Hàn Quốc lo sợ UAV Triều Tiên: Từng coi như đồ chơi

Ngọc Hòa |

Từ coi thường, Hàn Quốc đang vội vàng tìm cách đối phó trước sự phát triển như vũ bão của Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực, trong đó có UAV quân sự.

Hàn Quốc bắt đầu run trước Triều Tiên

Hãng Yonhap ngày 29/3 dẫn tuyên bố của một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho biết, quân đội Triều Tiên tiên đã gia tăng đột biến các phi vụ hoạt động của máy bay không người lái (UAV) dọc đường biên giới hai miền.

"Gần đây, các hoạt động của UAV đã gia tăng đột biến quanh khu vực phía tây đường biên giới. Tốc độ các cuộc diễn tập cất cánh và hạ cánh liên quan đến nhiều loại UAV nhỏ và trung bình đang diễn ra nhanh chóng", vị quan chức giấu tên cho biết.

Trong khi đó, theo các nguồn tin chính phủ khác, hàng ngày, có khoảng 7 đến 8 phi vụ UAV được các hệ thống giám sát Hàn Quốc phát hiện.

Hàn Quốc đang nỗ lực xác minh lý do của việc gia tăng các cuộc diễn tập UAV của Triều Tiên và tăng cường giám sát khu vực này, quan chức trên cho biết.

"Các UAV này có thể vượt qua đường ranh giới sang phía chúng tôi một cách bất thình lình để làm xáo trộn khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Hoặc chúng có thể làm chệch hướng sự chú ý về mặt trận phía tây để cho phép quân đôi Triều Tiên tạo ra vấn đề nào đó ở những nơi khác", vị quan chức này dự đoán.


Triều Tiên khoe UAV trong diễu binh.

Triều Tiên khoe UAV trong diễu binh.

Trong bối cảnh khi các máy bay không người lái của Triều Tiên ngày càng thường xuyên xâm phạm không phận của Hàn Quốc, Seoul đang đau đầu về tính bất khả xâm phạm của biên giới đường không.

Đặc biệt, những kinh nghiệm thu lượm trước đây cho thấy rằng ở đây có cơ sở để lo lắng.

Các phương tiện truyền thông gần đây mới bắt đầu chú ý đến sự phát triển của lực lượng máy bay không người lái của Triều Tiên. Tuy nhiên, trên thực tế, các phương tiện bay không người lái đã xuất hiện trong quân đội CHDCND Triều Tiên từ rất lâu.

Hồi tháng 2/2012, một nguồn tin quân sự đã cho hãng Yonhap biết rằng, CHDCND Triều Tiên đang phát triển UAV tấn công cảm tử trên cơ sở mẫu máy bay không người lái MQM-107D Streakers của Mỹ.

Theo nguồn tin này, Triều Tiên đã mua được nó từ một nước Trung Đông, có thể là Syria hoặc Ai Cập.

Streaker MQM-107 do Beech Aircraft phát triển, được sử dụng chủ yếu cho mục đích huấn luyện, đào tạo và thử nghiệm.

Quân đội Mỹ đã sử dụng MQM-107 như một mục tiêu tấn công, để thử nghiệm các hệ thống tên lửa đất đối không như FIM-92 Stinger và Patriot MIM-104.

Vào tháng 4/2012, tại một cuộc diễu hành chiến thắng ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên đã giới thiệu mô hình đầu tiên của một máy bay không người lái trông giống như mô hình của Mỹ, với thiết kế và kích thước thật, có vẻ là một chương trình phát triển nghiêm túc.

Tuy nhiên, chỉ vào tháng 4/2014, Seoul đã thể hiện sự lo ngại về các máy bay không người lái của Triền Tiên sau khi 3 chiếc UAV mini đã bay trên lãnh thổ Hàn Quốc và chụp được mấy trăm ảnh các cơ sở chiến lược của nước này, bao gồm cả tòa nhà ở Seoul mà trong đó có Văn phòng Tổng thống.

Qua phân tích, các máy bay không người lái này đã được lập trình để chụp ảnh một số địa điểm được xác định bằng máy thu tín hiệu định vị vệ tinh toàn cầu GPS và sau đó bay về miền Bắc. Tuy nhiên, chúng đã bị rơi khi hết nhiên liệu trên đường bay về Triều Tiên.

Sau đó, chuyên gia quân sự Hàn Quốc nhận thức được rằng, các máy bay không người lái của Bình Nhưỡng có thể tấn công hầu như bất kỳ đối tượng ở phía Nam bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng, đó chỉ nói về các UAV tấn công, còn các máy bay mini đã được phát hiện có phạm vi hoạt động hạn chế và chỉ có thể mang đầu đạn trọng lượng không quá 3-4 kg, tức là không thể gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt nếu so với vũ khí thông thường.

Sau khi phát hiện UAV mini, Hàn Quốc đã triển khai một hệ thống radar phát hiện mục tiêu bay ở độ cao thấp, để bảo vệ khỏi sự xâm nhập của UAV và máy bay trinh sát của Triều Tiên.

Tuy nhiên, sự cố năm 2015 cho thấy rằng, hệ thống này không phải là hoàn hảo, máy bay không người lái của Triều Tiên, mặc dù được phát hiện sớm, vẫn có thể bay vài trăm mét trên lãnh thổ Hàn Quốc và chụp được các bức ảnh rất rõ nét về các trạm kiểm soát của Hàn Quốc.

Còn các máy bay chiến đấu và trực thăng của Hàn Quốc đã không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời máy bay lạ xâm phạm vùng trời, và bất lực để chiếc UAV của Triều Tiên đã trở về nước an toàn.

Ngày 13/1/2016, quân đội Hàn Quốc đã hoạt động hiệu quả hơn nhiều, không cho phép máy bay không người lái bay xa hơn một vài mét. Tuy nhiên, điều này không đảm bảo rằng, trong tương lai các quân nhân Hàn Quốc cũng sẽ hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, rất có thể, chúng ta chưa biết mọi chi tiết về chương trình chế tạo máy bay không người lái của Triều Tiên. Rất có thể Bình Nhưỡng đã có khả năng chế tạo UAV tấn công-cảm tử, nếu họ biến nó thành 1 quả bom hạt nhân thì điều đó sẽ gây ra hậu quả khôn lường.

Do đó, “đại chiến UAV” ở khu vực bán đảo Triều Tiên là điều hoàn toàn có thể xảy ra và đó là điều rất đáng lo ngại cho tiến trình hòa bình trên bán đảo này.

Không chỉ có lực lượng UAV và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khiến Hàn Quốc bất an, sau khi Bình Nhưỡng liên tiếp thử nghiệm pháo đa nòng cỡ 300mm, Seoul có thêm lý do để lo ngại.

Theo hãng KCNA của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ đang tỏ ra lo sợ thực sự trước hệ thống pháo đa nòng 300 mm của nước này.

Triều Tiên tuyên bố: "Việc triển khai hệ thống phóng tên lửa đa nòng này giống như một cơn ác mộng kinh hoàng đối với Mỹ.

Bởi lẽ hệ thống này có ý nghĩa chiến lược to lớn trong việc gia tăng đáng kể năng lực của Quân đội nhân dân Triều Tiên trong các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu của kẻ thù khi hoạt động trong phạm vi ở phía nam Triều Tiên”.

Đồng thời, tuyên bố còn chỉ trích Mỹ rằng Washington có những hành vi kích động và lố bịch là do nảy sinh từ nỗi khiếp đảm trước Triều Tiên.

Ngoài Mỹ, hiện nay Hàn Quốc cũng đang khẩn trương xây dựng một hệ thống chống pháo toàn diện để bảo vệ đất nước trước những mối đe dọa của các hệ thống phóng rocket đa nòng của Triều Tiên.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 28/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang-gyun cho biết trước những mối đe dọa của các hệ thống phóng rocket đa nòng và pháo tầm xa của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc đang xây dựng một hệ thống đối phó dựa trên khái niệm hoạt động chiến tranh chống pháo binh.

UAV Triều Tiên chỉ như đồ chơi?

Trước khi ý thức được sự nguy hiểm của dàn vũ khí của Triều Tiên, đặc biệt UAV quân sự, Hàn Quốc từng coi những chiếc UAV này chỉ như đồ chơi của con trẻ.

Các chuyên gia cho biết mức độ đơn giản của những chiếc UAV Triều Tiên mà Hàn Quốc bắn hạ và thu được cho thấy sự lỗi thời của trang thiết bị biên chế trong Quân đội Triều Tiên.

Theo Reuters, khi hình ảnh về những chiến lợi phẩm này được công khai, nhiều người cho rằng mẫu máy bay này giống như đồ chơi hồi nhỏ của họ thay vì là một UAV hiện đại.

“Chiếc máy bay này giống như đồ chơi”, ông Kim Hyoung-joong, giáo sư về an ninh điện tử tại Đại học Korea ở Seoul trả lời Reuters.

“Tuy nhiên với mục đích trinh thám, chiếc máy bay không cần phải là một chiếc máy bay với công nghệ cao như những chiếc Predators hoặc Global Hawk của Mỹ. Một chiếc máy bay giống như đồ chơi này có thể khiến nhiều người mất cảnh giác”.

"Tuy nhiên, mức độ đơn giản của những mẫu UAV cũng cho thấy sự lạc hậu trong trang thiết bị quân sự của Triều Tiên mặc dù nước này là một trong những nước có lực lượng quân sự lớn hàng đầu thế giới", các chuyên gia trả lời tờ NBC.

“Phần lớn trang thiết bị quân sự của Triều Tiên đều đã lỗi thời với rất nhiều trong số đó có từ Chiến tranh Thế giới thứ 2,” tiến sĩ James Hoare đến từ Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Đại học London nói.

"Họ đặt cược rất nhiều vào tinh thần chiến đấu vì đơn giản họ không có gì để dựa vào nữa”.

Ước tính, Bình Nhưỡng chi khoảng 20% - 30% GDP vào quốc phòng và phần lớn được đưa vào chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa nhằm răn đe Mỹ, Hàn.

Tuy nhiên, báo cáo của Lầu Năm Góc trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3/2014 mô tả lực lượng quân sự của Triều Tiên đang tàn lụi do thiếu hụt nguồn lực và phần cứng lỗi thời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại