Kiểm soát súng để an toàn hơn
Theo báo chí Mỹ, ngay trong cuộc làm việc đầu tiên sau khi kết thúc kỳ nghỉ cuối năm và đón năm mới 2016, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ có buổi làm việc với Bộ trưởng Tư pháp Lô-rét-ta Linh (Lorreta E.Lynch) trong ngày 4-1, để hoàn tất gói các hành động hành pháp mới liên quan tới vấn đề súng đạn để công bố trong tuần tới.
Theo các chuyên gia, điểm cốt lõi trong các quy định mới là việc Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ tăng cường các quy định về quản lý hồ sơ, lý lịch của những người mua súng.
Trước khi có các quyết định chính thức, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã bắt đầu “thăm dò” khả năng dùng quyền hành pháp để siết chặt quản lý súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu hồi tháng 10-2015 tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Umpqua ở Rô-xơ-buốc (Roseburg), bang Ô-ri-gần (Oregon) và vấn đề càng cấp thiết sau vụ xả súng nhằm vào Trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người khuyết tật tại TP Xan Béc-na-đi-nô (San Bernadino) của tiểu bang Ca-li-pho-ni-a (California) vừa qua.
Bạo lực liên quan tới súng đạn và kiểm soát súng đạn vẫn là một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và Quốc hội Mỹ do phe Cộng hòa chi phối.
Nhà Trắng muốn ban hành một đạo luật siết chặt quản lý súng đạn, song đề xuất này vấp phải sự phản đối của đa số nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Tranh cãi không bao giờ chấm dứt
Sau vụ thảm sát tồi tệ ở Xan Béc-na-đi-nô, nhiều người dân Mỹ bắt đầu đổ xô đi mua vũ khí. Theo các cửa hàng súng, doanh số bán ra tăng vọt và nhiều khách hàng nói rằng họ muốn có sẵn súng để tự vệ.
R.Pi-tơ (Ray Peters), quản lý một công ty chuyên bán súng và két sắt cùng một sân tập bắn trong nhà ở Át-lan-ta (Atlanta), cho biết: “Mọi chỗ đều báo cáo doanh số bán tăng, mọi cửa hàng, mọi nhà cung cấp. Mọi người nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải tự bảo vệ mình”.
Còn B.Lang-lây (Brandon Langley), một người dân ở Át-lan-ta, khi đề cập tới vụ tấn công đẫm máu ở Xan Béc-na-đi-nô, cũng nói: “Nếu mọi người có súng thì có thể kết cục đã khác”.
Bốn ngày sau vụ thảm sát nói trên, Lang-lây đang tập bắn bằng khẩu súng trường bán tự động AR-15 của mình.
Theo số liệu của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), việc mua bán súng đã tăng vọt sau các vụ xả súng hàng loạt trước đây.
Tháng 12-2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, 57% người Mỹ tin rằng việc sở hữu súng giúp bảo vệ mọi người, tăng hơn so với con số 48% năm 2012. Số còn lại cho rằng việc sở hữu súng khiến an ninh cá nhân thêm nguy hiểm.
Những người chỉ trích về việc luật pháp Mỹ cho phép sử dụng súng đưa ra một loạt số liệu thống kê cho thấy những nguy cơ của việc sở hữu súng tràn lan.
Các số liệu mà Chiến dịch ngăn chặn bạo lực từ súng ở Oa-sinh tơn đưa ra cho thấy, trung bình mỗi ngày có 89 người chết liên quan tới súng và trung bình năm là 32.514 người.
Nhiều chuyên gia xã hội, tâm lý cho rằng, ở một đất nước mà nhiều người dân sở hữu súng nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, vụ xả súng đang khơi lại những tranh cãi lâu nay về quyền sở hữu vũ khí của người dân được quy định trong hiến pháp và việc liệu quyền sở hữu súng nên bị hạn chế hay mở rộng như là cách để ngăn chặn các vụ đổ máu tiếp theo.
Sự gia tăng các vụ xả súng đã khiến vấn đề này trở thành chủ đề nổi bật trong chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ. Bà Hi-la-ri Clin-tơn (Hillary Clinton), ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ, đã phải nhắc lại lời kêu gọi “chấm dứt bạo lực súng ống ngay” bằng việc đưa ra những hạn chế mới về việc mua bán súng.
Trái lại, những ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa, như Đô-nan Trăm (Donald Trump) và B.Ca-xơn (Ben Carson), lại khăng khăng cho rằng câu trả lời đối với bạo lực súng ống là phải hỗ trợ người dân ngăn chặn các vụ tấn công bằng cách tạo điều kiện dễ dàng hơn chứ không phải khó khăn hơn, cho họ mua và mang vũ khí.
Rõ ràng, những tranh cãi giữa các nghị sĩ của hai đảng ở Mỹ cũng như hai luồng tư tưởng trái chiều của người dân Mỹ cho thấy sự phức tạp của vấn đề sở hữu súng đạn.