Airlander 10: "Máy bay" lớn nhất thế giới đã sẵn sàng cất cánh

Tuệ Minh |

Thật khó hình dung về việc giữ bí mật cho Airlander 10 - một loại máy bay sẽ sớm ghi danh trong sách kỷ lục thế giới như là một thiết kế máy bay to lớn, hoành tráng nhất từng được con người tạo ra - được thực hiện như thế nào.

Chiếc Airlander 10 dài hơn Airbus A380 tới tận 20 m. Nhà sản xuất đã sử dụng nhiều vật liệu sợi carbon tiên tiến, bền, nhẹ như kevlar, mylar để chế tạo máy bay này.

Airlander 10 sử dụng 4 động cơ diesel V8 công suất 325 mã lực, cung cấp khả năng di chuyển với tốc độ lên tới gần 150 km/h.

Có thể chứa trong nó 38.000 mét khối khí helium, Airlander 10 có thể chở theo 10 tấn hàng hóa, thực hiện thao tác cất, hạ cánh theo chiều thẳng đứng trên các địa hình biển, sa mạc, băng tuyết… như những khí cầu hay trực thăng.

Tuy chứa một lượng lớn khí helium nhưng khối khí này được phân chia trong nhiều khoang chứa riêng biệt, giúp đảm bảo an toàn bay trong trường hợp bị trúng đạn.


Máy bay vận tải lớn nhất thế giới đã sẵn sàng cất cánh

Máy bay vận tải lớn nhất thế giới đã sẵn sàng cất cánh

Dù vậy, việc giữ bí mật không được kéo dài đến phút chót, khi nhà sản xuất đã cố tình rò rỉ thông tin về dự án, bắt đầu từ việc giới thiệu hình ảnh nhà chứa khổng lồ của loại máy bay này ở phía Bắc London, vào hôm 21/3/2016.

“Lần cuối cùng, tôi bay trên chiếc máy bay này là vào năm 2012”, phi công lái máy bay thử nghiệm David Burns chia sẻ. Vừa chạm vào bàn điều khiển trên trong máy bay, David Burns vừa tiết lộ: “Từ trước tới nay, chưa một ai được phép chụp ảnh chiếc máy bay này”.

Buồng lái Airlander 10 không quá khác so với các buồng lái máy bay khác với rất nhiều đồng hồ và cần điều khiển. Điểm khác biệt, có lẽ ở chỗ, về bản chất đây là một khí cầu được bơm đầy khí helium.

Trở lại năm 2012, xuất phát điểm của dự án chế tạo Airlander 10 bắt nguồn từ một việc ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ bị cắt giảm, một số dự án bị đình chỉ. Những tưởng Airlander 10 sẽ không cất cánh thêm một lần nào nữa.

Thế nhưng, trong một kế hoạch gần, Airlander 10 sẽ rời khỏi nhà xưởng và bắt đầu chuyến bay thử nghiệm kéo dài 200 giờ, nhằm hoàn thành quá trình nghiên cứu chế tạo, trước khi được chào hàng tới các khách hàng tiềm năng.

Airlander 10 ra đời từ một dự án quân sự và sắp tới, có thể được sử dụng trong lĩnh vực này. Vì vậy, thiết kế của nó được chuyển từ một dự thuộc diện cắt giảm ngân sách của Quân đội Mỹ sang một dự án “xã hội hóa” của Chính phủ Anh với chi phí quyên góp lên tới 3 triệu USD.

Điểm đặc biệt của Airlander 10 là nó sử dụng hệ thống động lực lai và có tính năng lưỡng dụng - sử dụng cho cả hai lĩnh vực quân sự và dân sự.

Có thể đạt trần bay 6.000 m, Airlander 10 có thể được dùng cho các nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, thả hàng viện trợ, hay đơn giản là thực hiện những chuyến du lịch thú vị.

Nick Allman, giám đốc chương trình HAV tiết lộ, sự xuất hiện của Airlander 10 sẽ là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi ngành hàng không mãi mãi.

“Chúng tôi thấy nó ở tương lai” - Allman nhận định. Tương lai được nhắc tới của ngành hàng không là “xanh” hơn, rẻ hơn và có thể tiếp cận những địa điểm nằm ngoài khả năng của hàng không đương thời.

Tiết kiệm nhiên liệu, giảm độ ồn là thế mạnh của Airlander 10 khi đem ra so sánh với các máy bay phản lực chở khách hiện đại. “Nó sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong ngành hàng không vận tải”, Allman nói.

Nếu Airlander 10 hoàn thành thử nghiệm, nó sẽ mở đường cho dự án phát triển mẫu Airlander 50 to lớn hơn, có khả năng mang số hàng hóa lên tới 50 tấn.

Sự hồi sinh của Airlander 10 dường như đang đánh dấu cho sự trở lại của kỷ nguyên khí cầu, vốn bị quên lãng trong cuộc đua chinh phục bầu trời từ hồi đầu thể kỷ 20.

Một số hình ảnh của Airlander 10:

Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại