL hoạt động đồng thời, đài thu phát tín hiệu điều khiển, bộ ăng ten, thiết bị phóng và thu hồi MBKNL và 4 MBKNL.


Tổ hợp MBKNL Orlan-10.

Tổ hợp MBKNL Orlan-10.

MBKNL Orlan-10 có thể hoạt động tự lập liên tục 16 giờ trên không, với đường bay tới 600km qua 60 điểm dẫn đường được nạp toạ độ định vị vệ tinh GLONASS và có thể tự động trở về điểm xuất phát trong trường mất tín hiệu điều khiển hoặc không thu được tín hiệu định vị vệ tinh GLONASS.

MBKNL Orlan-10 được trang bị 12 chiếc camera ghi hình có độ phân giải cao để tạo ảnh màu lập thể về khu vực mục tiêu trinh sát hay giám sát.

Tổ hợp MBKNL Eleron-3SV: Tổ hợp này được Công ty Eniks thành phố Kazan (Nga) chế tạo cho nhiệm vụ trinh sát chiến thuật thời gian ngắn.

MBKNL Eleron-3SV hoạt động liên tục 2 giờ trên không, được điều khiển từ xa và có thể tự động quay về điểm xuất phát khi mất tín hiệu điều khiển. Loại MBKNL này được trang bị camera quang và camera ảnh nhiệt, cho phép chụp ảnh trinh sát và giám sát mục tiêu cả ngày lẫn đêm.

Hiện nay cả hai tổ hợp MBKNL Orlan-10 và Eleron-3SV đều được sử dụng cho các nhiệm vụ trinh sát và nắm bắt di biến động của các lực lượng khủng bố Hồi giáo chống chính phủ ở Syria.

PHẦN 1: Chiến thuật “Bủa lưới phóng lao” của Nga tại Syria

(Còn tiếp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại