Thời báo Hoàn Cầu ngày 25/12 đưa tin, trong vòng 5 năm Nhật Bản có thể gia nhập đội ngũ top 5 quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, trong 10 năm có thể vượt mặt Anh và Nga trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí.
Nhận định trên của một chuyên gia vũ khí Nhật Bản được tờ Hoàn Cầu trích dẫn và nhận xét, mặc dù điều này có một số chỗ không thực tế nhưng quả thực Nhật Bản là một đất nước có nền công nghiệp phát triển và các sản phẩm phục vụ quốc phòng cũng có nhiều điểm độc đáo, một khi được dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu vũ khí sẽ không loại trừ khả năng Nhật Bản trở thành một ngôi sao mới trên thị trường vũ khí toàn cầu.
Trên thực tế, Nhật Bản đã xuất khẩu vũ khí, trang thiết bị, khí tài quân sự sang Mỹ từ rất sớm. Ngay trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, Nhật Bản cũng dựa vào việc bán vũ khí cho Mỹ để thu về một lượng tiền lớn giúp khôi phục nền kinh tế bị suy kiệt sau chiến tranh.
Năm 1983, Nội các Yasuhiro Nakasone đã tuyên bố, theo Hiệp ước đảm bảo an ninh Mỹ - Nhật, việc Nhật Bản cung cấp vũ khí, công nghệ quốc phòng cho Mỹ không nằm trong phạm vi điều chỉnh của 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí.
Hiện nay dự án hợp tác lớn nhất nghiên cứu chế tạo vũ khí chung Nhật - Mỹ là chế tạo tên lửa phòng không Standard - 3Block2A.
Dự án này được bắt đầu năm 1998, Nhật Bản không chỉ rót 2,7 tỉ USD vào dự án này mà còn chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển các thiết bị quan trọng bao gồm đầu dẫn hồng ngoại, đầu đạn sát thương động năng, động cơ tên lửa thế hệ 2.
Điều này cho thấy Nhật Bản vừa có một tiềm lực tài chính hùng hậu, đồng thời sở hữu nhiều công nghệ, kĩ thuật quân sự tiên tiến.
Chính điều này đã khiến cho Mỹ liên tục yêu cầu Nhật Bản sửa đổi 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí để tên lửa Standard-3Block2A có thể xuất khẩu sang các nước.
Ngày 27/12 năm ngoái Nhật Bản tuyên bố sẽ hợp tác với Úc và các thành viên NATO nghiên cứu chế tạo vũ khí.
Theo tờ nhật báo Sankei, tháng 4 năm nay trong chuyến công du Tokyo, Thủ tướng Anh David Cameron đã ký nhiều hiệp định hợp tác nghiên cứu, chế tạo vũ khí với Nhật, trong đó có dự án chế tạo lựu pháo tự hành 155 mm lớp 99, băng đạn tự động cho lựu pháo tự hành AS90 của Anh.
Ngày 9/7 vừa qua, tờ Sydney Morning Herald đưa tin, Úc có kế hoạch mua công nghệ tàu ngầm Black Dragon của Nhật để chế tạo tàu ngầm thế hệ mới.
Nhật Bản không chỉ xuất khẩu công nghệ vũ khí cho các cường quốc quân sự mà Tokyo còn bán hoặc viện trợ các loại vũ khí hiện đại, hoàn chỉnh cho các nước đang phát triển, đặc biệt là tàu ngầm, tàu chiến, tàu tuần tra.
Trong khoản viện trợ quân sự cho Indonesia năm 2007, Nhật Bản đã cung cấp cho quốc gia này tầu tuần tra loại dài 20 m, lượng dãn nước 23 tấn và được trang bị kính chống đạn, vỏ thép, tốc độ 30 hải lý/giờ.
Ngoài ra trong một bài báo đăng trên tờ Sankei hồi tháng 3 năm nay, Nhật Bản có kế hoạch cung câp cho Philippines 10 tàu tuần tra biển loại dài 40 m với lượng dãn nước 180 tấn, 2 chiếc lại dài 100 m và lượng dãn nước 1000 tấn.