Bộ đôi chiến hạm Mỹ giám sát Triều Tiên đáng gờm tới mức nào?

Sau khi tàu khu trục USS John S. McCain được đưa tới vùng biển quốc tế sát lãnh hải Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục điều thêm tàu khu trục tên lửa USS Decatur tới giám sát động thái của Triều Tiên.

Tuy làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên nhưng phía Mỹ và đồng minh Hàn Quốc cho rằng, sự hiện diện của cặp đôi chiến hạm này thực sự cần thiết cho sự an toàn của Mỹ và các đồng minh.

USS John S. McCain

USS John S. McCain (DDG-56) là tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ. Nó là một phần của Hạm đội 7, đóng tại căn cứ Hải quân Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản. USS John S. McCain được hạ thủy ngày 2/7/1994 tại Bath Iron Works. Đích thân Tổng thống Mỹ George HW Bush (Bush cha) đã chủ trì buổi lễ biên chế USS John S. McCain.

USS John S. McCain (DDG-56).

Góp mặt trong biên chế Hải quân Mỹ gần 20 năm, USS John S. McCain đã đóng góp những chiến tích không nhỏ. Tháng 1/2003, John S. McCain được triển khai tới vịnh Ba Tư với trọng trách to lớn trong cuộc chiến tranh xâm lược Iraq. Không chỉ nổ phát súng đầu tiên mở màn cuộc chiến, USS John S. McCain còn phóng đi tổng số 39 tên lửa đối đất trong toàn bộ chiến dịch.

Sau khi rời vịnh Ba Tư, USS John S. McCain trở về Đông Bắc Á để làm nhiệm vụ. Trong tháng 6/2009, chiến hạm này va chạm với tàu ngầm Trung Quốc gần vịnh Subic nhưng cả 2 phía đều cho rằng đây là “vụ việc vô tình”. Cùng tháng, USS John S. McCain đã tiến hành chặn một tàu chở hàng từ Triều Tiên tới Myanmar bởi lo ngại nó chuyên chở vũ khí. Trong năm 2011, USS John S. McCain cũng tham gia vào chiến dịch giải quyết hậu quả động đất kèm theo sóng thần ở Nhật Bản.

Do là tàu chiến thuộc lớp Arleigh Burke, USS John S. McCain sở hữu đầy đủ khả năng tác chiến hoàn hảo của lớp chiến hạm này. Theo đó, các chiến hạm lớp Arleigh Burke sở hữu chiều dài 154 m, nơi rộng nhất đạt 20 m. Với 4 động cơ cực khỏe tương đương 100.000 sức ngựa, các tàu lớp này di chuyển với vận tốc 30 hải lý/h (56 km/h).

Tàu USS John S. McCain bắn tên lửa.

Các tàu thuộc lớp Arleigh Burke có độ choán nước tối đa lên tới 8.900 tấn và tầm hoạt động đạt 8.100 km với vận tốc trung bình 37 km/h. Phi hành đoàn của USS John S. McCain bao gồm 281 người với 33 sĩ quan chỉ huy. Là lớp tàu khu trục tên lửa dẫn đường, vũ khí là phần không thể quên khi nhắc đến các tàu lớp Arleigh Burke.

Trên thực tế, các tàu thuộc lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tối tân nhất thế giới, cho phép nó đánh chặn 80% tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở mọi độ cao, đồng thời phát hiện tất cả những mối nguy trên bề mặt hoặc dưới biển. Aegis là sự kết hợp thông qua vệ tinh của toàn bộ những thiết bị phức tạp Mỹ đang sử dụng trên quy mô toàn thế giới để tạo ra hệ thống chiến đấu toàn diện.

Trực thăng SH-60 Sea Hawk hạ cánh trên tàu lớp Arleigh Burke.

Chính vì vậy, hệ thống cảm biến và xử lý của các tàu lớp Arleigh Burke thực sự nổi bật với radar 3D AN/SPY-1D, radar tìm kiếm bề mặt AN/SPS-67(V)2 và AN/SPS-73(V)12, thiết bị dò Sonar AN/SQS-53C, AN/SQR-19 và hệ thống xử lý tín hiệu sonar AN/SQQ-28 LAMPS III cho phép nó xác định được mọi kẻ địch trên không, trên bề mặt và dưới mặt nước. Bên cạnh đó, hệ thống chiến tranh điện tử AN/SLQ-32(V)2, hệ thống đối phó AN/SLQ-25 Nixie, hệ thống đánh lạc hướng MK 36 MOD 12 còn giúp Arleigh Burke giành được lợi thế trước kẻ thù.

Về cơ số vũ khí, Arleigh Burke được trang bị giàn phóng tên lửa thẳng đứng MK-41, cho phép nó triển khai 90 tên lửa các loại bao gồm tên lửa đối không RIM-156 SM-2, tên lửa hành trình đối đất BGM-109 Tomahawk hoặc tên lửa chống ngầm RUM-139 VL-Asroc. Ngoài ra, nó còn được trang bị pháo bắn nhanh Mark 45 cỡ nòng 127/54mm, 2 súng máy phòng không cỡ nòng 25mm, 4 súng máy M2 Browning cỡ nòng 12,7mm và 2 súng máy được điều khiển bằng radar cỡ nòng 20mm.

Ống phóng ngư lôi trên chiến hạm lớp Arleigh Burke.

Ngoài ra, Arleigh Burke còn được trang bị 2 hệ thống phóng ngư lôi Mk-32 với 3 ống phóng/bệ. Đảm trách các nhiệm vụ khác, chiến hạm lớp Arleigh Burke còn được trang bị một chiếc trực thăng SH-60 Sea Hawk, cất và hạ cánh từ sân đỗ được thiết kế phía sau các tàu.

USS Decatur

Chiến hạm USS Decatur (DDG-73).

Giống với USS John S. McCain, USS Decatur (DDG-73) cũng là một trong những chiến hạm thuộc lớp Arleigh Burke. Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/1998, USS Decatur đã nhiều lần tham dự tập trận chung Mỹ - Hàn hay Mỹ - Nhật Bản. Năm 2000, USS Decatur mang theo tên lửa hành trình Tomahawk tới tập trận trên biển Hoàng Hải.

Sau khi hoàn tất tập trận với Hàn Quốc, USS Decatur ghé thăm Nhật Bản, đi qua eo biển Đài Loan, tới thăm Hong Kong trước khi tiến vào Biển Đông để tập trận chung với Philippines. Năm 2003, USS Decatur cũng được điều tới vịnh Ba Tư để hỗ trợ quân đội Mỹ tấn công xâm lược Iraq. Năm 2008, USS Decatur giành khá nhiều thời gian ở khu vực hoạt động của Hạm đội 7 trước khi tiến vào khu vực của Hạm đội 5 để làm nhiệm vụ.

 
 

Các chiến hạm lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, giúp đánh chặn hiệu quả từ xa tên lửa của đối phương.

Do cùng thuộc lớp Arleigh Burke nên sức mạnh tác chiến của USS Decatur hoàn toàn không có gì khác biệt so với USS John S. McCain. Tuy nhiên, sức mạnh phòng thủ tên lửa mà bộ đôi này mang lại sẽ khiến Bình Nhưỡng đau đầu nếu muốn tấn công các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay những khu vực xa hơn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại