Biển Đông: Không quân Israel đáng để Việt Nam học hỏi

Hà Dũng |

Trước hệ thống radar và tên lửa phòng không phi pháp của TQ ở Hoàng Sa và Trường Sa, Không quân Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống tập kích đường không trên Biển Đông.

Công nghệ điện tử “hàng không đối đất” tối tân

Hiện nay, Israel là một trong những nước có nền công nghiệp quốc phòng hết sức phát triển. Đất nước có dân số nhỏ bé khoảng 9 triệu dân này luôn nằm trong top các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Theo số liệu chính thức của Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Quốc phòng Israel, tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí năm 2012 là 7,47 tỷ USD, năm 2013 là 6,54 tỷ USD, năm 2014 là 5,5 tỷ USD.

Các sản phẩm nổi tiếng của nền công nghiệp quốc phòng Israel là các loại súng trường, tên lửa có điều khiển, pháo phản lực, UAV, đặc biệt là các loại vũ khí không đối đất và hệ thống điện tử hàng không cho nhiệm vụ trinh sát, chế áp điện tử.


Máy bay Su-30MKI và pod khí tài gây nhiễu EL/M-8222 (ảnh nhỏ)

Máy bay Su-30MKI và pod khí tài gây nhiễu EL/M-8222 (ảnh nhỏ)

Khí tài gây nhiễu EL/M-8222, trinh sát đường không EL/M-2060P của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel (IAI) và màn hình hiển thị chính diện SU967 của Công ty các hệ thống quang điện tử Elbit - Israel đang được sử dụng trên các máy bay Su-30MKI, Su-30MKA.

Không phải ngẫu nhiên mà các hệ thống tác chiến điện tử hàng không này được lựa chọn lắp ráp trên các máy bay hiện đại Su-30 thay cho khí tài do Nga sản xuất.

Khắc tinh của các hệ thống phòng không xuất xứ từ Nga (Liên Xô)

Israel có mối quan hệ thù địch với rất nhiều nước trang bị hệ vũ khí Liên Xô – Nga. Chính vì vậy, Israel rất chú trọng nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí, khí tài nhằm đối phó với các loại vũ khí thuộc hệ vũ khí Liên Xô – Nga.

Qua nhiều thập kỷ thu thập, nghiên cứu, phát triển và cả thử nghiệm thực chiến, có thể nói rằng vũ khí của Israel xứng đáng với vị trí “đạt hiệu quả cao nhất” khi đối phó với các hệ vũ khí Liên Xô – Nga.

Trong cuộc chiến tranh 6 ngày (5 đến 11 tháng 6 năm 1967) giữa Liên quân Ai Cập - Syria với Israel, quân đội Ai Cập đã tháo chạy khỏi sa mạc Sinai, bỏ lại hơn 20 bộ khí tài S-75A.

Những bộ khí tài này đã được các chuyên gia vũ khí Mỹ và Israel nghiên cứu để áp dụng các vũ khí điện tử đối phó. Điều đó đã gây ra nhiều khó khăn cho tên lửa SAM-2 tại Việt Nam, buộc Liên Xô và Việt Nam phải tiến hành nhiều cải tiến.

Gàn đây nhất, hồi tháng 4/2015, theo hãng tin Reuters, Israel đã có cuộc tập trận với Hy Lạp nhằm mục đích chống lại tổ hợp S-300.

Israel đã triển khai một lực lượng bao gồm 10 máy bay F-16I từ 4 đội bay khác nhau. Phía Hy Lạp đã huy động 2 tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của nước này vào cuộc tập trận.

Mặc dù Bộ Tổng tham mưu Không quân Hy Lạp sau đó đã bác bỏ thông tin cuộc tập trận nhằm đối phó S-300 nhưng thông qua dịp này, Israel chắc hẳn đã nắm được ít nhiều thông tin kĩ thuật của hệ thống này và thử nghiệm khí tài tác chiến điện tử phù hợp.

Vì vậy, việc đối phó với các phiên bản “sao chép” như HQ-9 Trung Quốc không phải là điều khó khăn đối với Israel.

Chưa kể đến các thông tin tình báo do tổ chức lừng danh Mossad của Israel thu thập được sẽ giúp ích rất nhiều cho việc đối phó các vũ khí xuất xứ từ Nga (Liên Xô) mà các nước láng giềng của Israel đang sử dụng.

Bậc thầy về tập kích đường không, đùa giỡn với cả S-300 và S-400?

Có được các loại vũ khí hiện đại, hiệu quả cao nhưng điều quan trọng nhất đó là chiến thuật sử dụng như thế nào? Thông qua các cuộc tập kích đường không được tiến hành, Israel đã chứng tỏ mình là “bậc thầy trong tập kích đường không”.

Trong cuộc chiến tranh 6 ngày, chỉ với lực lượng ít hơn nhiều, Không quân Israel đã hoàn toàn làm chủ bầu trời, tiến hành tập kích phá hủy nhiều căn cứ quân sự quan trọng của các nước liên minh Ả Rập.

Ngược lại các nước Ả Rập dù được phía Liên Xô trang bị cho các máy bay, hệ thống phòng không được coi là hiện đại nhất thời bất giờ đã hoàn toàn tê liệt và chịu tổn thất nặng nề.

Theo thống kê, phía các nước Ả Rập mất không ít hơn 1.100 xe tăng, từ 380 đến 450 máy bay (trong đó có 60 chiếc trong các trận không chiến), khoảng 40.000 binh sỹ thiệt mạng và bị bắt làm tù binh.

Thiệt hại của Israel gồm gần 400 xe tăng, 45 máy bay (có 12 chiếc trong các trận không chiến), gần 1.000 binh sỹ thiệt mạng.


Trong cuộc chiến 6 ngày, Không quân Israel chiếm ưu thế tuyệt đối trên không khiến hệ thống phòng không của Ai Cập bị tê liệt và máy bay bị tiêu diệt ngay trên đường băng

Trong cuộc chiến 6 ngày, Không quân Israel chiếm ưu thế tuyệt đối trên không khiến hệ thống phòng không của Ai Cập bị tê liệt và máy bay bị tiêu diệt ngay trên đường băng

Nhưng để chứng tỏ rõ nhất cho khả năng tập kích đường không của Israel cần lưu ý các vụ tập kích diễn ra kể từ khi cuộc căng thẳng ở Syria diễn ra.

Kể cả từ trước khi nổ ra cuộc nội chiến ở Syria (3/2011), máy bay chiến đấu của Israel vẫn thường xuyên không kích các mục tiêu bên trong lãnh thổ Syria.

Đáng kể là cuộc tấn công ngày 5/7/2013 nhằm vào một kho vũ khí của Syria ở gần thành phố cảng Latakia, giữa lúc tình hình Syria đang hết sức căng thẳng, có nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh.

Tờ Sunday Times ngày 14/7/2013 cho biết, Israel đã thực hiện vụ tấn công với sự phối hợp chặt chẽ của Mỹ và nhằm vào 50 tên lửa chống hạm Yakhont được Nga chuyển cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi đầu năm.

Qassem Saadeddine, người phát ngôn Hội đồng Quân sự Tối cao Quân đội Syria Tự do (FSA), cho biết cuộc tấn công rạng sáng 5/7 đã đánh trúng doanh trại Hải quân Syria ở Safira, gần thành phố cảng Latakia.

Mạng lưới tình báo của phe đối lập xác nhận rằng tên lửa Yakhont đang được cất giữ tại đây.

Để trấn an dư luận, tờ al-Rai, xuất bản ở Kuwait, dẫn nguồn tin thân cận với Bộ Tư lệnh Hải quân Syria nói rằng: “Tin đồn về việc tiêu diệt các tên lửa Yakhont có vẻ giống với những tưởng tượng thường thấy ở Hollywood nhiều hơn là với thực tế quân sự đang diễn ra”.

Theo nguồn tin trên, “vụ nổ ở một hầm chứa” không có nghĩa là phá hủy được toàn bộ khả năng tên lửa của Syria.

Sau vụ tấn công đó đã không thấy bất kỳ hành động khoe tên lửa Yakhont nào của Syria như những hành động biểu dương sức mạnh mà chúng ta thường thấy trong các cuộc chiến tranh. Và câu hỏi mà ai cũng quan tâm đó là: Ai là thủ phạm của cuộc tấn công?

Phát ngôn viên của Quân đội Syria tự do (FSA) thuộc phe nổi dậy Kasem Saadedina cho biết: Đó là một cuộc không kích bằng tên lửa từ máy bay chiến đấu hay từ tàu chiến ở ngoài Địa Trung Hải”. Và họ cho rằng rất có thể quân đội Israel đã gây ra vụ nổ.

Tất nhiên, Israel không phủ nhận hay thừa nhận các vụ nổ tại căn cứ hải quân Safir có liên quan đến họ.

Khi được hỏi về vụ nổ xảy ra tại căn cứ Hải quân Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya'alon cho rằng: “Ở Trung Đông, khi nói đến một cuộc tấn công không rõ nguyên nhân, người ta luôn tìm cách để đổ lỗi cho chúng tôi”.

Kịch bản tương tự cũng xảy ra vào ngày 30/10/2013, một cuộc tấn công đã gây ra hàng loạt vụ nổ lớn phá hủy toàn bộ căn cứ phòng không của Syria gần thành phố biển Latakia.

Ngoài căn cứ phòng không Latakia, một mục tiêu khác tại thủ đô Damacus cũng bị tấn công. Latakia được cho là đang triển khai hệ thống phòng không S-125. Mặt khác, cả 2 vị trí này cũng được cho là đang cất giữ tên lửa phòng không 9K33,

Trong khi đó, theo như tin chính thức từ Thông tấn xã nhà nước Li-băng - nước láng giềng của Syria, 6 chiến đấu cơ của Israel đã xâm phạm không phận nước này lúc 13h40 và 16h ngày 30/10 (theo giờ địa phương), chỉ vài tiếng trước cuộc tấn công.

Lúc 16h05, có thêm một máy bay do thám của Israel xâm nhập vùng trời Li-băng. Tất cả máy bay này rời đi vào lúc 17h05. Liệu đây có thể chỉ là một sự trùng hợp? Và Israel lại thêm một lần im lặng.


Các cuộc không kích của Israel vào Syria trong hai năm 2013 và 2014 được thống kê vào ngày 7/12/2014. Ảnh SHAM.FM

Các cuộc không kích của Israel vào Syria trong hai năm 2013 và 2014 được thống kê vào ngày 7/12/2014. Ảnh SHAM.FM

Gây tranh cãi nhất là các vụ xảy ra hồi cuối năm 2015 đầu năm 2016 khi Nga đã đưa S-400 đến và tuyên bố bảo vệ bầu trời Syria.

Theo kênh truyền hình Channel 2 (Israel), các chiến đấu cơ của không quân nước này đã thực hiện một số đợt ném bom ở phía Bắc Damascus (Syria) tối ngày 3 và rạng sáng ngày 4/12/2015.

Tiếp đó đến hôm 20/12/2015, kênh truyền hình PressTV lại thông báo, các chiến đấu cơ của Israel đã không kích vào khu dân cư gần thủ đô Damascus, tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hezbollah.

Gần nhất theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, đêm ngày 17/2/2016, Israel đã không kích một kho quân sự của quân đội Syria ở phía nam Damascus.

Nhiều lần liên tiếp máy bay Israel tiến hành phi vụ tấn công ngay gần thủ đô Damascus, khu vực nằm trong tầm bảo vệ của hệ thống phòng không S-400 được Nga triển khai tại Syria. Chưa kể, ngoài S-400 của Nga, Syria cũng có nhiều hệ thống tên lửa và pháo phòng không khác.

Có thể S-400 đã được lệnh “im lặng” nhưng nếu không phải như vậy thì động thái không kích của Israel có thể chứng tỏ S-300, S-400… không hoàn toàn “bất khả chiến bại”.

Trên thực tế, không có loại vũ khí nào mà không có điểm yếu. S-300 ra đời rồi có thể nhanh chóng bị hóa giải để xuất hiện S-400, S-400 có thể bị hóa giải thì mới có S-500… Đó là động lực tiến bước của khoa học kỹ thuật quân sự.

Sức mạnh của Không quân Israel gần như không phải bàn cãi khi lực lượng này đã lập được nhiều chiến tích trong quá khứ. Ngày nay, năng lực của họ vẫn được duy trì tốt, đủ sức đương đầu với bất cứ mối đe dọa nào.

Tổng thống Israel Shimon Peres từng tuyên bố đầy tự hào:

“Không quân Israel là lực lượng tốt nhất thế giới. Chúng ta sở hữu những hệ thống vũ khí có một không hai. Không quân Israel được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất và quan trọng hơn là có nguồn nhân lực giàu nhiệt huyết và chất lượng cao".


Israel liên tiếp thực hiện nhiều vụ không kích tại Syria ngay trong vùng bảo vệ của tổ hợp S-400 Nga triển khai tại đây

Israel liên tiếp thực hiện nhiều vụ không kích tại Syria ngay trong vùng bảo vệ của tổ hợp S-400 Nga triển khai tại đây

Hợp tác quốc phòng sâu rộng với Việt Nam

Những phân tích trên đã chứng tỏ rằng Không quân Israel được trang bị khí tài tối tân và chiến thuật hết sức hiệu quả, được coi là khắc tinh đối với các hệ thống phòng không hệ Liên Xô – Nga và đã được kiểm nghiệm qua thực tế chiến đấu.

Trong thời gian gần đây, hợp tác quốc phòng Việt Nam – Israel hết sức nồng ấm. Hàng loạt các hợp đồng xuất khẩu, chuyển giao công nghệ đã được ký kết.


Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel đang diễn ra một cách sâu rộng

Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel đang diễn ra một cách sâu rộng

Có thể kể ra các sản phẩm Israel trang bị trong quân đội Việt Nam như: súng trường GALIL ACE, súng trường tấn công TAR-21, súng cacbin CTAR-21, súng trường bắn tỉa GALATZ, súng máy hạng nhẹ NEGEV COMMANDO, tên lửa chống tăng TOMADOR.

Ngoài ra còn có xe tăng cải tiến T-55M3, xe thiết giáp cải tiến M113, radar trinh sát EL/M-2288ER, pháo phản lực EXTRA, pháo phản lực ACCULAR, UAV trinh sát ORBITER-2, hay mới nhất là hợp đồng mua tổ hợp phòng không SPYDER-MR, SPYDER-MR.

Hy vọng hợp tác với Israel sẽ giúp Việt Nam tạo ra được cơ hội và nâng cao năng lực tập kích đường không.

Không quân Việt Nam đã được tôi luyện qua cuộc đối đầu với Không quân Mỹ nếu có được các khí tài hiện đại và tiếp thu có chọn lọc được kinh nghiệm từ Israel chắc hẳn sẽ trở nên hùng mạng hơn nhiều, đủ sức giành thắng lợi trong các cuộc tập kích trên Biển Đông.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại