Mỹ - Ấn ra tay chặn 'yết hầu' Trung Quốc

Một số tờ báo của Mỹ dự đoán, nếu xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh, Mỹ và đồng minh có thể bắt cóc hoặc đánh chìm tàu thương mại của Trung Quốc ở các eo biển và vùng biển chung.

Trung Quốc đang bị kiểm soát “yết hầu”

Nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ và các nguyên liệu khác ngày càng lớn, trong khi số hàng hóa này hầu hết đều được vận chuyển qua đường biển nên “yết hầu” của tuyến giao thông trên biển của Trung Quốc có thể dễ bị người khác kiểm soát. Hơn nữa, tình trạng bị người khác kiểm soát này ngày một chặt hơn theo đà phát triển của kinh tế Trung Quốc.

Mỹ - Ấn ra tay chặn 'yết hầu' Trung Quốc

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc mới biên chế vào hạm đội Bắc Hải.

Mặc dù nói hiện nay khả năng xảy ra kịch bản này gần như bằng 0, nhưng bản thân vấn đề này đối với Trung Quốc là vô cùng nhạy cảm.

Sự thông suốt của tuyến đường thương mại trên biển đi qua Ấn Độ Dương và các eo biển nhỏ hẹp dọc tuyến đường này là vô cùng quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc.

Báo chí Nga cho biết, 80% hoạt động vận chuyển dầu mỏ trên biển đi qua Ấn Độ Dương, trong đó 40% đi qua eo biển Hormuz, 35% đi qua eo biển Malaca. Trong khi đó, Mỹ và Ấn Độ đang tìm mọi cách để ngăn cản Trung Quốc tiến quân vào Ấn Độ Dương nhằm bảo vệ an ninh cho tuyến đường năng lượng sinh mệnh của mình.

Những cuộc chạy đua nghẹt thở

Chính vì những lý do trên, vài năm trở lại đây, việc Ấn Độ Dương trở thành khu vực được các nước lớn tổ chức nhiều hoạt động trên biển cũng không có gì là lạ.

Tại Ấn Độ Dương, Mỹ vẫn chiếm vị thế chủ đạo. Trong các nước lớn ở châu Âu, chỉ có Hải quân Pháp là giữ được vị thế rõ nét ở khu vực này. Tuy nhiên, cũng không nên coi thường các nhân tố khác, ví dụ Nhật Bản đang lại một lần nữa nhòm ngó Ấn Độ Dương, lập trường của Australia được củng cố, còn ở khu vực vịnh Ba Tư, Hải quân Mỹ ngày càng phải coi trọng mối đe dọa mới đến từ Iran.

Vài năm trở lại đây, rõ nét nhất là xu thế Hải quân Ấn Độ được tăng cường sức mạnh. Ấn Độ có được cơ hội trong làn sóng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, bắt đầu thực hiện tham vọng trở thành cường quốc biển, kiểm soát cả khu vực Ấn Độ Dương.

Hiện nay đầu tư của Ấn Độ cho hải quân tạm thời mới chỉ dừng lại ở việc ưu tiên phát triển sức mạnh hạt nhân thềm lục địa của nước này, chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược. Ngoài ra, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng khác là xây dựng một hạm đội viễn dương trong đó lực lượng xung kích hàng không mẫu hạm và lực lượng xe tăng bọc thép tác chiến thủy bộ xung kích đóng vai trò then chốt.

Cách đây không lâu, các dự án này của Ấn Độ phải đối mặt với một hạn chế lớn là không đủ kinh phí vì mới chỉ hai năm gần đây, khoản ngân sách chi cho các dự án hải quân của nước này mới tăng trong ngân sách quốc phòng. Hơn nữa trong lịch sử, Ấn Độ vẫn khá coi trọng lục quân, coi trọng hoạt động đối đầu với Pakistan. Tuy nhiên, hiện tại cục diện đang có nhiều thay đổi, Ấn Độ ngày càng coi trọng Trung Quốc, coi Bắc Kinh là đối thủ chiến lược chính “trực tiếp xâm phạm không gian địa chính trị của Ấn Độ”.

Trong lúc Trung Quốc đang bận rộn xác lập quyền kiểm soát khu vực ven biển của nước này, chưa tích cực phát triển hạm đội viễn dương, các nhà chiến lược chính trị quân sự của Ấn Độ kêu gọi lãnh đạo nước này nắm bắt ngay thời cơ vàng để tạo bước tiến lớn trong phát triển lực lượng hải quân.

Ấn Độ ra tay

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Ấn Độ đã chuẩn bị khá công phu, 10 năm qua nước này thực hiện nhiều dự án hiện đại hóa lực lượng hải quân. Từ năm 1961, năm đầu tiên sở hữu chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên, Hải quân Ấn Độ đã tích lũy được không ít kinh nghiệm trong việc sử dụng và tác chiến ứng dụng hàng không mẫu hạm.

Mỹ - Ấn ra tay chặn 'yết hầu' Trung Quốc

Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Hiện nay Ấn Độ chỉ có một chiếc tàu sân bay mua năm 1986 của Anh, tuy nhiên sau khi ký hợp đồng mua hàng không mẫu hạm Vikramaditya của Nga và lắp đặt hai chiếc do Ấn Độ sản xuất cho hải quân nước này vào năm 2015, tình hình rất có thể sẽ có nhiều thay đổi. Ấn Độ sẽ chiếm ưu thế lớn so với Trung Quốc trong phương diện hải quân hàng không.

Đồng thời, Ấn Độ còn sở hữu 50 tàu khu trục, tàu tuần dương và tàu hộ tống, 14 tàu ngầm diesel và số lượng xe tăng bọc thép tác chiến thủy bộ không ngừng gia tăng. Theo số liệu của tạp chí The Diplomat của Nhật Bản, hiện tại Hải quân Ấn Độ đã đặt mua 50 tàu chiến hiện đại khác, và hầu hết là do các tập đoàn đóng tàu trong nước sản xuất, chỉ có hai chiếc tàu hộ tống tàng hình là được mua từ Nga.

Các chuyên gia quân sự của Ấn Độ thừa nhận, mặc dù nguyện vọng của nước này là rất lớn, nhưng trong tương lai, việc gia tăng số lượng trang bị vũ khí hải quân vẫn không thể sánh ngang được với Trung Quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có những ưu thế quan trọng, trước hết là vị trí chiến lược địa chính trị có lợi và khả năng có thể mua tất cả các trang bị vũ khí hiện đại hóa của nước ngoài, trong khi từ năm 1989 đến nay, Trung Quốc luôn bị hạn chế vì lệnh cấm cung cấp vũ khí của EU, không thể nhập khẩu vũ khí hiện đại của phương Tây.

Khác với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp với đa số các nước láng giềng, đồng thời cũng đã xây dựng được căn cứ hải quân và không quân ở khu vực cách xa đường bờ biển của nước này, như quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar nằm ở vịnh Bengal, quần đảo Lakshadweep nằm ở biển Ả Rập và Madagascar ở châu Phi. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang tập trung phát triển quan hệ chiến lược với tất cả các quốc gia triển khai các hoạt động biển ở khu vực Ấn Độ Dương, đồng thời thận trọng đánh giá sự mở rộng của Trung Quốc.

Trung Quốc bực tức

Chính trị là nhân tố quan trọng kìm chế sự phát triển của Hải quân Ấn Độ. Quốc gia này lo ngại nếu để xảy ra hành động nào quá khích sẽ khiến Trung Quốc “bực dọc” và mở rộng quân sự sang Ấn Độ Dương trước kế hoạch. Chính vì thế Ấn Độ không phát triển quan hệ đồng minh với cường quốc hải quân nào chống lại Trung Quốc, cho dù là trên cơ sở song phương hay đa phương.

Ví dụ Ấn Độ không triển khai các hoạt động hợp tác quá mật thiết với Hải quân Mỹ, không hưởng ứng lời đề nghị xây dựng cơ chế điều hành các chiến dịch quân sự của quân đội Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia ở khu vực châu Á Thái Bình Dương được Nhật Bản đưa ra vào năm 2007. Lập trường này cũng thể hiện ở việc Ấn Độ không muốn tham gia vào các cuộc tập trận hải quân nhiều nước tham gia ở Ấn Độ Dương mà chỉ tham gia vào các cuộc tập trận gồm hai nước ở khu vực này và các cuộc diễn tập đa phương bên ngoài Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, điều này không cản trở cho việc Ấn Độ phát triển quan hệ hợp tác với Mỹ, Nhật Bản bằng hình thức quan hệ đối tác chiến lược ôn hòa hơn. Ví dụ, năm 2011, Ấn Độ đồng ý xây dựng cơ chế đối thoại ba bên với Mỹ, Nhật Bản để thảo luận về các vấn đề lợi ích khu vực và toàn cầu, quốc gia này đã tham gia mấy vòng đám phán. Về hợp tác song phương, không những hợp tác với Mỹ và Nhật Bản mà Ấn Độ còn thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Australia, Singapore, Indonesia, Hàn Quốc… trong lĩnh vực hải quân.

Mặc dù Ấn Độ né tránh việc thiết lập quan hệ đồng minh trực tiếp với Mỹ, nhưng Mỹ vẫn không ngừng nỗ lực để tiếp cận với Ấn Độ trong lĩnh vực chính trị, quân sự. Mỹ ủng hộ nguyện vọng tăng cường sức mạnh hải quân của Ấn Độ, tìm mọi cách để “hù dọa” Ấn Độ rằng rất có thể Trung Quốc sẽ tiến quân vào Ấn Độ Dương sớm hơn dự định. Lập trường này phản ánh lộ trình ngoại giao tổng thể của Mỹ, quốc gia này muốn nhanh chóng giải quyết các vấn đề ở khu vực châu Á Thái Bình Dương và chuyển giao hết mọi nhiệm vụ chiến lược quân sự ở mọi khu vực trên thế giới cho các nước đồng minh của mình trước bối cảnh ngân sách chi cho quốc phòng đang giảm mạnh.

Bao giờ Trung Quốc động thủ?

Hiện tại tạm thời Hải quân Trung Quốc chưa có biểu hiện gì nổi bật ở Ấn Độ Dương mà chỉ tập trung lực lượng để củng cố quyền kiểm soát của mình ở vùng duyên hải nước này. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Trung Quốc đưa quân vào khu vực này. Viện nghiên cứu an ninh Israel dự đoán, đến năm 2025 ít nhất Trung Quốc sẽ sở hữu một lực lượng xung kích hàng không mẫu hạm, 2-3 tàu ngầm hạt nhân đa năng và tên lửa chống hạm tầm ngắn có thể phá hủy mục tiêu ở vịnh Bengal và biển Ả Rập. Trung Quốc tạm thời bận rộn với việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng và điều kiện ngoại giao để tiến quân vào Ấn Độ Dương, giảm bớt rủi ro khi tuyến đường vận tải trên biển chuyên chở dầu mỏ từ Trung Đông qua Ấn Độ Dương bị nước khác kiểm soát.

Trung Quốc sẽ đầu tư nguồn kinh phí lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển ở các nước có quan hệ hữu hảo như Pakistan, Mianma, Srilanka…, đồng thời tìm mọi biện pháp để giảm thiểu sự lệ thuộc vào eo biển Malaca – nơi đường biển nhỏ hẹp, quá tải nghiêm trọng, hải tặc hoành hành… Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu và khí thiên nhiên từ cảng nước sâu của Myanma sang thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam), đồng thời chuẩn bị xây dựng kênh đào từ vịnh Bengal đến qua eo đất Kra của Thái Lan đến Biển Đông.

Mặc dù mấy năm tới đây, cho dù là Mỹ hay Ấn Độ đều không muốn nhìn thấy Trung Quốc tiến quân tích cực vào Ấn Độ Dương, tuy nhiên, điều này là không thể tránh khỏi. Trong 10 năm tới, cuộc chạy đua hải quân giữa Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ càng gay gắt hơn, kéo theo đó là sự thay đổi trong sức mạnh hải quân và ngân sách chi cho quốc phòng của các nước mỗi năm một tăng cao.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại