Quan hệ sóng gió giữa Nga với một số nước trong không gian hậu Xô viết

Trung Hiếu |

Nga và 14 nước nữa từng là “quốc gia anh em” trong Liên bang Xô viết (gọi tắt là Liên Xô). Tuy nhiên, ngày nay quan hệ giữa Nga với một số nước như vậy không còn mặn nồng như xưa, thậm chí còn căng thẳng hơn bao giờ hết.

Liên Xô năm xưa gồm 15 nước cộng hòa. Năm 1991, Liên Xô tan rã và tách thành 15 nước độc lập gồm Nga, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Gruzia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Litva, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraine và Uzbekistan.

Quan hệ sóng gió giữa Nga với một số nước trong không gian hậu Xô viết- Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo một số nước từng thuộc Liên Xô. Ảnh: TASS.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga cố gắng liên kết các nước độc lập mới ra đời thông qua các mô hình như SNG (Cộng đồng các Quốc gia độc lập), CSTO (Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể) và EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu). Thông qua các liên kết đó, Nga cố gắng gây ảnh hưởng với các nước thuộc không gian hậu Xô viết.

Thực tế Nga là nước mạnh nhất, rộng nhất, đông dân nhất, giàu tiềm lực nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất trong khối 15 nước từng thuộc Liên Xô. Nga cũng là nước kế thừa Liên Xô một cách chính thức. Nga duy trì được quan hệ đồng minh chí cốt với Belarus và quan hệ đặc biệt thân thiện với Kazakhstan.

Tuy nhiên, cũng từ sau năm 1991, quan hệ giữa Nga và một số nước nói trên không được nồng ấm, một cách công khai hoặc ngấm ngầm. Xung đột vũ trang Nga - Ukraine (khởi đầu vào tháng 2/2022) đã làm tăng thêm sự xa cách và nghi ngại của một số nước đối với Nga. Mặc dù vậy, quan hệ giữa các nước này với Nga vẫn tồn tại một xu hướng: Họ vẫn phải dựa nhiều vào Nga về năng lượng, vật liệu và bảo đảm an ninh, nên sẽ không thể dễ dàng xa rời Nga. Giữa Nga và các nước này vẫn tồn tại mối liên hệ bền chặt về địa lý, văn hóa, lịch sử và địa chính trị.

Giai đoạn đầu sau khi Liên Xô tan rã, Nga rơi vào khủng hoảng toàn diện và nỗ lực tìm cách ổn định tình hình, phục hồi kinh tế và duy trì quan hệ thân ái với các nước láng giềng từng thuộc Liên Xô. Nhưng khi kinh tế đã vững vàng hơn, Nga bắt đầu có những hành động quyết đoán hơn đối với nhiều vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ giữa Nga và các nước nói trên. Nga cũng bộc lộ khuynh hướng khôi phục lại các giá trị và vị thế của Nga trong quá khứ (cả thời trước Liên Xô lẫn thời trong Liên Xô).

1- Quan hệ giữa Nga và Ukraine

Sự khác biệt quan điểm giữa Nga và Ukraine manh nha ngay từ thập niên 1990 và lên đến đỉnh điểm vào đầu thập niên 2010. Năm 2014 xảy ra chính biến tại Ukraine, còn Nga sáp nhập bán đảo Crimea khi đó do Ukraine quản lý. Căng thẳng gia tăng đột biến giữa Nga và Ukraine kể từ đó. Ukraine ngả về phương Tây và tiến hành chiến dịch xóa sổ lịch sử gắn liền với Liên Xô. Cụ thể, Ukraine đã thông qua và áp dụng các luật “ phi Xô viết hóa ” và “phi cộng sản hóa” đất nước này. Các đạo luật mới của Ukraine cấm sản xuất, phân phối và sử dụng ở nơi công cộng các biểu tượng (kể cả vật lưu niệm) gắn với thời Xô viết (như cờ, hình ảnh, huy hiệu búa liềm, sao 5 cánh...), cấm sử dụng quốc ca Liên Xô, quốc ca Cộng hòa XHCN Ukraine, quốc ca các nước Cộng hòa XHCN khác trong Liên Xô. Ukraine thậm chí còn hình sự hóa việc sử dụng các biểu tượng gắn với Liên Xô.

Luật pháp mới của Ukraine đồng thời tôn vinh các phần tử dân tộc cực đoan đã hợp tác với Đức Quốc xã để chiến đấu chống lại Liên Xô, coi các phần tử này là “anh hùng giải phóng dân tộc” của Ukraine.

Trong khi ấy, người gốc Nga ở miền Đông Ukraine nổi dậy, lập chính quyền tự phong ly khai với chính quyền trung ương. Đến tháng 2/2022 (tức là đúng 30 năm 2 tháng sau khi Liên Xô sụp đổ), Nga phát động cái mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, mở màn cuộc xung đột vũ trang lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Nga công bố mục đích của “chiến dịch” này là nhằm “phi quân sự hóa” và “phi Quốc xã hóa” Ukraine. Cũng trong năm 2022 này, Nga công nhận và sáp nhập các vùng ly khai tại Ukraine.

Tuy Nga không chính thức tuyên chiến với Ukraine, trên thực tế hai nước đã rơi vào trạng thái thù địch cao độ với nhau trên rất nhiều lĩnh vực, bao gồm mặt trận quân sự nóng bỏng. Xung đột vũ trang Nga - Ukraine tuy mới kéo dài hơn 2 năm nhưng đã gây ra thương vong rất lớn cho cả 2 phía.

Quan hệ sóng gió giữa Nga với một số nước trong không gian hậu Xô viết- Ảnh 2.

2- Quan hệ giữa Nga và khối 3 nước Baltic

Khối Baltic gồm 3 nước là Estonia, Latvia và Litva. Khối này có quan hệ lạnh nhạt với Nga ngay từ thời xa xưa, vì nhiều lý do lịch sử và chính trị. Khi xung đột quân sự Nga - Ukraine nổ ra mới đây, ba nước Baltic chỉ trích Nga kịch liệt. Trong khả năng của mình, các nước này cũng nỗ lực viện trợ quân sự cho Ukraine.

Căng thẳng giữa Nga với khối Baltic có lẽ chỉ đứng thứ 2 sau căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nếu tình hình có đột biến lớn, không loại trừ khả năng 3 nước Baltic sẽ tham chiến ủng hộ Ukraine.

Mới đây (tháng 2/2024), Nga tuyên bố đã đưa đương kim Thủ tướng Estonia Kaja Kallas vào danh sách truy nã của Bộ Nội vụ Nga. Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ Nga đưa một vị lãnh đạo nước ngoài vào danh sách truy nã. Lý do của Nga là bà Kallas đã phá bỏ các tượng đài thời Liên Xô về Thế chiến II tại đất nước này.

Danh sách truy nã này còn bao gồm các quan chức và nghị sĩ của các nước Baltic còn lại. Ngoài Thủ tướng Kallas, Quốc vụ khanh Estonia - Taimar Peterkop và Bộ trưởng Văn hóa Litva - Simonas Kairys cũng nằm trong danh sách này. Mika Golubovsky, tổng biên tập của cơ quan truyền thông tiếng Anh Mediazona, cho biết bà Kallas và các chính trị gia các nước Baltic đã có tên trong cơ sở dữ liệu truy nã của Bộ Nội vụ Nga từ giữa tháng 10/2023.

Estonia cũng như Latvia và Litva đã kéo đổ nhiều tượng đài thời Xô viết tôn vinh Chiến thắng của Liên Xô trong Thế chiến II. Nga coi đây là động thái phỉ báng ký ức về những người lính Hồng quân đã ngã xuống trong cuộc chiến chống phát xít Đức.

Cá nhân bà Kallas là người đã cổ xúy mạnh mẽ việc tăng viện trợ quân sự cho Ukraine cũng như ban hành các lệnh trừng phạt hà khắc hơn nữa nhằm vào Nga.

3- Quan hệ giữa Nga với Moldova và Gruzia

Mối quan hệ giữa Nga và hai nước nhỏ này cũng nhiều sóng gió.

Nga công khai ủng hộ vùng ly khai Transnistria bên trong lãnh thổ Moldova. Nga cũng đồn trú quân tại vùng này. Mới đây chính quyền tự xung tại Transnistria (nơi có nhiều người gốc Nga) đã kêu gọi Tổng thống Nga Putin bảo vệ họ. Ngoài ra, Moldova cũng đang tích cực xin gia nhập EU.

Tương tự, Nga ủng hộ các vùng ly khai Nam Ossetia và Abkhazia bên trong lãnh thổ Gruzia. Năm 2008, Nga từng can thiệp quân sự để bảo vệ 2 vùng ly khai này trước quân đội Gruzia. Không những vậy, Nga còn công nhận 2 vùng này là các quốc gia độc lập có chủ quyền. Về phần mình, Gruzia đã hình thành quan điểm thân phương Tây từ khá lâu.

4- Quan hệ giữa Nga và Armenia, Azerbaijan

Ngay từ trước xung đột Karabakh năm 2020, quan hệ giữa Nga và Armenia đã xấu đi rất nhiều khi Armenia liên tục có động thái và chính sách nghiêng về phương Tây ngay cả khi Armenia vẫn là thành viên của CSTO. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Nga cơ bản đã bỏ rơi Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Karabakh. Lực lượng quân sự Armenia đã đánh mất quyền kiểm soát đối với các lãnh thổ quanh khu vực Nagorno-Karabakh vào cuối năm 2020. Đến nửa cuối năm 2023, Azerbaijan tiến công và kiểm soát hoàn toàn vùng Karabakh.

Armenia hiện đang nỗ lực gia nhập EU. Armenia cũng có nhiều động thái tìm kiếm bảo trợ an ninh từ các nước phương Tây, trong đó có Mỹ.

Quan hệ giữa Nga với Azerbaijan tuy không ở mức xấu như với Armenia nhưng không phải là quá nồng thắm. Phía Azerbaijan vẫn có sự cảnh giác nhất định với Nga và duy trì chính sách không thân thiện với nhiều di sản Xô viết. Sau năm 1991, Azerbaijan chuyển sang sử dụng chữ cái Latin để ghi lại quốc ngữ của họ thay vì dùng chữ cái Kirin vốn được dùng phổ biến để ghi các ngôn ngữ Slav như tiếng Nga.

Nga cũng ý thức sự thiếu mặn nồng từ phía Azerbaijan nhưng vẫn duy trì quan hệ gần gũi với Azerbaijan do Nga muốn tranh thủ sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ (đồng minh huynh đệ đặc biệt của Azerbaijan), cũng như tránh nguy cơ có thêm một đối thủ trong tình huống Nga đang vướng vào xung đột vũ trang kéo dài với Ukraine và bị phương Tây nỗ lực cô lập.

5- Quan hệ giữa Nga và Trung Á

Nhìn chung khối các nước Trung Á (đều từng thuộc Liên Xô) không có chính sách thù địch với nước Nga. Riêng Kazakhstan duy trì quan hệ khá thân thiết với Nga và có nhiều hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, vận tải, khoa học kỹ thuật và an ninh - quốc phòng. Khi có bạo động bên trong Kazakhstan năm 2022, Nga đã tích cực giúp đỡ chính quyền Kazakhstan khôi phục trật tự, bảo vệ hiện trạng nhà nước Kazakhstan. Kazakhstan cũng coi Nga như đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc ở Trung Á.

Tuy nhiên, Kazakhstan cũng tránh bộc lộ sự ủng hộ công khai cho Nga trong xung đột quân sự với Ukraine. Các nước Trung Á còn lại cũng cẩn trọng trong các tuyên bố liên quan đến xung đột Ukraine.

6- Quan hệ giữa Nga và Belarus

Belarus chính là đồng minh thân thiết nhất của Nga trong không gian hậu Xô viết . Nga đã có nhiều yểm trợ về an ninh và quân sự cho Belarus, bảo đảm Tổng thống Lukashenko tiếp tục nắm chắc quyền lực tại đây.

Nga và Belarus thậm chí còn tính đến việc thành lập nhà nước chung - Nhà nước Liên minh Nga và Belarus.

Từ khi nổ ra xung đột Ukraine, phía Belarus đã có nhiều hỗ trợ lớn cho Nga, như cho phép Nga đưa quân sang Belarus để tiến đánh Ukraine từ phía Bắc hồi đầu xung đột. Belarus cũng đồng ý để cho Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này. Belarus căng thẳng với Ukraine và công khai bênh vực Nga trong cuộc đối đầu toàn diện với Ukraine cũng như phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại