Dưới thời Yeltsin, Quân đội Nga điêu đứng, nhếch nhác không ngờ!

Đại tá Trần Danh Bảng |

Qua 8 năm trị vì, Tổng thống Yeltsin dường như hết lực. Quân đội Nga trong một đất nước khốn khó, cũng xuống dốc và suy yếu nhanh chóng.

Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết sụp đổ tháng 12/1991, Tổng thống Yeltsin trị vì nước Nga 2 nhiệm kỳ từ  1991 đến tháng 12 năm 1999. Suốt những năm tháng đó, nước Nga phập phồng trong sự bất hoà chính trị và khốn khó vì kinh tế sụp đổ.

Đại tá Victor Baranez, trợ lý báo chí - truyền thông, thuộc Bộ Tổng tham mưu Nga trong suốt hơn mười năm, đã chứng kiến, những chính sách bất cập, những mâu thuẫn giữa khả năng và tham vọng cải tổ quân đội.

Đây chính là nguyên nhân gây nên những bi kịch, không chỉ suy giảm sức chiến đấu nghiêm trọng, mà còn khiến cho đời sống sĩ quan, binh sĩ của một đội quân “Vang bóng một thời” cũng nhếch nhác, khốn khó.


Đây có thể là một căn cứ tên lửa dưới thời Liên Xô, tình hình kinh tế khó khăn sau năm 1991 đã khiến nơi đây - có thể từng là nơi rất nhộn nhịp trở thành căn cứ ma, không một bóng người, không ai quản lý.

Đây có thể là một căn cứ tên lửa dưới thời Liên Xô, tình hình kinh tế khó khăn sau năm 1991 đã khiến nơi đây - có thể từng là nơi rất nhộn nhịp trở thành căn cứ "ma", không một bóng người, không ai quản lý.

Khốn khó từ thượng tầng

Từ 1991, Quân đội Nga vẫn giữ nguyên số vũ khí hạt nhân của cả Liên bang, nhưng đã mất đi quyền kiểm soát một lượng lớn vũ khí hiện đại được triển khai tại các nước cộng hòa.

Tưởng giảm số lượng thì có điều kiện tăng chất lượng. Nhưng không! Victor Baranez viết: “Trong nhiều năm, Tổng thống Nga luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách quân sự, nhưng về cơ bản đã không có gì thay đổi.

Quân đội không có thành công kết quả nào đáng nói. Sau khi rút khỏi Việt Nam, người Mỹ đã tăng gấp đôi ngân sách quân sự của họ. Sau đó được liên tục nâng lên từ năm này sang năm khác. Chúng tôi, thì ngược lại, từ năm này sang năm khác bị cắt giảm”.

... Sự trở về Nga của rất nhiều sĩ quan và gia đình của họ từ châu Âu và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tiếp tục làm sâu sắc thêm gánh nặng cho các ngân sách quân sự”.

Tài sản của quân đội Nga, thực chất của nước Nga ở nước ngoài có giá trị rất lớn. Nhưng thu về, mang về chẳng được bao nhiêu.

Tướng Vladimir Semyonov chỉ huy Lực lượng lục quân nói: Những cải cách khó có thể được thảo luận khi huấn luyện chiến đấu của chúng tôi chỉ được bảo đảm 8 đến 9% yêu cầu.

Đô đốc Hải quân Valentin Selivanov nói: Một sử gia chuyên nghiên cứu về đời sống của quân đội Nga trong những năm 1992-1999, đã rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi mỗi năm lại thông qua một khái niệm mới về cải cách quân đội.

Thiếu tiền, năm 2000, Hải quân Nga bao gồm các lực lượng sẵn sàng chiến đấu chỉ có 112 đến 160 tàu ngầm, chống lại 432 chiếc của Hải quân Mỹ.


Tàu tuần dương tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân Đô đốc Lazarez bị loại biên chế năm 1999 và có kế hoạch tháo dỡ nhưng thiếu kinh phí nên rỉ sét, tàn tạ thảm thương.

Tàu tuần dương tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân Đô đốc Lazarez bị loại biên chế năm 1999 và có kế hoạch tháo dỡ nhưng thiếu kinh phí nên rỉ sét, tàn tạ thảm thương.

Tương tự với các tàu mặt nước, chỉ còn 1 tàu sân bay, 2 đến 3 tàu tuần dương tên lửa, 7 đến 10 tàu khu trục và 30 đến 40 tàu tên lửa rải rác tại các vùng  biển khác nhau.

Từ lực lượng đứng thứ hai thế giới, so sánh tỷ lệ Hải quân Liên Xô và Hải quân Mỹ là 1:3 vào đầu những năm 1990, thì tới năm 2000, tỷ lệ này chỉ còn là 1:25.  Nghĩa là Mỹ có nhiều tàu gấp 25 lần Nga!

Lực lượng phòng không của Nga không còn đủ sức che phủ, đã xuất hiện các "lỗ hổng" lớn trên bầu trời. Bộ Tổng Tham mưu đã buộc phải cắt bớt quân và cắt diễn tập chiến thuật hải quân.

Trong giai đoạn 1993-1997, lục quân không bảo đảm đầy đủ quy mô một trận diễn tập chiến thuật cấp sư đoàn hoặc trung đoàn có bắn đạn thật. Thay vào đó, họ chỉ được tổ chức chỉ huy tập trên sa bàn, trên bản đồ.

Grachev, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga trong 4 năm, một thời gian dài đã không dám công khai đấu tranh chống lại chính quyền. Nhưng rồi, năm 1995, ông không thể cưỡng lại khi phàn nàn với Yeltsin rằng việc cải tổ quân đội chững lại vì không có tiền.

Tổng thống đã trả lời: Có những lĩnh vực cải cách quân đội, mà không cần tiền. Khó khăn, nhưng vẫn cố gắng!

Trong 1994-1996, tình hình đã trầm trọng hơn, ngân sách bắt đầu bị nuốt ở Chechnya. Chỉ trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh, ngân sách quân sự ngốn hơn 2,5 nghìn tỉ rúp mà không được bù đắp.

Từ năm 1992, Bộ Quốc phòng Nga đã phát triển hơn 15 chương trình tái vũ trang. Hầu như tất cả đã thất bại. Chi tiêu cho nghiên cứu năm 1990 là gần 20%, tới năm 1994, con số này đã giảm xuống còn 5,7% (trong  khi các nước NATO tăng lên 11,2% từ 9,8 %).

Vì lý do này, các thiết bị quân sự hiện đại trong Quân đội Nga từ 35% năm 1992 giảm xuống còn 10% vào năm 1997 (trong khi NATO tăng 40%).

BQP và Bộ Tổng tham mưu nghĩ và đi đến kết luận rằng việc giảm kế hoạch của Quân đội vào năm 1997 cũng phải có ít nhất 40 nghìn tỷ rúp. Điện Kremlin kết luận rằng, số đó chỉ nên là 10 nghìn tỷ rúp.

Có một dòng chảy chất xám ra ngoài ngày càng tăng. Nhiều chuyên gia giỏi nhất của lĩnh vực quốc phòng đã ra nước ngoài.


Hải quân Mỹ (ảnh) đã vượt lên trước, bỏ xa Hải quân Nga.

Hải quân Mỹ (ảnh) đã vượt lên trước, bỏ xa Hải quân Nga.

…khốn khó đến căn cứ quân sự

Ngân sách trống rỗng, ngày càng nhiều đơn vị biến thành con nợ “mãn tính” của chính quyền địa phương. Vì lý do này, các đơn vị quân đội bị cắt điện liên tục. Gia đình binh sĩ còn lại không có điện và nước, phải đun củi vào mùa đông.

Tháng 9 năm 1994, một trường hợp khẩn cấp trong đơn vị tên lửa chiến lược, nguồn điện bị ngắt kết nối với trung tâm chỉ huy. Điều này làm suy yếu khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược.

Họ buộc phải nổ máy dự phòng phát điện khẩn cấp. Điều này trước đây chưa hề xảy ra.

Tỷ lệ trang bị thêm thiết bị mới cho quân đội và hải quân giảm. Năm 1994, chỉ thêm 1 phi đội máy bay chiến đấu mới, 1 tàu chiến và 5 xe tăng mẫu mới. Tình trạng này không thay đổi suốt 5 năm sau đó.

Không những thế, Quân đội cũng thiếu tiền phục hồi hư hỏng thiết bị quân sự cũ.

Bảo đảm kỹ thuật sẵn sàng chiến đấu của Không quân giảm 50% ... Trong năm 1995, KQ Nga "đòi" được 13% số tiền theo ngân sách. Số tiền này chỉ đủ để trả tiền nhiên liệu.

Việc phân bổ ngân sách cho R&D đạt chưa tới 35% nhu cầu. Bộ Tài chính chi trả các đơn đặt hàng nhà nước cho KQ chỉ đạt 45%. Trong giai đoạn 1992-1993, Hải quân không được trang bị thêm bất kỳ tàu chiến mới nào.

Tài liệu của Bộ Tổng tham mưu lục quân: Trong 5 năm, số vũ khí trang bị mới giảm xuống trung bình khoảng 30%. Các loại xe chiến đấu bộ binh và trực thăng tấn công hầu như vắng mặt.

Kiểm tra thực tế nhiều đơn vị kỹ thuật, người ta thấy việc sửa chữa các bộ phận cũ và lắp ráp phụ tùng “mới” không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận chất lượng. Thực chất là hành vi mờ ám, gian lận, mua đồ cũ tính tiền bằng đồ “xịn”.

Trong khi nhân viên kỹ thuật chủ yếu do các nhà thầu cung cấp, nhiều người không có chuyên môn phù hợp, đạo đức thấp - say rượu, nghiện ma túy và có cả tội phạm.

Victor Baranez viết trong cuốn Bí mật Bộ tổng tham mưu:

“Tại Bộ Tổng tham mưu, 3 tháng không được trả lương. Và trong các đơn vị đồn trú, có khi tới nửa năm! Vợ các sĩ quan nấu súp cho trẻ em và chồng bằng củ quả thu hái được, nên họ đã không chết đói!

Có tháng tôi được một ổ bánh mì và sáu hộp cá mòi sốt cà chua. Đó là "lương" của tôi. Nơi các chiến lược gia đang làm việc về kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân, họ ngửi thấy mùi súp. Người ta nấu thức ăn trực tiếp trong các văn phòng cơ mật này”.

Tình trạng vi phạm kỷ luật quân đội những năm đó tăng nhanh. Trong năm 1992, tại Nga có 1.139 hành vi trộm cắp vũ khí và đạn dược, liên quan tới gần 40 nghìn người.

Đối với những tội ác, bán vũ khí bị cơ quan pháp luật bắt giữ 170 người, thu 768 thùng, trong đó có 7 súng phóng lựu, 574 thiết bị khí tài, máy móc.

Làng ngoại ô Malino, nơi đóng quân của một Trung đoàn không quân. Sau một cuộc điều tra, các nhân viên an ninh tìm ra nhiều bộ phận máy bay trực thăng gồm cả một động cơ của Mi-24 bị mất cắp. Tổng thiệt hại lên tới nửa tỷ rúp.

Sĩ quan Nga ở Chechnya bán máy móc, đạn dược, đó là những người lính thiếu tiền, đói. Khẩu phần của các binh sĩ Nga bị cắt xén, dưới mức ăn bình thường so với quy định của quân đội.

Các thực phẩm mà lính nghĩa vụ nhận thường có chất lượng kém, thậm chí có những lính mới nhập ngũ phải đi xin thức ăn và thuốc lá ở cửa hàng bách hóa. Nhiều gia đình đã gửi quần áo rét cho con cái mình đang chiến đấu ở Chechnya.

Bây giờ Quân đội Nga chỉ còn 4 tiểu đoàn kỷ luật ở Moulineaux, Novosibirsk, Rostov và Chita. Nhưng những năm 1990 đến 1998, Quân đội Nga có tới 16 tiểu đoàn kỷ luật, để giam, cải tạo các sĩ quan, binh sĩ bị kỷ luật.

Nhưng tiểu đoàn kỷ luật cũng khó khăn, nên họ phải canh tác, tự cung tự cấp, nuôi bò, lợn, gà.

Suốt 8 năm khốn khó của nước Nga, các sĩ quan Nga nhớ: Năm lần hứa với chúng ta cải cách dưới Gorbachev; Năm mươi lần hứa với chúng ta cải cách dưới thời ông Yeltsin nhưng “Quân đội vẫn tiếp tục sống mòn mỏi”.

Nhưng, sau này, ngay cả khi ông Putin lên nắm vị trí cao nhất, từ năm 2000 mọi việc vẫn chưa phải đã “đâu vào đấy”.

Trong vòng 10 năm, Anatoly Serdyukov được biết đến là một nhân vật có công và trung thành với Tổng thống Putin, nhưng chính ông Bộ trưởng BQP Nga này bị cáo buộc sử dụng binh sĩ để tân trang lại một dinh thự nghỉ dưỡng và xây một con đường tới đó.

Theo thống kê, tham nhũng đã trở thành đại dịch ở BQP. Công tố viên cao cấp của quân đội cho biết, tới năm 2011, có tới 1/5 ngân sách đã bị biển thủ hoặc lấy cắp.

Ngày 6-11-2012, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố bãi chức Bộ trưởng Quốc phòng của ông Anatoly Serdyukov sau một loạt scandal tham nhũng.

Không thể phủ nhận những hành động của Putin, qua các nhiệm kỳ Tổng thống và Thủ tướng, đã quan tâm đến phát triển Công nghiệp quốc phòng Nga. Ông trang bị cho quân đội thêm nhiều vũ khí hiện đại như máy bay, tàu chiến, tên lửa.

Giờ đây, Quân đội Nga đã hồi sinh trở lại, từ những hành động cứng rắn, mạnh mẽ ở Crime năm 2014, tới trên 100 ngày tham chiến ở Sirya, cho thấy lực lượng này đang lấy lại niềm tin của người dân Nga về sức chiến đấu.


Các máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria.

Các máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria.

Nhưng như thế cũng khiến ta không khỏi ngậm ngùi về những năm tháng Quân đội Nga khốn khó trong thiếu thốn và những hành động tham nhũng, thiển cận, làm suy giảm sức chiến đấu của một đội quân hùng mạnh ngày nào.

Theo Sputnik, ông Dmitry Rogozin Phó Thủ tướng Nga tuyên bố ngày 13 tháng 1 năm 2016 mới đây: "Tất nhiên, Liên bang Nga bây giờ đã không còn là nước Nga năm 1999. Nga có Tổng thống khác, và những người nắm quyền cũng khác trước.

Còn Quân đội của chúng tôi, Lực lượng Không quân - Vũ trụ của chúng tôi, thì chắc các bạn cũng thấy, đang chứng tỏ rõ ràng ở Syria rằng Nga đã tiến lên đẳng cấp mới cao hơn và hùng mạnh hơn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại