Cuộc truy đuổi tàu ngầm Xô - Mỹ ở Biển Đông (II)

Chuẩn đô đốc hải quân Liên Xô Alfred Semenovitch Berzin kể về sự kiện người Mỹ khoe tàu ngầm chiến lược Mỹ truy đuổi tàu ngầm hạt nhân Liên Xô do chính ông chỉ huy.

Mới đây thôi, người ta đưa cho tôi cuốn sách "Các tàu ngầm của Hoa Kỳ" (United States Submarines), trong đó tôi đọc được bài viết của đại tá hải quân Mỹ đã về hưu David Minton với tiêu đề "Tàu ngầm Guardfish truy kích tàu ngầm lớp Echo". Ngay lập tức tôi hiểu rằng David Minton truy đuổi tàu ngầm K-184, hồi đó do tôi chỉ huy. Tôi sẽ kể về sự kiện đó từ góc nhìn của mình, trong khi đó cũng quan tâm tới những bình luận của David Minton.

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
 

Khi đang phục vụ trên cương vị hạm trưởng tàu ngầm nguyên tử K-184 trên Thái Bình Dương, tôi đã tham gia vào hoạt động trinh sát chống lại tàu sân bay xung kích "America", tàu sân bay và săn ngầm "Ticonderoga", và đồng thời chống lại tàu ngầm nguyên tử Guardfish..."

Những kinh nghiệm thu được (trong thời gian đó) đã có ích cho giai đoạn phục vụ sau này của tôi. Trong thời gian học tập tại trường sỹ quan Hải quân, rồi tại hệ đào tạo cao cấp cho sỹ quan tại Học viện Hải quân, người sỹ quan cần phải thu nhận được kiến thức cơ bản và chuyên sâu về phương pháp tiến hành trinh sát, vững vàng làm chủ và biết cách sử dụng trên thực tế các phương tiện trinh sát, biết cách phân tích các số liệu thu được về đối thủ và ra các kết luận phù hợp, mà trên cơ sở đó cần cho anh ta ra quyết định sử dụng ngư lôi hay tên lửa hay là tránh (tạm lánh) khỏi các lực lượng săn ngầm của đối thủ.

Quá trình học tập và rèn luyện này phải tiếp tục ngay cả tại hạm đội, nghĩa là không được phép ngừng. Đối với bất kỳ người hạm trưởng tàu ngầm nào, trong thời bình cũng phải tạo ra khả năng thu nhận kinh nghiệm tiến hành các hoạt động trinh sát các tàu mặt nước, tàu ngầm của đối thủ tiềm năng. Về tàu ngầm của đối thủ tiềm năng, chỉ huy của chúng ta cần phải biết tường tận lần lượt các vấn đề sau:

- Độ ồn,

- Khả năng của tổ hợp định vị thủy âm,

- Các thông số của trạm vô tuyến định vị,

- Chiến thuật hoạt động,

- Các phương tiện chống định vị thủy âm,

- Các tốc độ lớn nhất và ít tiếng ồn nhất,

- Chiều sâu lặn lớn nhất,

- Khả năng của vũ khí ngư lôi và tên lửa.

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
Tàu ngầm nguyên tử đề án 675 trong ngày lễ Hải quân tại vịnh Amur. Vladivostok, 198x. - Sư đoàn tàu ngầm số 10 Hạm đội Thái Bình Dương.

Ngày 9 tháng 5 năm 1972, chiếc tàu ngầm K-184 do tôi chỉ huy đã trực chiến một tháng tại vịnh Pavlovskii. Buổi sáng, toàn sư đoàn tập hợp tại sân tập và tư lệnh sư đoàn, chuẩn đô đốc Verenikin I.I. chúc sức khỏe và chúc mừng từng thủy thủ đoàn nhân Ngày Chiến thắng phát xít Đức, tiếp theo là lễ diễu binh trọng thể ngang qua lễ đài cùng với Bộ chỉ huy sư đoàn. Sau đó tôi bước vào phiên trực chiến và nhận được tin trinh sát tình báo như sau:

"Khu vực bán đảo Đông Dương. Tiến hành các hoạt động chiến tranh chống lực lượng yêu nước Đông Dương hiện có các tàu sân bay xung kích "Coral Sea", "Kitty Hawk", "Saratoga", tại khu vực 170 dặm phía nam Sài Gòn là tàu "Constellation" trong sự hỗ trợ đảm bảo của 38 tàu chiến các loại khác. Trong một ngày đêm, từ các tàu sân bay đã thực hiện 353 phi vụ, trong đó có 256 phi vụ không kích."

Trong nửa sau ngày hôm đó, Hạm đội Thái Bình Dương chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, còn chiếc tàu ngầm của chúng tôi thì được lệnh báo động. Theo điều lệnh quy định, thủy thủ đoàn sắp xếp và sẵn sàng chờ lệnh. Đã có lệnh tất cả ở nguyên trên tàu. Trạm năng lượng chính (ГЭУ-Главную энергетическую установку)) còn chưa đưa vào hoạt động.

Vào chiều tối, tư lệnh sư đoàn, chuẩn đô đốc Verenikin I.I. gọi tôi lên buồng chỉ huy của ông và ra lệnh cho phát động cả hai trạm năng lượng hai mạn tàu (nói đơn giản là khởi động lò phản ứng), và ông nói ngắn gọn: "Hãy tới Biển Đông để giúp đỡ người anh em Việt Nam". Ngoài ra, từ ông tôi biết được, các tàu ngầm "K-45" (hạm trưởng đại tá hải quân Yu.N.Ganz) và "K-57" (hạm trưởng đại tá hải quân Shipovnikov Yu.Ph.) cũng đến đó sau chúng tôi.

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
K-45, tàu ngầm đầu tiên đề án 659, chính thức nhập biên chế Hải quân năm 1961.

Ngày 10 tháng 5, từ sáng sớm, cả hai trạm năng lượng hai mạn đều chuyển sang chế độ tuabin phát. Lệnh chiến đấu bằng điện tín đã tới, lệnh đó cùng với hành trình trên hải đồ đã được Tham mưu trưởng sư đoàn đại tá hải quân Abramov M.B. trao cho hạm truởng. Sau những chỉ thị cuối cùng của tư lệnh sư đoàn, tàu "K-184" rời bến bắt đầu di chuyển theo hải trình.

David Minton viết: " Mùa hè năm 1972, tàu ngầm Guardfish (SSN-612) đang ở biển Nhật Bản khi mà các sự kiện trên thế giới đã lôi cuốn nó và thủy thủ đoàn của nó tham gia vào cuộc phiêu lưu thế kỷ.

Cùng với sự thất bại của các cuộc đàm phán hòa bình tai Paris, từ ngày 9 tháng 5, chiến tranh tại Việt Nam đã chuyển sang một bước ngoặt đột ngột và quân đội chúng ta đã phong tỏa bằng thủy lôi cảng Hải Phòng và các cảng quan trọng khác của miền Bắc Việt Nam nhằm cắt đứt sự tiếp tế đường biển cho quân đội Bắc Việt Nam.

Trên tàu Guardfish đã được thông báo về khả năng sẽ có chiến dịch hải quân đáp trả từ phía những người Xô Viết. Tình hình thế giới đã nóng bỏng đến mức tới hạn. Không ai biết Liên bang Xô Viết sẽ phản ứng thế nào trước cuộc phong tỏa thủy lôi này.

Tàu ngầm Guardfish đang ở vị trí gần với căn cứ hải quân lớn nhất của người Xô Viết tại Thái Bình Dương, với tư thế chìm sâu dưới mặt nước và quan sát tình hình qua kính tiềm vọng. Vào chiều tối Guardfish đã quan sát thấy bằng kính tiềm vọng một tàu ngầm đang cắt ngang thủy đạo với một tốc độ khá lớn và hướng thẳng về phía tàu ngầm Guardfish đang chờ sẵn nó.

Khi tiếp xúc gần hơn nữa, từ khối vật thể tối sẫm đang di chuyển đó, chúng tôi đã nhận ra một tàu ngầm tên lửa Xô viết lớp Echo-2. Tàu ngầm đó có lượng giãn nước 5.000 tấn, trang bị lò phản ứng hạt nhân, mang theo trên tàu 8 tên lửa đất đối đất Shaddock có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 200 dặm. Guardfish bám theo nó. Chẳng mấy chốc Echo-2 lặn sâu xuống nước và thẳng hướng Đông-Nam, sau đó di chuyển với vận tốc lớn. Đó phải chăng là cuộc xuất kích đáp trả sự phong tỏa Hải Phòng bằng thủy lôi?

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
Sơ đồ cuộc phiêu lưu tàu ngầm trong chiến tranh Lạnh tháng 5 năm 1972.

Ngày 11 tháng 5. Độ sâu 100m, tốc độ 12,5 hải lý. Sau mỗi giờ đồng hồ, chúng tôi lại chuyển hướng 90 độ. Chúng tôi lắng nghe đằng lái xem có dấu hiệu bị theo dõi bởi tàu ngầm Mỹ không. Cuộc sống trên tàu ngầm đã vào nề nếp và đang đi vào guồng quay của nó.

Từ tin trinh sát được biết:"Tại Việt Nam đang có 6 tàu sân bay xung kích và 2 tàu đổ bộ chở máy bay trực thăng". Trong phiên liên lạc ghi nhận tín hiệu của trạm vô tuyến định vị AN/APS-20 trên máy bay săn ngầm "Neptune" của Mỹ: tín hiệu yếu. Chúng tôi chuyển hướng hành trình và lặn xuống độ sâu 200m.

Ba mươi phút sau, thiếu tá trưởng ban 2 (vũ khí tên lửa-pháo) Tsimbalenko V.I. có mặt tại buồng điều khiển trung tâm và báo cáo rằng ống cáp của thùng chứa số 6 rỏ nước, có nghĩa là thùng chứa số 6 không kín, mà trong đó lại đang chứa tên lửa với bộ phận tác chiến đặc biệt.

Nếu thùng chứa bị ngập nước, tên lửa sẽ bị loại khỏi đội hình, đó thực sự là mối nguy cơ tiềm tàng cho hệ thống vũ khí. Vậy là ngay từ đầu chuyến đi chúng tôi đã lâm vào tình trạng này rồi: Làm gì đây?

Sau khi nghe báo cáo của trưởng ban 2 thiếu tá Tsimbalenko V.I. và đề nghị của trưởng ban 5 (ban kỹ thuật cơ điện) trung tá Baiburin M.S., tôi quyết định mở van xả khoang số 7 để nước từ thùng chứa số 6 chảy vào khoang hầm tàu vốn được chế tạo để đo lượng nước thâm nhập-10 lít một phút, nước trong khoang hầm theo định kỳ được máy bơm nước bơm ra ngoài tàu. Ngoài việc đó ra tôi cũng quyết định cho tàu nổi lên để thử bít lại chỗ hở (khe nứt) trên ống cáp thùng chứa số 6.

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
 

Vào lúc 15h20 phút, chúng tôi nổi lên, quay máy nâng cao thùng chứa số 5 và số 6 và nhóm chuyên gia kỹ thuật bắt đầu xem xét ống cáp thùng chứa số 6. Mười phút sau tại đường chân trời đã thấy bóng 2 tàu đánh cá Nhật Bản, chúng tôi chuyển hướng tránh xa chúng, vào 15h35 phút, ghi nhận tín hiệu của đài vô tuyến định vị AN/APS-20 trên máy bay chống ngầm "Neptune" (tức P2 "Neptune") của Mỹ: tín hiệu yếu.

Tôi ra lệnh tạm thời lặn xuống và tránh máy bay. Trưởng ban 2 thiếu tá Tsimbalenko và trưởng ban 5 trung tá Baiburin M.S. báo cáo rằng sau khi kiểm tra thấy mọi việc vẫn tốt, như vậy có nghĩa là khiếm khuyết này không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Ba mươi phút sau nước lại chảy vào qua van xả khoang số 7. Tôi quyết định lại nổi lên một lần nữa để sửa chữa. Trưởng ban 5 trung tá Baiburin M.S. đề nghị phủ mặt bích lại bằng lớp băng gắn keo epoxy. Lúc 20h00 chúng tôi nổi lên để tiến hành làm theo đề nghị đó, đồng thời qua radio điện báo về bờ tình trạng nước chảy vào thùng chứa số 6.

Chúng tôi nhận được tin trinh sát: "Các tàu sân bay xung kích "Coral Sea", "Kitty Hawk", "Constellation" đang ở cách Đà Nẵng 190 dặm về phía bắc. Tàu sân bay xung kích "Midway" đang ở phía đông Sài Gòn với sự hộ tống của 47 tàu chiến khác.

Trong một ngày đêm từ các tàu sân bay trên đã có 369 phi vụ được thực hiện, trong số đó các phi vụ tấn công là 279. Trong thời gian một ngày đêm vừa qua, các tàu sân bay và các máy bay ném bom Mỹ đã hai lần dùng pháo hạm bắn phá và dùng máy bay ném bom tấn công các công trình bến cảng tại Hải Phòng và Cẩm Phả, đảo Cát Bà và bán đảo Đồ Sơn, kết quả của những cuộc oanh tạc đó là tàu chở hàng Xô viết "G.Akopian" tại cảng Cẩm Phả đã bị bắn cháy. Tàu sân bay đổ bộ chở máy bay lên thẳng "Okinawa" trong thành phần nhóm tàu tác chiến thủy bộ đang ở cách Đà Nẵng về phía bắc 180 dặm."

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
 

David Minton viết tiếp: "Trong hai ngày tiếp sau, tàu ngầm Xô Viết thường đi chậm lại và một thời gian dài đi ngầm ở độ sâu khả dụng của kính tiềm vọng, có lẽ là đang nhận mệnh lệnh cụ thể từ Bộ chỉ huy Hải quân.

Trong thời gian lắng nghe Echo-2, con tàu Guardfish cũng giảm tốc độ để mở thật rộng âm vực hoạt động của hệ thống sonar. Thủy thủ đoàn rất ngạc nhiên và bối rối khi phát hiện ra ít nhất có thể là 2, mà cũng có thể là có đến 3 tàu ngầm Xô Viết nữa có mặt trong khu vực này.

Một tàu ngầm mà theo dõi 3 tàu ngầm là vấn đề rất phức tạp, nếu phải theo dõi đến 4 tàu ngầm khác thì đơn giản là không thể. Nhóm quân nhân theo dõi của tàu Guardfish đang tập trung mọi nỗ lực để giữ được kiếm soát với tàu ngầm Echo-2 mà họ có thể phân biệt bằng thị giác."

Ngày 12 tháng 5. Nước lại xâm nhập từ ống cáp của thùng chứa vũ khí tên lửa số 6 qua van xả vào khoang số 7. Vì việc này tôi quyết định tiếp tục bơi ở độ sâu không quá 80m. Vào lúc 6h00 chúng tôi đi qua đảo Ulyndo. Lúc 12h00 nổi lên ở chiều sâu khả dụng kính tiềm vọng để xác định vị trí.

Tại đường chân trời, ở các phương vị 1200-2500, khoảng cách 7 dặm là gần 50 thuyền đánh cá Nhật Bản. Trưởng ban 1 (hoa tiêu) thiếu tá hải quân Voronin V.báo cáo rằng có tiếng dội từ máy đo sâu. Cùng với hoa tiêu, tôi xác định vị trí theo Mặt Trời và "Loran A và C". Vào 16h34 phút vọng lại một loạt tiếng dội và chúng tôi may mắn đi ngang qua dải đá ngầm ở chiều sâu từ 9 đến 30m.

........

David Minton viết tiếp: " Bằng cách đó, khi Echo-2 vẫn tiếp tục hành trình rời biển Nhật Bản đi về phía Đông Nam, tôi với tư cách hạm trưởng (Guardfish) cần phải quyết định 2 vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, việc phát hiện 3 mà có thể đến 4 tàu ngầm Xô viết có đáng để (Guardfish) ngừng phát sóng liên lạc radio không? Vấn đề quan trọng trước hết khi thực hiện giám sát hoạt động của tàu ngầm là làm sao có thể cảnh báo sớm nhất về trường hợp bố trí bất thường này của các tàu ngầm quân sự Xô Viết.

Kiểu tin tình báo "khẩn cấp" như thế , trước đây chưa bao giờ được tôi gửi đi, tôi quyết định ngay lập tức truờng hợp này, khi mà Guardfish còn có thể phá vỡ im lặng, thông báo về tình thế cho Tổng tư lệnh của mình. Thứ hai, Guardfish có nên chấm dứt sự giám sát tại biển Nhật Bản và bám theo tàu ngầm Xô Viết kia (K-184) hay không. Lệnh từ Bộ chỉ huy (Mỹ) đối với vấn đề này - vẫn im lặng.

Nhưng có lẽ Tổng tư lệnh muốn biết-người Xô Viết đi đâu. Vì không đủ thời gian để chờ lệnh nữa, tôi đành nói một câu phương ngôn với Tổng tư lệnh của chúng tôi: "Yếu đuối thì không thể thành anh hùng" và chúng tôi bám theo dấu vết.

Ngày 13 tháng 5. Mây mù cấp 10, tầm nhìn xa 2-5 dặm, biển động cấp 3-4. Chúng tôi đã đến gần eo biển Triều Tiên, còn cách đảo Okinoxima 15 dặm. Chúng tôi xác định vị trí theo đài vô tuyến định vị ở chế độ đơn công, hành trình đang tiếp tục ở độ sâu 50m, vận tốc 12 hải lý. Chúng tôi vẫn kiểm tra vị trí một cách có hệ thống qua tiếng dội (từ đài đo sâu). Chúng tôi đã đi vào Biển Đông, nước biển đã ấm hơn +220...."

Ngày 14 tháng 5. Chúng tôi đang đi trong biển Hoa Đông và đã tới gần khu vực có dòng hải lưu Kuro-Sivo chảy với vận tốc đến 2,5 hải lý. Trợ lý hạm trưởng thiếu tá Saipov L.V báo cáo về những nhận xét chưa được trong khi kiểm tra trực chiến tại các khoang trên tàu và đề nghị của mình về việc khắc phục chúng trong các phiên gác tiếp sau.

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
 

Ngày 15 tháng 5. Chúng tôi đã đi vào biển Philippines. Điện tín đến, trong đó, trong mệnh lệnh tác chiến người ta giao cho chúng tôi khu vực số 1 trong số các thủy lộ dẫn vào vịnh Bắc Bộ. Cấu trúc khu vực này trông giống như nắp quan tài.

Tàu ngầm "K-45" được giao khu vực số 2, khu vực này có nhiều bãi cạn và doi cát ngầm. Chỉ thị ban ra là sẵn sàng sử dụng vũ khí thông thường theo mệnh lệnh và để tự vệ. Đêm về, chúng tôi nhận được tin chính trị "Sỹ quan Kuzmin lên án hành động xâm lược Việt Nam của Hoa Kỳ". Đó là tin "tối quan trọng" với tàu ngầm.

David Minton viết: "Theo dõi là một nhiệm vụ rất phức tạp. Để không bị phát hiện, tàu ngầm cần phải có một vị trí tiếp xúc thích hợp, vận tốc và hướng xác định theo sonar thụ động. Việc đo khoảng cách theo sonar thụ động đòi hỏi Guardfish phải thường xuyên cơ động để nhận được phương vị biến đổi nhằm duy trì vị trí tiếp xúc (để theo dõi, kiểm soát nhưng không bị phát hiện bởi người bị theo dõi).

Quá gần-anh có thể bị phát hiện, nhưng quá xa anh sẽ mất tiếp xúc (mất dấu). Những động tác cơ động này thường tiến hành ở trong khu vực không nghe được tiếp xúc, khu vực "chết" sau đuôi tàu. Thực tế là từng giờ, Echo-2 lại đổi hướng để nghe ngóng khu vực này (xem có bị bám đuôi hay không).

Thỉnh thoảng đó là những cú ngoặt thụ động 90 độ để hệ thống sonar của họ có thể nghe được tất cả những gì diễn ra sau con tàu của mình, đôi lúc họ lại chủ động quay 180 độ và đi theo hướng ngược lại đâm thẳng về phía Guardfish. Động tác này vô cùng nguy hiểm và đe dọa gây ra va chạm.

Khi khoảng cách giữa chúng tôi rút ngắn lại, Echo-2 có cơ may thực tế phát hiện ra Guardfish. Bất kể khi nào Echo-2 thực hiện kiểm tra vùng không nghe được, Guardfish cần phải đoán trước được Echo-2 sẽ quay hướng nào, nhằm bám theo một cách vô hình tàu ngầm Xô Viết từ phía đối diện.

Để làm được điều này, Guardfish cần ngay lập tức giảm tốc độ, cố gắng giảm tiếng ồn xuống mức thấp hơn nữa nếu có thể nhằm đủ thời gian và khoảng cách cho Echo-2 quay về hướng cũ.

David Minton viết: "Ở Washington, người ta yêu cầu gửi báo cáo tình hình, để họ có thể xác định mức độ đe dọa xuất phát từ các lực lượng vũ trang Xô viết và ý đồ của người Xô viết. Tổng thống Nixon và cố vấn an ninh quốc gia hàng ngày đều nhận được các bản phúc trình. Do điện tín truyền từ tàu Guardfish có thể được truyền trên tần số cao công suất lớn, nên khả năng bị hệ thống chặn giữ điện tử của người Xô viết ghi nhận được là có và lúc đó vị trí của tàu ngầm (Mỹ) sẽ bị lộ, vì vậy phải sử dụng phương pháp liên lạc đảo pha.

Máy bay P3 của lực lượng chống ngầm đã thực hiện một số phi vụ bí mật bay tới vị trí giả định là nơi có Guardfish và nhận những tin tình báo ngắn gọn trên tần số siêu cao của sóng radio từ Guardfish, khi này đang bơi ở chiều sâu khả dụng của kính tiềm vọng, hoặc là với sự giúp đỡ của các phao thả không lớn, có những thiết bị nhỏ có nguồn tự nuôi, được lập trình cho việc truyền các thông báo kích thước nhỏ và cho các nguồn tín hiệu phát qua ejektor, trong lúc Guardfish đang bơi ở độ sâu theo dõi.

Trong thời gian theo dõi này, bất kỳ tàu ngầm nào đang ở trên Thái Bình Dương sẽ theo thời hạn mà chuyển vị trí nhằm đảm bảo an toàn cho các tàu sân bay đang hoạt động gần duyên hải Việt Nam, cũng như để dò tìm các tàu ngầm Xô Viết. Điều đó tạo thành một vấn đề chung, đối với bản thân tàu ngầm Guardfish, cũng như đối với bộ chỉ huy chiến dịch này.

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
 

Ngày 16 tháng 5. Chúng tôi tiếp tục đi tới khu vực trách nhiệm, sau khi vượt qua đảo Okinawa chúng tôi chỉ có hai lần nổi lên vào phiên liên lạc vô tuyến. Tôi gọi vào phòng chỉ huy trung tâm trưởng ban 2 thiếu tá Tsimbalenko V.I., trong số các sỹ quan trực ban, anh là người được huấn luyện tốt nhất, am hiểu công việc nhất, chuyên môn vũ khí tên lửa-pháo của mình anh nắm vững đến mức hoàn hảo. Anh ấy báo cáo rằng, thùng chứa số 6 hiện ở tình trạng bình thường, sự rò nước qua ống cáp không phát triển thêm nữa.

Ngày 17 tháng 5. Biển động cấp 3, gợn sóng, sương mù và mưa rào nhiệt đới. Chúng tôi nổi lên ở độ sâu khả dụng kính tiềm vọng để xác định vị trí trước khi vượt qua eo biển Bashi. Chúng tôi xác định vị trí theo phương pháp "Loran A và C", cùng với sự giúp đỡ của Đài vô tuyến định vị. Tin trinh sát: "Tuần dương hạm và các khu trục hạm đã rời vịnh Bắc Bộ đi về hướng Sài Gòn. Nixon chuẩn bị ngày 25 tháng 5 đến Moskva để thương lượng. Cường độ các hoạt động quân sự tại Việt Nam đã giảm đáng kể."

Cuộc truy đuổi giữa tàu ngầm Mỹ và tàu ngầm Liên Xô
Tổng thống Nixon đã không lường được sự ngoan cường của người Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống xâm lược

David Minton viết: " Một lần khi đang ở biển Philippines, Echo-2 ngoặt sang hướng tây-nam, về phía eo Bashi giữa đảo Đài Loan và các đảo phía bắc Luzon, Philippin. Eo biển Bashi thường được sử dụng làm thủy đạo bắc để vào biển "Nam Trung Hoa" (Biển Đông) và tôi thì tin tưởng rằng đó chính là đích đến của tàu ngầm Xô Viết nhưng chiếc tàu lại quay chếch về hướng nam nhiều hơn so với hướng đi thông thường.

Echo-2 giảm tốc độ, nổi lên ở độ sâu kính tiềm vọng, rồi lại di chuyển rất nhanh, định hướng theo tiếng dội từ đài đo độ sâu, đài này làm việc trong một âm vực ngắn, không được phép ở độ sâu này. Tàu ngầm đã biến mất. Trong khi ở độ sâu kính tiềm vọng, tàu ngầm xác định rất rõ vị trí của mình, bởi vì sau đó nó lặn xuống sâu, quay về hướng eo Bashi và tăng tốc độ lên 16 hải lý.

Sau khi tin tình báo về sự chuyển hướng nhanh chóng này được truyền đi nhờ các phao tiêu, Guardfish cố gắng lao theo tàu ngầm Xô Viết khi biết rằng việc đảo vị trí của các tàu ngầm Mỹ là không thể, vì thời gian sau khi truyền thông báo còn lại rất ít. Để tránh va chạm với các tàu ngầm Mỹ khác, Guardfish chuyển sang độ sâu 100m, là độ sâu mà các tàu ngầm Xô Viết hay sử dụng, vì như tôi biết, nhằm tránh các tàu ngầm Mỹ. Mối e ngại của tôi tỏ ra đúng đắn khi mà Guardfish phát hiện ra một tàu ngầm Mỹ đang đi về phía bắc với tốc độ lớn.

Ngày 18 tháng 5. Trưởng ban Kỹ thuật thông tin liên lạc vô tuyến thiếu tá hải quân Tereshenko V.F. báo cáo kiến giải của mình về việc săn tìm các tàu mặt nước và tàu ngầm của đối thủ tiềm năng tại khu vực trách nhiệm-khu vực số 1, cũng như tình hình hải văn chờ đợi ở khu vực này, về các biện pháp ngụy trang tàu ngầm trước lực lượng săn ngầm của đối thủ.

Xem thêm:

Truy đuổi tàu ngầm ở Biển Đông (III)

                           

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại