Theo thông tin trên trang web của Điện Crem-li, tài liệu hoạch định chiến lược quan trọng này đã vạch rõ các lợi ích quốc gia, những ưu tiên mang tính chiến lược, mục tiêu chính sách đối nội, đối ngoại của Nga, đồng thời đưa ra những biện pháp trực tiếp nhằm tăng cường an ninh quốc gia và bảo đảm cho nước Nga phát triển bền vững, lâu dài.
Văn kiện viết rằng, Nga đã chứng tỏ khả năng bảo đảm chủ quyền, độc lập, toàn vẹn quốc gia và lãnh thổ, bảo vệ quyền của người Nga ở nước ngoài, tăng cường vai trò của mình trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, giải quyết các cuộc xung đột quân sự, bảo đảm pháp quy của luật pháp quốc tế trong quan hệ giữa các nước.
Một trong những ưu tiên của Nga trong dài hạn là củng cố vị thế của mình như một trong những cường quốc hàng đầu thế giới.
Chiến lược mới cũng nêu rõ các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Nga, trong đó có sự mở rộng ảnh hưởng, tăng cường khả năng quân sự và việc xây dựng các cơ sở quân sự gần biên giới Nga của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Các nguyên tắc bình đẳng và an ninh không chia cắt đã không được tôn trọng tại các khu vực như châu Âu-Đại Tây Dương, châu Á-Thái Bình Dương”, bản chiến lược viết.
Tuy nhiên, Nga luôn sẵn sàng hợp tác với NATO trên cơ sở bình đẳng vì mục tiêu củng cố an ninh tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.
Bên cạnh đó, Chiến lược An ninh quốc gia mới cũng nhấn mạnh hoạt động của những tổ chức nước ngoài và các cá nhân muốn kích động "cuộc cách mạng màu" là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia Nga.
Tài liệu nêu rõ hoạt động của các cá nhân, tổ chức nhằm vào sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, gây bất ổn tình hình kinh tế-xã hội cũng như phá hủy các giá trị đạo đức và tinh thần của người dân Nga đều là mối đe dọa đối với an ninh nước Nga.
Ngoài ra, danh sách các mối đe dọa còn đề cập đến các hoạt động của cơ quan gián điệp nước ngoài, các tổ chức cực đoan và các nhóm tội phạm khác.
Về phương diện vũ khí, Chiến lược An ninh mới của Nga khẳng định, Mát-xcơ-va sẵn sàng đàm phán đa phương về hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ khi các thỏa thuận đưa ra hợp lý.
Trong khi đó, Nga vẫn tăng cường khả năng sẵn sàng sử dụng chúng trong chiến đấu nhằm ngăn chặn các xung đột vũ trang quốc tế.
Chiến lược cũng cho phép Nga sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ quyền lợi quốc gia khi các biện pháp khác không còn hiệu quả.
Theo Chiến lược An ninh, sự xuất hiện và lớn mạnh của các tổ chức khủng bố như "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng là kết quả của chính sách tiêu chuẩn kép mà một số quốc gia tiến hành trong chống khủng bố. Hành động vô trách nhiệm đó đã dẫn đến sự bất ổn kéo dài tại Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, Li-bi, dẫn đến chiến tranh tại Xy-ri và việc vũ khí được phổ biến khắp nơi, tội phạm có tổ chức, buôn ma túy, vi phạm có hệ thống quyền và tự do của hàng triệu con người.
Chiến lược cũng nhắc tới những định hướng then chốt trong chính sách đối ngoại của Nga, trong đó ủng hộ hợp tác với EU và đối tác với Mỹ, ủng hộ hài hòa các tiến trình hội nhập tại châu Âu và không gian hậu Xô-viết, xây dựng tại khu vực châu Âu-Đại Tây Dương một hệ thống an ninh tập thể mở trên cơ sở thỏa thuận-pháp lý rõ ràng, đẩy mạnh quan hệ với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Áp-kha-di-a và Nam Ô-xê-ti-a.
Đặc biệt, Chiến lược An ninh mới cho biết sự ổn định của nền kinh tế Nga đang bị đe dọa bởi tính cạnh tranh thấp và phụ thuộc vào nguồn tài nguyên.
Kinh tế Nga đang gặp các thách thức như sự lạc hậu về công nghệ, phân bổ không đồng đều nguồn ngân sách, kiệt quệ về tài nguyên thiên nhiên…
Chỉ rõ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã tác động tiêu cực đến an ninh quốc gia của Nga, chiến lược nêu ra các nhiệm vụ bao gồm củng cố hệ thống tài chính, ổn định tỷ giá đồng rúp, giảm lãi suất ngân hàng để tăng cường an ninh quốc gia, đặc biệt ưu tiên hàng đầu là bảo đảm độc lập về lương thực.
Phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, khu vực Mỹ La-tinh và châu Phi cũng đóng vai trò rất quan trọng, trong đó Chiến lược An ninh mới nhấn mạnh quan hệ với Trung Quốc được coi là “nhân tố then chốt để củng cố ổn định toàn cầu và khu vực”.