Quán quân Olympia về hay ở – Tại sao chúng ta cứ phải làm quá lên như vậy?

Như Phương - Ths Marketing từ Na Uy |

Với tôi, Phan Đăng Nhật Minh về nước hay ở lại Úc sau khi học thì cũng chả có gì đáng quan tâm. Nhưng nếu em có cơ hội ở lại, tôi thật lòng chúc mừng em, vì ở lại được ấy mà, chẳng dễ dàng đâu!

Ngưng dùng "tiêu chuẩn kép"

Tiêu chuẩn kép (Double standards) là khi bạn dùng hai tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá hai tình huống có bản chất giống nhau. Ví dụ bạn cho rằng đàn ông và phụ nữ phải hoàn toàn bình đằng trong vấn đề làm việc nhà, nhưng đồng thời bạn cũng tin rằng đàn ông phải là trụ cột kinh tế của gia đình.

Tương tự vậy, bạn dễ dàng tự hào về Việt Nam khi một người Úc nói: "Tôi ở lại làm việc tại Việt Nam vì tôi yêu đất nước xinh đẹp của các bạn". Nhưng nếu các quán quân Olympia nói y hệt như vậy về nước Úc, liệu họ có thuyết phục được bạn không? 

Nếu một người Mỹ nói: "Tôi làm việc ở Việt Nam vì tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn ở quê hương mình", hẳn bạn sẽ tự hào về nền kinh tế nước nhà. Nhưng những tài năng Việt làm việc ở nước ngoài vì chính lý do ấy lại thường bị chỉ trích là "chỉ biết nghĩ đến bản thân mình".

Thời đại toàn cầu hoá, ngay cả các trường đại học chậm chạp nhất Việt Nam cũng đã cập nhật cho sinh viên những kĩ năng cần thiết để sống trong một thế giới phẳng. 

Lại một tiêu chuẩn kép khác tồn tại: Chúng ta khuyến khích những người trẻ trở thành công dân toàn cầu. Chúng ta tung hô khi nghe thấp thoáng đâu đó một cái tên Việt (dù họ sinh ra ở nước ngoài) làm trong một công ty nào đó như Google, Microsoft. 

Chúng ta mơ một ngày người Việt có mặt khắp nơi trong các tập đoàn toàn cầu, làm CEO ở Mỹ, ở Anh. Nhưng chuyện đó liệu có bao giờ xảy ra không, nếu ai cũng quyết định về Việt Nam sau khi học xong?

Quán quân Olympia về hay ở – Tại sao chúng ta cứ phải làm quá lên như vậy? - Ảnh 1.

Ở lại, cứ muốn là được?

Tôi không phủ nhận các quán quân Olympia đều rất giỏi. Tôi khâm phục họ. Tuy nhiên, họ không phải là duy nhất, nếu không muốn nói rằng họ không-là-gì-cả. Đặt chân đến Úc mới chỉ là bước khởi đầu.

Dù là học sinh giỏi ở nhà, qua Úc hay bất cứ nước phát triển nào khác, du học sinh Việt Nam đều phải rất nỗ lực để làm quen với môi trường, văn hoá và phương pháp học tập mới. Các sinh viên đều được đánh giá công bằng dựa vào công sức bỏ ra cho môn học. 

Sự nghèo khó, hoàn cảnh hẩm hiu hay các thành tích rạng rỡ trước đây đều không phải yếu tố để được "cộng điểm". Những lời tung hô nơi quê nhà không giúp ích được gì cho các quán quân Olympia, họ luôn phải tự bước bằng đôi chân của mình và còn phải nỗ lực gấp nhiều lần thời gian trước.

Quán quân Olympia về hay ở – Tại sao chúng ta cứ phải làm quá lên như vậy? - Ảnh 2.

Như Phương, Thạc Sỹ Marketting, Na Uy

Bạn thấy đấy, ngay cả khi về Việt Nam, một du học sinh với kết quả khá trở lên cũng không phải dễ dàng tìm được ngay một công việc tốt. Vậy bạn nghĩ du học sinh Việt Nam có ưu thế gì để cạnh tranh với người bản địa hòng dễ dàng kiếm được việc ngon? 

Bạn nghĩ rằng du học sinh chỉ cần muốn là có thể ở lại được ư? Chưa bàn tới kiến thức chuyên môn, kĩ năng xã hội hay rào cản luật pháp, con người là con người, bản thân bạn có thể cởi mở đến mức nào để chào đón một người từ một nền văn hoá hoàn toàn khác biệt vào vòng tròn an toàn của bạn? 

Và tiền là tiền, nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn có sẵn sàng thuê một người ngoại quốc chỉ vì "ở lại Úc tốt hơn cho họ"?

"Việc làm" là một trận chiến khốc liệt ngay cả với người bản địa. Với một số ngành, cơ hội dành cho người nước ngoài lớn hơn một chút nhưng không có nghĩa là ai làm cũng được. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà đa số các quán quân Olympia đều chọn các ngành nghiên cứu, khoa học tự nhiên hay liên quan đến công nghệ.

Vâng, ở lại, cứ muốn là được. Ấy là khi bạn kết hôn với người bản địa hoặc thậm chí chấp nhận cả chuyện cưới giả, sống chui, còn ở lại bằng cách có việc làm là điều không đơn giản. Vì với đa số các nước, để có được giấy phép làm việc, bạn cần có việc làm đúng chuyên ngành và mức lương không thấp hơn người bản địa. 

Đây cũng là lúc bạn rơi vào vòng luẩn quẩn: Nhiều công ty không thuê bạn khi bạn chưa có giấy phép làm việc. Mà không có việc thì bạn không thể xin giấy phép. Đó là chưa tính đến với nhiều doanh nghiệp, lý do duy nhất họ muốn thuê người nước ngoài là vì họ có thể trả rẻ hơn người bản địa.

Quán quân Olympia về hay ở – Tại sao chúng ta cứ phải làm quá lên như vậy? - Ảnh 3.

Việc du học sinh ở lại nước ngoài sau khi học xong theo tôi không có gì đáng bận tâm. Chuyện này luôn tồn tại hàng trăm năm nay, ở khắp mọi nơi trên thế giới. 

Lớp học thạc sỹ của tôi có sinh viên từ rất nhiều nước khác nhau. Khi học xong, có người chọn ở lại nước nơi mình theo học, có người chọn trở về nhà, có người lại đến một nước thứ ba để lập nghiệp. Khi một tài năng Việt Nam ở lại Úc, cũng có thể hàng chục tài năng khác của Úc đến Việt Nam. 

Các bạn tôi đều lựa chọn dựa vào bản thân họ, với những lý do hết sức "tầm thường": lương cao hơn, điều kiện sống tốt hơn, gần người yêu, thích đi du lịch… 

Liệu với bạn, những lý do đó có bớt "tầm thường" hơn, trở thành "cá tính" khi tôi nói rằng họ đều đến từ những nước phát triển (Mỹ, Đức, Hà Lan, Úc…). Tôi chưa từng nghe ai nói việc họ ở đâu lại có thể trở thành chủ đề bàn tán ở quê hương họ. Tôi cũng chưa từng nghe ai nói họ cảm thấy cắn rứt lương tâm khi không quay về xây dựng đất nước.

Nếu bạn nhất định cho rằng các quán quân Olympia là thiên tài và đất nước hẳn sẽ thụt lùi nếu thiếu họ thì xin hãy nghĩ đến những chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam. 

Các quán quân Olympia, dù có giỏi, cũng chỉ là những cô cậu bé mới tốt nghiệp cấp 3. Họ còn phải đi một chặng đường dài sau khi đăng quang để trở thành chuyên gia, thành người có sức ảnh hưởng lớn. Và hơn hết, làm sao bạn biết họ sẽ không về?

Bạn tôi có người đã hoàn thành bằng tiến sỹ ở nước ngoài, đã làm một hai cái post-doc, đã làm việc ở công ty ngoài đủ cả. Ngót nghét gần 15 năm ở nước ngoài, bạn được nhìn nhận là chuyện gia giỏi.

Bạn mới quay về Việt Nam năm ngoái, vậy có được coi là trở về? Liệu bạn có được chào đón hay phải nhận những lời dè bỉu "không sống được ở nước ngoài mới phải quay đầu về?"

Quán quân Olympia về hay ở – Tại sao chúng ta cứ phải làm quá lên như vậy? - Ảnh 4.

Xin đừng lo cho người khác

Ai cũng có quyền được quyết định điều gì là tốt nhất cho bản thân mình. Với những nỗ lực dường như lớn hơn bình thường rất nhiều, chả nhẽ các quán quân Olympia không được tự quyết định sẽ làm gì với tài năng của mình? Bạn cũng vậy, điều tốt nhất bạn có thể làm cho tập thể, hay nói to tát, cho đất nước, là lo thật tốt cho bản thân mình. Đó là quyền và cũng là trách nhiệm của bạn.

Đừng lo đất nước sẽ thụt lùi nếu chảy máu chất xám. Đừng lo các quán quân Olympia khi ở lại Úc sẽ không được trọng dụng như về Việt Nam. Vì dù bạn có lo đi chăng nữa, cũng sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến quyết định của họ đâu.

*** Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại