Bảo vệ biển đảo: Nhật lo mất cân bằng với TQ

quangminh |

(Soha.vn) - TQ tìm cách ép Nhật thừa nhận có tranh chấp ở nhóm đảo Senkaku bằng sức mạnh, số lượng tàu công vụ.

Bảo vệ biển đảo: Nhật lo mất cân bằng với TQ 1
Biên đội tàu tuần tra cỡ lớn Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản

Ngày 10/11, tờ “Nihon Keizai Shimbun” Nhật Bản đăng bài viết “Lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong tương lai”.

Bài viết cho rằng, trong bối cảnh đối đầu tiếp diễn giữa Trung-Nhật, ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku liên tiếp xuất hiện bóng dáng của các tàu hải giám Trung Quốc, hành động xâm nhập lãnh hải của chúng cũng chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt. 

Đằng sau “thế tấn công” cứng rắn của Trung Quốc là lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc và Nhật Bản sắp đón nhận một thực tế đảo ngược.

Ngay từ mùa hè năm nay, khi mà Nhật-Trung còn chưa “tuốt gươm ra khỏi vỏ” trong vấn đề quần đảo Senkaku, một bản báo cáo nội bộ có liên quan đã được đặt lên bàn làm việc của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda.

Nội dung của báo cáo tóm lại chính là “nếu để tình hình tiếp tục phát triển tùy ý, lực lượng bảo vệ trên biển giữa Nhật-Trung sẽ có sự đảo lộn trong 2-3 năm nữa”. Trên cơ sở nhận định đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định dùng kinh phí “dự bị” hàng năm để thực hiện trước kế hoạch chế tạo 4 tàu tuần tra.

Công tác bảo vệ bờ biển của Nhật Bản chủ yếu do Lực lượng Bảo vệ bờ biển phụ trách, chức năng của nó gồm có tuần tra ở lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, tiến hành giám sát đối với tàu thuyền nước ngoài xâm phạm lãnh hải, xét xử các hành vi buôn lậu và vượt biên, nhập cư trái phép.

Bảo vệ biển đảo: Nhật lo mất cân bằng với TQ 2
Trung-Nhật đang thực hiện một cuộc chiến "tiêu hao" lẫn nhau ở vùng biển đảo Senkaku?


Trong khi đó, các cơ quan thực hiện chức năng như trên của phía Trung Quốc gồm có 5 lực lượng, trong đó có Cục Hải dương Quốc gia, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an (như hải giám, ngư chính…). 

Trong đó, lực lượng xuất hiện nhiều nhất ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku là tàu hải giám thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc. Mỗi khi tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, tàu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản đều phải áp sát và yêu cầu chúng rút lui.

Cuộc chiến “tấn công và phòng thủ” – “anh đi tôi đến” này đã diễn biến thành một cuộc chiến “tiêu hao”. Theo phân tích của các chuyên gia về quan hệ Nhật-Trung, phía Trung Quốc sẽ tiếp tục điều tàu hải giám đến vùng biển quần đảo Senkaku cho tới khi phía Nhật Bản thừa nhận là có tồn tại vấn đề lãnh thổ.

Nhưng phía Trung Quốc cũng đang hết sức tránh đối đầu gay gắt tới mức để quân Mỹ nhảy vào can thiệp. Cứ như thế, điều tác động lớn nhất đối với tình hình chính là lực lượng bảo vệ bờ biển thông thường hiện có của hai bên.

Nhìn vào số lượng tàu hiện có, 5 lực lượng chức năng của phía Trung Quốc có tổng cộng 1.500 tàu công vụ, nhiều gấp 3 lần Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (lực lượng này có 450 tàu). Nhưng, do lượng giãn nước của nhiều tàu quá nhỏ, số lượng so sánh đơn thuần hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế.

Bảo vệ biển đảo: Nhật lo mất cân bằng với TQ 3
Trung Quốc ra sức đẩy mạnh chế tạo tàu công vụ mới, cỡ lớn phục vụ cho tranh lấy biển, đảo có vị trí chiến lược và giàu tài nguyên ở các vùng biển xung quanh.

Có nguồn tin từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển chỉ ra, những tàu được phía Trung Quốc điều đến vùng biển quần đảo Senkaku thực hiện nhiệm vụ trong thời gian dài đều là những tàu tuần tra cỡ lớn lớp từ 1.000 tấn trở lên.

Hiện nay, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản có tổng cộng 51 tàu lớp 1.000 tấn trở lên, còn phía Trung Quốc tuy không công bố con số cụ thể, nhưng tổng hợp các thông tin và tài liệu có liên quan, họ có khoảng 45 tàu, tức là Nhật Bản chiếm ưu thế.

Vấn đề là sau này. Chủ nhiệm Viện nghiên cứu Phòng vệ, nhà nghiên cứu Masayuki Masuda cảnh báo, số lượng tàu cỡ lớn của Cục Hải dương Quốc gia và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc có thể sẽ vượt Nhật Bản trong 2-3 năm tới.

Nhận định này là dựa vào kế hoạch đóng tàu của phía Trung Quốc. Cục Hải dương Quốc gia và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc có kế hoạch lần lượt tăng 22 tàu và 5 tàu lớp từ 1.000 tấn trở lên trước khi kết thúc năm 2015. 

Điều này có nghĩa là, trong 2-3 năm tới, lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc sẽ có số lượng tàu lớp trên 1.000 tấn lên tới 72 chiếc.

Nhưng, trong cùng thời gian, số lượng tàu tuần tra của Nhật Bản rất có thể sẽ không có sự thay đổi. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản tuy có kế hoạch tiếp tục trang bị 11 tàu cỡ lớn trước năm 2014, nhưng đây chẳng qua là để bổ sung cho những tàu cũ kỹ cần thay thế.

Vấn đề cũng không chỉ giới hạn ở đó. Tian Changxing, một quan chức của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho rằng: “Nếu Trung Quốc hành động thực sự, họ có thể chấm dứt nhiệm vụ đang thực hiện bất cứ lúc nào và đưa tàu công vụ tới xung quanh quần đảo Senkaku”.

Bảo vệ biển đảo: Nhật lo mất cân bằng với TQ 4
Tàu tuần tra mới nhất, lớn nhất thế giới của Nhật Bản - tàu Akitsushima PLH32 vừa hạ thủy ngày 4/7/2012 tại Yokohama

Các nhiệm vụ như bảo vệ lãnh hải, cứu nạn trên biển, tấn công tội phạm trên biển được Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản thực hiện, trong khi đó ở Trung Quốc do 5 lực lượng nêu trên thực hiện. 

Cho nên, một khi hình thành cục diện “cuộc chiến tiêu hao”, chỉ riêng về thay phiên tàu công vụ, phía Trung Quốc đã chiếm hết ưu thế.

Quan chức Nhật Bản cho rằng: “Hành động dùng chủ nghĩa dân tộc để khiêu khích Trung Quốc trong khi thể chế bảo vệ bờ biển bị coi nhẹ sẽ không có bất cứ ý nghĩa gì. Nếu Nhật Bản không thể tăng cường kiểm soát đối với quần đảo Senkaku, sẽ mất đi sự ủng hộ của các nước đối với Nhật Bản”.

Điều cần thiết hiện nay không phải là “lời nói hùng hồn”, mà là hành động thiết thực nâng cao khả năng bảo vệ bờ biển, đồng thời phải đảm bảo được đầy đủ ngân sách và tiền phụ cấp của nhân viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại