Phiên bản Harier dành cho Hải quân Hoàng gia Anh
Trong bản báo cáo, các kỹ sư đã cung cấp dữ liệu cho thấy máy bay mới không những triển khai được từ tàu sân bay mà còn có thể hoạt động trên tàu khu trục, tàu buôn, thậm chí là tàu đổ bộ tấn công. Tuy nhiên, Hải quân Hoàng gia Anh lại ít quan tâm đến báo cáo này.
Đến năm 1962, Đô đốc Hải quân Hoàng gia muốn một tàu sân bay mới trang bị máy bay tiêm kích đánh chặn cất/ hạ cánh thẳng đứng nhằm thay thế những chiếc de Havilland Sea Vixen đã lỗi thời.
Vì vậy vào ngày 8/2/1963, nguyên mẫu XP831 đã trình diễn khả năng hạ cánh trên tàu sân bay HMS Ark Royal (lớp Audacious) và cho thấy những tính năng ưu việt của nó.
Nguyên mẫu XP831 trình diễn khả năng hạ cánh trên tàu sân bay HMS Ark Royal (lớp Audacious) vào ngày 8/2/1963
Sau thàng công của XP831, Hải quân Anh muốn một máy bay tiêm kích đánh chặn cất/ hạ cánh thẳng đứng siêu âm, do vậy Hawker đã cho ra khái niệm P.1154(RN), nhưng dự án P.1154 gặp một số vấn đề trong quá trình nghiên cứu nên đã bị hủy.
Hải quân Anh dự định mua F-4 Phantom II của Mỹ và lên kế hoạch đóng một tàu sân bay thông thường như lớp Forrestal. Thế nhưng Chính phủ Anh lại có một ý tưởng khác nên kế hoạch trên bị hủy vào năm 1966.
Ý tưởng của chính phủ Anh là một tàu sân bay hạng nhẹ trang bị trực thăng chống ngầm, đó chính là chiếc HMS Invicible ra đời năm 1972. Vì chỉ có trực thăng nên Hải quân Anh muốn mang Harrier lên Invicible để làm nhiệm vụ phòng không, bảo vệ hạm đội cũng như trực thăng.
Hawker đã phát triển một phiên bản Harrier dành cho Hải quân, dựa trên Harrier G.R.1 của Không quân Hoàng gia có tên gọi Sea Harrier, định danh là Sea Harrier FRS1.
Sea Harrier FRS1
Sea Harrier FRS1 được thiết kế như một máy bay tiêm kích đa năng, chiến đấu, trinh sát và tấn công (FRS - Fighter, Reconnaissance, Strike). Khung thân Sea Harrier FRS1 giống Harrier G.R.1 đến 90%, nhưng hệ thống điện tử hàng không thì lại khác hơn 90%.
Sea Harrier FRS1 có thể phân biệt với Harrier G.R.1 ở chiếc mũi to và dài hơn để chứa radar Blue Fox
Phần mũi của Sea Harrier FRS1 được thiết kế lại dài và to hơn để sử dụng radar Blue Fox do Ferranti phát triển. Blue Fox có thể hoạt động ở cả chế độ không đối không và không đối đất, thông tin thu được hiển thị lên màn hình TV đặt trong buồng lái.
Radar Doppler Blue Fox
Sea Harrier FRS1 là phiên bản Harrier đầu tiên được trang bị radar, nó có hệ thống tự cân bằng, 2 con quay hồi chuyển tham chiếu độ cao và radar doppler đo cao Decca 72, giúp thăng bằng và an toàn hơn khi bay ngoài biển.
Máy bay được lắp đặt các hệ thống liên lạc UHF, hệ thống dẫn đường chiến thuật TACAN và bộ trả lời băng sóng I, các thiết bị radio đa kênh PTR377 UHF/VHF và D403M VHF. Sea Harrier FRS1 có hệ thống bay tự động, giữ máy bay ở một độ cao, tốc độ và hướng cố định.
Buồng lái của Sea Harrier FRS1, màn hình bên phải dùng để hiển thị thông tin từ radar Blue Fox
Sea Harrier FRS1 có trọng lượng nặng hơn Harrier G.R.1 do thay thế các chi tiết và thành phần được làm từ magie, lý do là vì kim loại này rất dễ bị ăn mòn trong môi trường có muối.
Chỉ còn 4 thành phần làm từ magie trên Sea Harrier FRS1 là hộp số động cơ Pegasus, càng đáp trước và 2 càng đáp phụ. Động cơ Pegasus Mk 104 cũng loại bỏ các chi tiết làm từ magie, nặng hơn động cơ Pegasus Mk 103 nhưng vẫn giữ nguyên lực đẩy.
Sea Harrier FRS1 mang giá phóng đôi của tên lửa AIM-9 Sidewinder
Sea Harrier FRS1 có 5 giá treo vũ khí và khác với Không quân Hoàng gia, máy bay mang được tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder như AV-8A của Thủy quân Lục chiến.
Vũ khí chính của Sea Harrier FRS1 vẫn là bom không điều khiển và rocket, nhưng sau chiến tranh Falkland năm 1982, các máy bay Sea Harrier FRS1 được trang bị thêm tên lửa không đối đất Martel và tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon.
Sea Harrier FRS1 mang tên lửa không đối đất Martel
Nguyên mẫu Sea Harrier FRS1 (XZ450) đầu tiên cất cánh ngày 20/8/1978 ở Dunsfold. Phi đội số 700A của Hạm đội Hàng không Vũ trang (Fleet Air Arm) là đơn vị thứ nhất tiếp nhận Sea Harrier FRS1 vào ngày 19/9/1979.
Phi đội số 800 là đơn vị đầu tiên đưa Sea Harrier FRS1 vào hoạt động trên tàu sân bay HMS Invicible. Phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi dựa trên Sea Harrier FRS1 được định danh là Harrier T4N.
Phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi Harrier T4N
Sea Harrier F.A.2 - Bản nâng cấp của Sea Harrier FRS1
Sea Harrier F.A.2 - Bản nâng cấp từ Sea Harrier FRS1, mũi máy bay có hình dạng khác do sử dụng radar Blue Vixen mới
Lắp radar Blue Vixen cho Sea Harrier F.A.2
Mặc dù Hải quân Anh cơ bản hài lòng với hiệu suất của Sea Harrier FRS1 trong chiến tranh Falklands, nhưng cuộc xung đột này đã chỉ ra một số thiếu sót không hoàn toàn bất ngờ. Vấn đề chính là khả năng tương đối hạn chế của radar Blue Fox.
Năm 1983, radar doppler đa chế độ Blue Vixen được lựa chọn để thay thế Blue Fox, cùng với khả năng dẫn bắn tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM, tên lửa chống hạm Sea Eagle và tên lửa chống bức xạ ALARM.
Những máy bay Sea Harrier FRS1 được cải tiến với các hệ thống và vũ khí kể trên được đặt tên là Sea Harrier FRS2, sau đó đổi tên thành Sea Harrier F.A.2 (Fighter. Attack).
Nhờ radar Blue Vixen mà Sea Harrier F.A.2 dẫn bắn được tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM
Buồng lái Sea Harrier F.A.2
Sea Harrier F.A.2 phân biệt với Sea Harrier FRS1 ở hình dạng chóp nón chứa radar, cánh chính được lắp các “răng chó” để triệt tiêu xoáy khí trên cánh. Ăng ten cảnh báo ARI.18233 được thay thế bằng hệ thống tác chiến điện tử Marconi Sky Guardian.
F.A.2 sử dụng động cơ Pegasus Mk 106 với một số cải tiến nhỏ. Phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi dựa trên Sea Harrier F.A.2 được định danh là Harrier T8.
Máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi Harrier T8, về hình dạng không khác gì so với Harrier T4N nhưng hệ thống điện tử hàng không được lấy từ Sea Harrier F.A.2
Sea Harrier dành cho Ấn Độ
Sea Harrier Mk 51 (Sea Harrier FRS51) của Hải quân Ấn Độ
Ấn Độ là nước ngoài duy nhất sử dụng Sea Harrier. Tháng 12/1979, họ đặt mua 6 chiếc Sea Harrier Mk 50 (Sea Harrier FRS51) và 2 chiếc Mk 60 (Harrier T60) để trang bị cho tàu sân bay INS Vikrant và INS Viraat.
Sea Harrier Mk 50 tương tự Sea Harrier FRS1 trong khi Mk 60 giống như Harrier T4N của Hải quân Hoàng gia, chỉ khác ở chỗ Mk 50 được trang bị tên lửa không đối không R550 Magic của Pháp.
Harrier T60 của Hải quân Ấn Độ
Năm 1998, Israel tiến hành nâng cấp các máy bay Sea Harrier Mk 51 và Mk 60 với radar Elta EL/M-2032 cùng hệ thống tác chiến điện tử Elta 8042. Sea Harrier Mk 51, Mk 60 sau nâng cấp sẽ bắn được tên lửa không đối không AIM-132 ASRAAM của Anh và Derby của Israel.
(Còn tiếp)