Tàu sân bay của Mỹ trở thành mục tiêu ngắm bắn
Ngày 24/10, Liên hợp quốc lần thứ 2 đưa ra hiệp nghị ngừng bắn nhưng cũng không ngăn được chiến sự leo thang. Nụ cười chiến thắng bắt đầu nở trên môi người Ixraen.
Là nước bạn bè của thế giới Arập, Liên Xô không thể đứng nhìn. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev lập tức trực tiếp gọi điện thoại cho Tổng thống Mỹ Nixon, nhấn mạnh Ixraen đã đi ngược lại Nghị quyết số 338 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời đưa ra kiến nghị: Liên Xô và Mỹ phối hợp bố trí lực lượng gìn giữ hòa bình ở giới tuyến ngừng bắn (do Ai Cập yêu cầu thiết lập).
Thậm chí nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô còn tuyên bố, nếu Oasinhtơn cự tuyệt đề nghị này, Mátxcơva sẽ đơn phương hành động, không ngại can dự vào cuộc chiến tranh Trung Đông để cưỡng chế ngừng bắn.
Đối với phía Mỹ, điều làm Nhà Trắng và Lầu Năm góc cảm thấy bất an nhất chính là việc Liên Xô tăng cường binh lực tại Địa Trung Hải. Theo những tin tức tình báo mà Oasinhtơn có được, khi đó Liên Xô đã bố trí ở Địa Trung Hải 88 chiếc tầu chiến, ngay trong đòn tấn công đầu tiên có thể phóng tới 40 quả tên lửa chống hạm nhằm vào 40 mục tiêu khác nhau.
Không dừng lại, Liên Xô tiếp tục điều động thêm tầu chiến ở nơi khác đến tăng viện cho tiểu hạm đội Địa Trung Hải và đặt 7 sư đoàn đổ bộ đường không (15 vạn quân) đang đóng tại Ucraina trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tư lệnh hải quân Liên Xô Gorshkov thậm chí còn công khai tuyên bố đã ra lệnh cho lực lượng thủy quân lục chiến nước này sẵn sàng đổ bộ lên bờ biển Ixraen nhằm giải cứu tập đoàn quân số 3 của Ai Cập đang nằm trong vòng vây của Ten Avíp.
Tình hình Địa Trung Hải căng như dây đàn khi Mátxcơva quyết định điều động một biên đội tàu mặt nước lên đường đến cảng Said (Ai Cập) và phái hàng loạt máy bay trinh sát khu vực xảy ra chiến sự. Dường như người Liên Xô muốn giành lại cảng Said từ tay Ixraen.
Liên Xô dự tính: nhằm ngăn chặn hành động can dự của Mátxcơva, Hạm đội 6 của Mỹ có thể sẽ ra đòn phủ đầu nhằm vào các tầu chiến của nước này ở Địa Trung Hải, nên đã ra lệnh tăng cường tầu chi viện trang bị tên lửa chống hạm cho cụm tầu chiến đấu hải quân của Liên Xô đóng ở phía nam đảo Crete.
Dưới sự hộ tống của 1 tầu khu trục trang bị tên lửa lớp Kashin và 1 tầu khu trục trang bị pháo hạm lớp Kotlin, tầu tuần dương Grozny gia nhập lực lượng theo dõi cụm tầu chiến đấu sân bay Independence (CV 62) của Mỹ (lực lượng này trước đây chỉ có tầu trang bị pháo hạm).
Ở khu vực biển gần đảo Crete vào thời điểm đó, Liên Xô đã tập kết được 2 tầu tuần dương trang bị pháo hạm, 8 tầu khu trục lớp Kashin trang bị tên lửa và 2 tầu khu trục lớp Kotlin trang bị pháo hạm.
Ở phía bắc cảng Said, Liên Xô bố trí 4 tầu đổ bộ loại lớn lớp Crocodylia và 5 tầu đổ bộ cỡ trung bình (tất cả đều chở đầy lực lượng đổ bộ đường biển), 1 tầu khu trục trang bị tên lửa, một số tầu khu trục trang bị pháo hạm và tầu quét lôi. Nhiệm vụ hộ tống được giao cho tầu hộ vệ lớp Riga.
Chưa yên tâm, Mátxcơva tiếp tục điều động thêm hai chiếc tầu đổ bộ từ Biển Đen mang theo 1.000 lính thủy quân lục chiến cùng trang bị vũ khí khởi hành tới Địa Trung Hải. Ngoài ra, 5 chiếc tầu ngầm khác cũng được lệnh tới Địa Trung Hải, đưa tổng số tầu ngầm của Liên Xô khi đó ở Địa Trung Hải lên tới 28 chiếc.
Ngày 25/10, sau một cuộc họp khẩn cấp kéo dài suốt đêm, Nhà Trắng đã đưa ra câu trả lời đanh thép cho đề nghị của Brezhnev: đặt tất cả các lực lượng vũ trang trong tình trạng chuẩn bị chiến tranh cấp độ 3 (thời đó Mỹ có 5 cấp độ chuẩn bị chiến tranh).
Cả thế giới sửng sốt rồi lo lắng.
Thực hiện mệnh lệnh của Nhà Trắng, Hội đồng tham mưu liên quân Mỹ ra lệnh cho hai cụm tầu sân bay đang ở phía tây Eo biển Gibraltar là Kennedy và Roosevelt tiến đến Địa Trung Hải hội quân với cụm tầu sân bay Independence.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng yêu cầu lực lượng không quân của hải quân nước này ngừng thực thi nhiệm vụ chi viện cho các hoạt động vận tải đường không của Ixraen, đồng thời ra lệnh cho tất cả các tầu chiến ngoài 2 biên đội bảo vệ tuyến đường trên biển ra, lập tức gia nhập cụm tầu sân bay Independence (CV 62) và Franklin D. Roosevelt (CV 42).
Rõ ràng, những cuộc trao đổi điện thoại giữa Brezhnev và Nixon đã không đem lại kết quả tích cực. Không chùn bước, nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô liền gửi công hàm chính thức phản đối kịch liệt hành động của Mỹ. Cảm nhận được lập trường cứng rắn của Mátxcơva, ông chủ Nhà Trắng bắt đầu lo ngại và cảm thấy Liên Xô hoàn toàn có thể sử dụng tên lửa hạt nhân để dằn mặt Ten Avíp.
Sau khi được Mỹ cho biết ý đồ của Liên Xô và kiên quyết yêu cầu chấm dứt hành động quân sự, cuối cùng, Ixraen đã phải đồng ý ngừng bắn. Kế hoạch đổ bộ lên Kênh đào Suez của Hồng quân Liên Xô vì thế cũng bị hủy bỏ vào phút cuối. Chiều 25/10, Liên Xô đồng ý bố trí ở giới tuyến ngừng bắn một lực lượng gìn giữ hòa bình không có sự tham gia của quân đội hai siêu cường.
Cho dù như vậy, Mátxcơva vẫn ra lệnh cho các tầu chiến của mình có mặt ở Địa Trung Hải tiến hành diễn tập tấn công tầu sân bay với quy mô lớn. Mật độ và phương thức thao diễn của cuộc diễn tập này khiến người Mỹ vô cùng lo lắng bởi trong tập trận tất cả các hoạt động tác chiến trên biển của Liên Xô đều trực tiếp lấy tầu sân bay Mỹ làm mục tiêu ngắm bắn.
Đứng trước kế hoạch tác chiến tận diệt của Hồng quân Liên Xô, Lầu Năm góc quả thực không tìm ra được biện pháp nào đối phó hữu hiệu. Cục trưởng Cục tác chiến hải quân Mỹ lúc bấy giờ là Thượng tướng Elmore đã thốt lên một cách bi quan: “Nếu chiến tranh bùng phát, chúng ta có thể sẽ mất toàn bộ số tầu chiến ở phía đông Địa Trung Hải”.
Ai là người tháo ngòi nổ?
Chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 kết thúc, nhưng không vì thế mà cuộc đối đầu trên Địa Trung Hải giữa Liên Xô và Mỹ lắng dịu. Do hải quân Mỹ không chịu rút những tầu chiến tăng viện cho Hạm đội 6, nên hải quân Liên Xô vẫn tiếp tục tăng cường binh lực cho tiểu hạm đội Địa Trung Hải.
Ngày 26/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James R.Schlesinger tuyên bố dỡ bỏ tình trạng chuẩn bị chiến tranh cấp độ 3. Tuy nhiên, quyết định này không đặt Hạm đội 6 trong phạm vi điều chỉnh. Binh lính và vũ khí trang bị thuộc Hạm đội 6 vẫn nằm trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.
Cũng trong ngày 26/10, tư lệnh tiểu hạm đội Địa Trung Hải ra lệnh bắt đầu cuộc diễn tập chống tầu sân bay cường độ cao mà mục đích của nó không ngoài việc tập luyện kỹ năng tấn công tầu sân bay. Tất cả các tầu chiến của Mỹ đang có mặt ở Địa Trung Hải trở thành mục tiêu mô phỏng trong cuộc diễn tập này của tiểu hạm đội Địa Trung Hải.
Ngày 29/10, biên đội chống tầu sân bay số 4 của Liên Xô do tầu tuần dương trang bị tên lửa Grozny chỉ huy tiến vào Địa Trung Hải, từ ngày 31/10 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ theo dõi tầu sân bay John F. Kennedy (CV 67) của Mỹ. Trong khi đó, nhiệm vụ theo dõi tầu sân bay trực thăng USS Iwo Jima (LPH 2) được giao cho biên đội chống tầu sân bay số 5.
Ngoài ra, Mátxcơva còn ra lệnh cho tầu khu trục hộ tống hai chiến hạm trang bị tên lửa hiện đại nhất của hải quân Liên Xô lúc bấy giờ là tầu hộ vệ lớp Nanuchka (loại 1234) tới Địa Trung Hải. Ngay trong lần ra mắt này, tầu hộ vệ lớp Nanuchka đã phải gánh vác nhiệm vụ nặng nề: gia nhập biên đội chống tầu sân bay. Như vậy, tính đến ngày 31/10, tổng số tầu chiến của tiểu hạm đội Địa Trung Hải đã lên tới 96 chiếc, trong đó có 34 tầu mặt nước và 23 tầu ngầm, tạo nên mối đe dọa nghiêm trọng đối với các lực lượng Mỹ có mặt ở Địa Trung Hải.
Về phía Mỹ, lúc này ở Địa Trung Hải, Lầu Năm góc bố trí 60 chiếc tầu chiến, chủ yếu là loại tấn công, trong đó đáng chú ý là 3 tầu sân bay, 2 tầu sân bay trực thăng (đã nêu ở trên) và 9 tầu ngầm. Rõ ràng, nếu xem xét trên góc độ tương quan so sánh lực lượng, người Mỹ đang ở thế bất lợi và ngày càng trở nên suy yếu trước sự gia tăng binh lực của Liên Xô. Do đó, Lầu Năm góc quyết định lựa chọn phương án tối ưu: đánh đòn phủ đầu trong trường hợp xung đột không thể tránh khỏi.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ khi đó, với thực lực của mình, ngay trong đợt tấn công đầu tiên, tiểu hạm đội Địa Trung Hải có thể phóng tới 88 quả tên lửa, chủ yếu nhằm vào 3 tầu sân bay của Mỹ là Independence (CV 62), Franklin D.Roosevelt (CV 42), John F. Kennedy (CV 67) và 2 tầu sân bay trực thăng là USS Iwo Jima (LPH 2), USS Guadalcanal (LPH 7).
Tất cả các tầu chiến của tiểu hạm đội Địa Trung Hải đều đã sẵn sàng và chỉ đợi hiệu lệnh tấn công là hành động. Ở khoảng cách không xa so với tầm với của pháo hạm và tên lửa là toàn bộ lực lượng của Hạm đội 6 cũng đang căng lên như dây đàn. Áp lực lên tới đỉnh điểm. Bóng ma của một cuộc huyết chiến trên Địa Trung Hải giữa Liên Xô và Mỹ dường như đã ló dạng.
May mắn thay điều đó đã không xảy ra. Vào phút cuối, Oasinhtơn phát đi tín hiệu hòa hoãn bằng quyết định ra lệnh cho các cụm tầu sân bay của Hạm đội 6 rời khỏi phía nam đảo Crete đi về hướng tây. Mức độ căng thẳng nhanh chóng giảm xuống. Đáp lại thiện ý của phía Mỹ, từ ngày 3/11, Liên Xô cho khởi động tiến trình rút tầu chiến ra khỏi khu vực biển này. Địa Trung Hải trở về với sự êm đềm vốn có của nó.