Hãng tin Sputnik (Nga) bình luận, vũ khí Nga hoàn toàn nổi trội trong lễ duyệt binh kỷ niệm lần thứ 66 Ngày Cộng hòa Ấn Độ, diễn ra hôm qua (26/1).
Còn Đài tiếng nói nước Nga thì nhấn mạnh, cuộc diễu hành bắt đầu với màn bay trình diễn của các máy bay quân sự Nga, “như lời nhắc trước rằng hầu hết vũ khí Ấn Độ đều có xuất xứ từ Nga”.
Điều đáng chú ý là một ngày trước khi buổi lễ diễn ra, tờ Times of India (Ấn Độ) cũng đăng bài viết đề cập tới vấn đề có chút "kỳ quặc" này.
Theo bài viết, khi Tổng thống Obama tới tham dự lễ duyệt binh, chứng kiến sức mạnh quốc phòng và nền văn hóa đa dạng của Ấn Độ thì điều mà các nhà quan sát quân sự tinh tường thấy rõ lần này lại là “di sản” của mối quan hệ chiến lược lâu dài giữa Nga - Ấn.
Còn minh chứng cho tình bạn mới thiết lập giữa Mỹ - Ấn nằm ở phần cuối của lễ duyệt binh kéo dài 90 phút, với sự xuất hiện của máy bay tuần thám P-8I, máy bay vận tải C-130J và C-17 Globemaster.
Tổng thống Obama ngồi cạnh Thủ tướng Modi quan sát trên lễ đài. Ảnh: Reuters
Ông Barack Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên trở thành khách mời danh dự trong lễ duyệt binh thường niên nhân Ngày Cộng hòa của Ấn Độ.
Sputnik nhấn mạnh, vị trí ngồi dành cho ông Obama là ở hàng ghế đầu, nơi có thể quan sát rõ màn trình diễn các khí tài quân sự của Ấn Độ, chủ yếu là vũ khí do Nga thiết kế và sản xuất.
Sau sự xuất hiện của xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 “Bhishma” là các hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Akash, radar CAR 3D với độ phân giải cao và hệ thống pháo phản lực phóng loạt Pinaka.
Các sản phẩm do Nga - Ấn hợp tác sản xuất cũng được trưng bày trong lễ duyệt binh, gồm tên lửa siêu thanh BrahMos và máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MKI.
Trong các vũ khí hải quân tham gia lễ duyệt binh có tiêm kích hạm MiG-29K và chiến hạm mới nhất của Ấn Độ mang tên INS Kolkata.
Trước đó, chuyến thăm Ấn Độ của ông Obama được đánh giá là một nỗ lực mới nhằm biến nền kinh tến lớn thứ 3 châu Á thành một đối tác chiến lược lâu dài với Washington.
Theo Reuters, các quan chức Mỹ dự đoán một cách tự tin rằng sẽ có thêm các thương vụ mua bán vũ khí được ký kết trong chuyến thăm này, nhiều khả năng sẽ là thỏa thuận bán công nghệ sản xuất máy bay không người lái Raven và các hệ thống trang bị cho máy bay vận tải C-130.
Hồi tháng 8/2014, chính phủ Thủ tướng Modi thông báo Mỹ đã qua mặt Nga để trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ấn Độ.
Reuters nhận định, “chướng ngại vật” cho việc hai nước thắt chặt quan hệ là các quy định hạn chế công ty nước ngoài nắm giữ cổ phần chủ chốt trong các công ty quốc phòng của Ấn Độ và các hạn chế của Mỹ trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ.
Một số hình ảnh trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa ở Ấn Độ: