Kho tên lửa chống tăng của Việt Nam có gì?

Tên lửa chống tăng là vũ khí quan trọng để ngăn chặn và vô hiệu hóa lực lượng tăng - thiết giáp đối phương.

Ngoài các loại đạn pháo chống tăng sử dụng trên các xe tăng, pháo tự hành, súng chống tăng cá nhân thì tên lửa chống tăng là thành phần rất quan trọng, nhất là lực lượng chống tăng bộ binh cơ động.

Một lực lượng quân đội mạnh luôn song hành với lực lượng tên lửa chống tăng hùng hậu. Với quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng chống tăng bộ binh được hình thành từ khá sớm với trang bị ban đầu khá khiêm tốn chủ yếu là các loại súng chống tăng cá nhân.

Đến năm 1972, quân đội Việt Nam mới được trang bị loại tên lửa chống tăng có điều khiển 9M14 Malyutka, NATO định danh là AT-3 Sagger, Việt Nam gọi là B-72. Tên gọi B-72 có lẽ được đặt theo năm tên lửa này tham chiến, AT-3 xung trận lần đầu trong trận đánh Tân Cảnh, Kon Tum.

B-72 là tên lửa chống tăng có điều khiển đầu tiên của quân đội Việt Nam. Loại tên lửa này được các chiến sĩ quân đội Việt Nam gọi với cái tên trìu mến "Cậu nhỏ kiên cường". Ảnh tư liệu.

Sự xuất hiện tên lửa chống tăng B-72 đã làm quân đội Mỹ - Ngụy choáng váng. B-72 đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và vô hiệu hóa lực lượng tăng - thiết giáp của Mỹ - VNCH.

Đặc biệt, B-72 đã làm cho “cỗ xe tăng bất khả xâm phạm” thời đó là M48A3 phải bỏ xác trên chiến trường. Mặc dù Nga đã thay thế AT-3 bằng các loại tên lửa chống tăng hiện đại hơn nhưng B-72 tại Việt Nam vẫn tiếp tục được nâng cấp và trở thành vũ khí chống tăng chủ lực.

Bệ phóng, hệ thống điều khiển của B-72 ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tên lửa được điều khiển bằng dây dẫn, để điều khiển tên lửa đến mục tiêu, xạ thủ phải nằm bất động và không rời mắt khỏi tên lửa đến khi nó chạm mục tiêu. Ngoài ra, tên lửa rất khó điều khiển nên xạ thủ phải được đào tạo rất kỹ.

Đến những năm 1980, quân đội Việt Nam tiếp tục được bổ sung trang bị loại tên lửa chống tăng hiện đại hơn là 9K111 Fagot, NATO định danh là AT-4 Spigot, Việt Nam gọi là B-87.

So với tiền bối B-72, B-87 có nhiều cải tiến, đặc biệt là cải tiến về cơ cấu phóng, thiết bị ngắm bắn và điều khiển tên lửa. Khả năng xuyên giáp của tên lửa cũng tăng lên đáng kể, 400 mm thép đồng nhất ở góc chạm 0 độ, 200 mm ở góc chạm 60 độ.

Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển 9K111 Fagot (AT-4 Spigot). Tên lửa sử dụng hệ cơ cấu điều khiển bán chủ động bằng dây dẫn. Tương tự như AT-3, xạ thủ phải nằm bất động và liên tục theo dõi tên lửa đến khi chạm mục tiêu.

Thế hệ tên lửa chống tăng có điều khiển tiếp theo của quân đội Việt Nam là 9M113 Konkurs, NATO định danh là AT-5 Spandrel, Việt Nam gọi là B-89. Về cơ bản, AT-5 gần giống với AT-4 về cơ cấu phóng, chỉ khác ống phóng và thiết bị ngắm bắn.

Tên lửa chống tăng có điều khiển AT-5 đủ khả năng vô hiệu hóa tất cả các loại xe tăng - thiết giáp đang có mặt trên thế giới. Đầu đạn liều đúp của AT-5 có khả năng xuyên tới 750-800 mm thép đồng nhất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại