7 lý do chiến tranh Trung - Nhật khó xảy ra

Theo Infonet |

Dù có nhiều dấu hiệu nguy hiểm nhưng các chuyên gia thế giới nhận định rất khó có khả năng xảy ra xung đột giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Sự kiện tàu chiến của Hải quân Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực vào tàu chiến Nhật Bản càng làm dấy lên mối quan ngại về một cuộc xung đột Trung - Nhật liên quan đến tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Tuy nhiên, nhà phân tích Trefor Moss, cựu biên tập viên của Jane's Defence Weekly nhận định, mặc dù có nhiều dấu hiệu mang tính chất nguy hiểm nhưng rất khó có khả  năng xảy ra xung đột Trung - Nhật và theo ông có đến 7 lý do ngăn cản điều này.

1 - Chiến tranh là ác mộng của Bắc Kinh

Trung Quốc có khả năng giành chiến thắng trong một cuộc xung đột với Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng thất bại cũng là một khả năng rất thực tế. Trong khi đó, Bắc Kinh đang muốn xây dựng một hình ảnh mới về một Trung Quốc mạnh  mẽ.

Rất khó có khả năng xảy ra xung đột Trung - Nhật liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình chắc chắn không muốn trở thành người đã lãnh đạo Trung Quốc vào một cuộc xung đột thảm họa với Nhật Bản.

2 - Kinh tế phụ thuộc lẫn nhau

Thắng hay thua trong cuộc xung đột Trung - Nhật đều là thảm họa cho cả đôi bên. Kinh tế Nhật Bản đang dừng phát triển, tân Thủ tướng Abe đang cố gắng đưa kinh tế Nhật Bản phục hồi trở lại với gói kích cầu trị giá 117 tỷ USD và Trung Quốc là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Hai nền kinh tế lớn nhất châu Á có sự ràng buộc rất lớn về mọi mặt. Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các doanh nghiệp Nhật Bản rút khỏi thị trường này vì xung đột, có đến 5 triệu công nhân Trung Quốc đang làm việc tại các nhà máy có vốn đầu tư của Nhật Bản.

Đối với Nhật Bản, việc để mất thị trường Trung Quốc cũng sẽ là thảm họa đối với nỗ lực phục hồi kinh tế đất nước. Một cuộc xung đột sẽ làm tiêu tan các chương trình phát triển kinh tế của lãnh đạo 2 nước.

3 - Ẩn số về khả năng hoạt động của quân đội Trung Quốc

PLA đang được nhanh chóng hiện đại hóa nhưng một câu hỏi đang được đặt ra về khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này và cách họ chứng minh hiệu quả hoạt động của mình.

Gần đây, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hứa Kỳ Lượng (Xu Qiliang) đã nói với tờ PLA Daily rằng: Có quá nhiều bài tập quân sự của PLA chỉ mang tính chất thể hiện một cách đơn thuần, PLA cần hình thành các đơn vị ưu tú mới nếu muốn bảo vệ lợi ích của mình.

Bắc Kinh vẫn đang giữ một giới hạn nhất định đối với các vấn đề tranh
chấp chủ quyền không chỉ với Nhật Bản mà còn với nhiều quốc gia khác.

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình cũng nhiều lần nhắc nhở và kêu gọi PLA cải thiện sự sẵn sàng của quân đội và khắc phục các điểm yếu.

Những vấn nạn này có thể làm suy yếu niềm tin của giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc trong một cuộc xung đột với một đối thủ ngang cơ như Nhật Bản.

4 - Điều kiện chính trị chưa chín muồi

Bắc Kinh đang ở thời điểm chuyển giao quyền lực giữa thế hệ lãnh đạo cũ và mới. Khi các nhà lãnh đạo mới chưa củng cố được vị trí của mình thì chắc chắn họ sẽ muốn né tránh những chính sách lớn đối với bên ngoài và xung đột với Nhật Bản chính là vấn đề.

5 - Khả năng can thiệp của Mỹ

Dù, nhiều tướng “diều hâu” trong quân đội Trung Quốc đánh giá thấp khả năng can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột giữa Trung-Nhật và các đồng minh khác ở châu Á. Mỹ từng tuyên bố: “Họ có mặt tại khu vực châu Á chỉ để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình và không can thiệp vào bất cứ cuộc xung đột nào nếu không đụng chạm  đến lợi ích của họ”

Thế nhưng một cuộc xung đột Trung - Nhật ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ tại đây và chắc chắn họ không thể khoanh tay đứng nhìn. Cho dù chỉ là những áp lực về mặt chính trị cũng đủ để Bắc Kinh phải dừng lại trước một cuộc  xung đột với Tokyo.

6 - Chính sách tránh đối đầu quân sự

Bắc Kinh luôn bày tỏ quan điểm ủng hộ các giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp chủ quyền và ít nhiều họ đã cho thấy quan điểm đó. Một điều có thể nhận thấy là Trung Quốc luôn điều động các tàu phi quân sự hoặc bán vũ trang đến các điểm nóng chứ không phải là các tàu chiến thực sự.

Gần đây Hải quân Trung Quốc đã có một sự can thiệp sâu hơn vào các điểm nóng mà cụ thể là việc chĩa radar điều khiển hỏa lực vào tàu khu trục và máy bay của Nhật Bản. Rõ ràng đây là một sự leo thang nguy hiểm trong các nấc thang tranh chấp giữa đôi bên. Nhưng một lần nữa hành động của Trung Quốc được giữ trong giới hạn.

7 - Trung Quốc muốn giữ hình ảnh "trỗi dậy hòa bình"

Bắc Kinh đã dành rất nhiều thời gian để nói với thế giới rằng: “Họ không phải là mối đe dọa' cho hòa bình thế giới". Một hình ảnh khác so với những gì họ đã thể hiện trước đây dưới các triều đại phong kiến.

Nếu Trung Quốc vào vai “kẻ có tội” trong một cuộc xung đột với Nhật Bản quốc gia đang chiếm được cảm tình của nhiều quốc gia châu Á, một cuộc xung đột với Nhật Bản sẽ có thêm lý do để Bắc Kinh bị cô lập ở khu vực và thế giới.

Đó không phải là những gì mà Bắc Kinh mong đợi trong việc xây dựng hình ảnh của mình. Bắc Kinh đang nỗ lực gây ảnh hưởng lên khu vực bằng các vấn đề ngoại giao và họ sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề này nhằm đạt được mục đích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại