Mua sắm vũ khí: Coi chừng báo chí Nga cho Việt Nam "mừng hụt"

Hải Dương |

Không ít lần người yêu quân sự Việt Nam phải cảm thấy hụt hẫng sau khi thực tế diễn ra khác hẳn với những gì được báo chí Nga cung cấp.

Mới đây báo Kommersant của Nga đưa tin, Việt Nam bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 và có thể đặt mua theo một hợp đồng có tổng trị giá lên tới 1 tỷ USD.

Thông tin này đã thực sự gây xôn xao dư luận, nhất là khi những chỉ dấu gần đây cho thấy đối tượng được Không quân Việt Nam quan tâm đặc biệt lại là phiên bản Su-30SM.

Vậy thông tin trên của Kommersant có chính xác, hay đó đơn giản chỉ là động thái tung hỏa mù từ phía Nga khi trong quá khứ đã nhiều lần xảy ra những trường hợp tương tự như dưới đây?

Tiêm kích Su-30K


Tiêm kích Su-30K của Không quân Ấn Độ

Tiêm kích Su-30K của Không quân Ấn Độ

Đầu tiên là thương vụ mua lại 18 chiếc Su-30K của Ấn Độ, trong năm 2012 Rosoboronexport đã gây bất ngờ khi thông báo Việt Nam chính là khách hàng tiềm năng số 1 của lô tiêm kích này.

“Việc Nga tìm được khách hàng cho các máy bay Su-30K này hiển nhiên là tin vui. Mặc dù khách hàng là đáng ngạc nhiên vì trước đó họ toàn mua máy bay chiến đấu mới.

Về giá cả, đây là hợp đồng cực kỳ có lợi cho Việt Nam. Có lẽ, họ muốn mua Su-30K hoàn toàn là do giá cả. Giá cực kỳ hấp dẫn: đã bao giờ có chuyện trả giá dưới 20 triệu USD cho một tiêm kích hạng nặng chưa”?

Nhưng sau đó mọi chuyện đã ngã ngũ, chúng ta đã từ chối ngay lô hàng Su-30K này ngay từ đầu do giá sau nâng cấp, sửa chữa gần bằng Su-30MK2 mua mới trong khi thời gian dự trữ chẳng còn nhiều, khác hẳn những gì báo chí Nga cố "gượng ép".

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P


Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam

Trong năm 2014, báo Tin tức công nghiệp quốc phòng Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết, Việt Nam có ý định mua thêm tiểu đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P thứ ba sau 2 tiểu đoàn đã tiếp nhận hồi năm 2011.

Với những động thái đáng chú ý sau đó như liên tiếp thành lập đơn vị mới, hay nâng cấp các đơn vị cũ từ cấp trung đoàn lên lữ đoàn khiến cho thông tin trên được cho là có tính xác thực cao.

Nhưng chỉ mới hôm qua, Interfax-AVN dẫn lời ông Anatoly Punchuk, Phó Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật quân sự đã khẳng định rằng "Chưa có đề nghị nào như vậy từ phía Việt Nam".

Tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral


Tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral

Tàu đổ bộ mang trực thăng lớp Mistral

Gần đây nhất, hãng tin TASS ngày 6/8/2015 dẫn lời ông Ruslan Pukhov, người đứng đầu Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng Việt Nam là khách hàng tiềm năng để mua lại tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral mà Pháp từ chối chuyển giao cho Nga.

Ông ta cho rằng với chiến lược đầu tư cho hải quân tiến thẳng lên hiện đại và với mức tăng trưởng kinh tế cao, nhu cầu trang bị tàu Mistral của Việt Nam là có thực. Nhưng sau đó không lâu Pháp đã công bố điểm đến của Mistral chính là Ai Cập.

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E


Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E

Trường hợp khác cũng nên được nhắc tới đó là ngày 26/5/2014, Kommersant đưa tin Việt Nam chính là quốc gia thứ hai sau Nga đưa vào trang bị tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E, hợp đồng cung cấp tên lửa chống hạm 3M24-E đã được ký kết từ năm 2012.

Nhưng sau bài báo trên, sự việc có vẻ như đã “chìm xuồng” khi không có thêm bất cứ một động thái nào cho thấy Việt Nam đã chính thức tiếp nhận tổ hợp, ngay cả bản báo cáo của SIPRI cũng không thấy xác nhận thương vụ trên.

Rất có thể tờ báo Nga đã nhầm lẫn hợp đồng mua tên lửa Uran-E để trang bị cho tàu chiến thành tên lửa của tổ hợp phòng thủ bờ biển và đi tới nhận định trên.


Su-35 là đối tượng gần nhất được báo chí Nga tung tin Việt Nam sẽ mua

Su-35 là đối tượng gần nhất được báo chí Nga tung tin Việt Nam sẽ mua

Nhìn lại những trường hợp "mừng hụt" trong quá khứ, có lẽ người yêu quân sự tại Việt Nam phải thật bình tĩnh, chờ đợi đến khi có thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng, tránh "ăn mừng" quá sớm.

Lý do là bởi không loại trừ việc tung tin đồn chỉ đơn giản là một chiêu thức tiếp thị của các nhà sản xuất vũ khí Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại