Theo Defense-Update, trong hợp đồng phát triển, thử nghiệm và cung cấp tên lửa LRASM của Bộ Quốc phòng Mỹ ký năm 2010, giai đoạn 2 của chương trình, Không quân Mỹ sẽ tiếp tục phóng thử 2 tên lửa LRASM từ trên không trong năm nay.
Trong đó, nhà thầu phát triển tên lửa LRASM là công ty Lockheed Martin đã nhận được 71 triệu USD trong một hợp đồng sửa đổi để thực hiện các chuyến bay thử nghiệm phóng tên lửa từ trên không và dưới đất, cũng như tiếp tục cải tiến tên lửa để giảm thiểu các nguy cơ rủi ro khi hoạt động.
“Hợp đồng điều chỉnh này sẽ tăng cường thêm khả năng phát triển cho LRASM để cung cấp cho hải quân một vũ khí tấn công chống mục tiêu bề mặt (mặt đất, mặt nước) (OASuW) phù hợp với nhiều nền tảng đa năng”, ông Mike Fleming, quản lý chương trình LRASM thuộc phân nhánh điều khiển hỏa lực và tên lửa của công ty Lockheed Martin nói.
Máy bay ném bom B-1B Lancer thả tên lửa JASSM-ER trong một lần thử nghiệm.
Khi triển khai các tên lửa LRASM thì B-1 là loại máy bay ném bom có được khả năng “độc nhất” so với tất cả các máy bay khác của Không quân Mỹ. Máy bay này có thể mang được tới 24 tên lửa LRASM.
Do vậy, chỉ cần 2 chiếc B-1 là đủ để Không quân Mỹ phá hủy được 48 mục tiêu khác nhau trong một hạm đội hải quân của đối phương mà chỉ bằng một lần tấn công duy nhất, hoặc được sử dụng để chống lại số lượng mục tiêu ít hơn, bằng cách đàn áp các hệ thống phòng thủ của đối phương bằng một số lượng lớn các tên lửa được phóng ra.
Do được thiết kế có khả năng tàng hình và bán kính chiến đấu lớn, tên lửa LRASM sẽ làm cho đối phương bất ngờ khi tham gia tấn công từ ngoài tầm các hệ thống phòng không. Hai loại máy bay ném bom chiến lược khác của Không quân Mỹ là B-2 Spirit, mang được 16 tên lửa JAASM (biến thể tên lửa chống hạm ngoài tầm liên minh - Joint Air-to-Surface Standoff Missile ) và B-52 Stratofortress mang được 12 tên lửa.
Hợp đồng bổ sung 71 triệu USD cũng bao gồm việc phóng thử nghiệm 2 tên lửa LRASM từ nền tảng bề mặt trong năm 2014. Giảm thiểu nguy cơ rủi ro cũng như thử nghiệm tương thích điện từ của tên lửa và các bộ cảm biến cố định trong tên lửa.
LRASM là một vũ khí tự hoạt, được dẫn đường để tấn công các chiến hạm của đối phương từ cự li xa dựa trên những thành công đã được Quân đội Mỹ thực hiện trên tên lửa JASSM-ER (biến thể tăng tầm của JASSM) và được thiết kế để đáp ứng những yêu cầu của Hải quân Mỹ và các máy bay của Không quân Mỹ. LRASM được phát triển với sự hợp tác của DARPA và Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR).
Nền tảng tên lửa JASSM-ER tàng hình (biến thể LRASM-A) mô phỏng khả năng tấn công tàu chiến Nga.
Ngoài biến thể LRASM phóng từ trên không, Hải quân Mỹ dự định sẽ tích hợp thêm một biến thể tên lửa LRASM đặt trên hệ thống ống phóng thẳng đứng Mk41 trên khoang tàu chiến và phát triển thêm một hệ thống điều khiển vũ khí trên tàu.
Một phần trong kế hoạch đầu tư này, công ty Lockheed Martin cũng đã thành công trong việc trình diễn kế hoạch nhiệm vụ về khả năng OASuW dựa trên LRASM, sử dụng một hệ thống điều khiển vũ khí mô phỏng trên tàu chiến.
Được trang bị một đầu đạn xuyên hoặc đầu đạn nổ mảnh, tên lửa hành trình tự hoạt LRASM có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Các hệ thống mô đun cảm biến đa phổ, đường truyền dữ liệu, hệ thống định vị GPS số hóa tăng cường chống nhiễu giúp nó có thể phát hiện và tấn công phá hủy các mục tiêu cụ thể trong một nhóm tàu chiến của đối phương.
Với khả năng chiến đấu “ưu việt” này, LRASM được kỳ vọng sẽ là một nền tảng vũ khí tấn công đa năng trong tương lai của Không quân và Hải quân Mỹ.