Quân đội Trung Quốc bị cấm kinh doanh cho thuê nhà đất

Bảo Vĩnh |

Chủ tịch Tập Cận Bình ở vai trò Tổng tư lệnh quân đội Trung Quốc (PLA) đã ra lệnh quân đội không được tham gia các hoạt động thương mại gồm giáo dục nhà trẻ, dịch vụ xuất bản và cho thuê nhà đất.

Hãng tin Bloomberg ngày 1.8 dẫn thông tin của Tân Hoa Xã, nêu đấy là cách ông Tập giữ lời hứa cách đây 3 năm, rằng PLA phải chấm dứt ngay các hoạt động dịch vụ thu tiền, để chú trọng vào nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vào lúc vị Chủ tịch Quân ủy trung ương (CMC) muốn xây dựng PLA thành một lực lượng chiến đấu tầm cỡ thế giới từ năm 2050.

Theo Asia Times dẫn Quân đội nhân dân nhật báo, ông Tập ra lệnh đến cuối năm 2018, PLA phải ngưng các hoạt động trên, vì chúng khiến sĩ quan và quân nhân trở thành “lính đánh thuê”.

Ông nhấn mạnh quyết định này nhằm cải thiện quân đội, bằng cách cho phép PLA “tập trung vào nhiệm vụ chính là sẵn sàng chiến đấu”, thông qua các nỗ lực củng cố khâu chuẩn bị chiến tranh và khả năng chiến đấu.

Theo Bloomberg, vì thiếu thốn kinh phí, PLA từng bắt đầu hoạt động kinh doanh sau giai đoạn cải tổ và mở cửa hồi những năm 1970. Động thái này đã dẫn đến chuyện sĩ quan PLA tham nhũng, và đặt ra nghi ngờ khả năng chiến đấu của PLA.

Các kêu gọi PLA chấm dứt kinh doanh đã có từ ít nhất hồi năm 1998 (thời ông Giang Trạch Dân) và từ đó các hoạt động này bị cấm, trừ vài ngoại lệ.

Tân Hoa Xã giải thích chỉ đạo mới của Chủ tịch CMC “không cho phép có sự ngoại lệ nào, từ nhượng bộ tạm thời cho đến giảm giá”, và lưu ý mục tiêu của quyết định này là “làm sạch quân đội", kéo giảm tham nhũng, tiêu cực khi loại bỏ những bổng lộc từ kinh doanh mà có, cũng như nhằm đề cao cơ hội cho quân nhân.

Lệnh của ông Tập được đưa ra tại cuộc họp của 25 Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) hôm 31.7, trước lễ Quân đội, tức dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập PLA.

Theo China Daily, PLA đã ngưng 106.000 chương trình làm dịch vụ thu tiền từ ngày 30.6, nhưng 6.000 chương trình “nhạy cảm và phức tạp” vẫn hoạt động, theo Tân Hoa Xã.

Hồi tháng 3.2016, khi ông Tập lần đầu tiên tuyên bố PLA phải kết thúc hoạt động làm dịch vụ tiền, Giáo sư Gong Fangbin thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc trả lời Hoàn cầu thời báo:

“Làm dịch vụ thu tiền đôi khi có thể xúi giục tiêu cực, và quân đội chú trọng bảo vệ tổ quốc. Kết thúc kiểu làm dịch vụ này sẽ giúp tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội, tạo điều kiện để củng cố uy tín đảng cầm quyền và củng cố sự ổn định dài hơi cho tổ quốc”.

Dịp đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 hồi tháng 10.2017, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mục tiêu xây dựng PLA có khả năng thắng mọi cuộc chiến tranh kể từ năm 2050. Ông tuyên bố: “Mộng Trung Hoa về một lực lượng vũ trang mạnh sẽ thành hiện thực”, với khâu cơ khí hóa PLA hoàn thành năm 2020 và khâu hiện đại hóa PLA hoàn thành năm 2035.

Dù PLA trở nên mạnh hơn, nhất là phát triển các công nghệ quân sự, các nhà quan sát chuyên môn (như ông Adam Ni thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng thuộc Đại học quốc gia Úc) vẫn nói PLA vẫn phải tiếp tục chật vật khắc phục những yếu kém, gồm thiếu kinh nghiệm chiến đấu, tham nhũng tràn lan, kỷ luật kém, sĩ quan ít có khả năng lãnh đạo nên không dễ thăng hàm, đâm ra có chuyện “chạy hàm”.

Các nước khác, nhất là Mỹ, rất chú ý việc Trung Quốc nỗ lực hiện đại hóa sức mạnh quân sự. Theo Business Insider, khi công bố Chiến lược phòng vệ quốc gia (NSS) cho năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đã lưu ý mối đe dọa từ những thế lực “xét lại” như Nga và Trung Quốc.

Ông nói: “Sự cạnh tranh quyền lực, nay là quan tâm trọng điểm của an ninh quốc gia Mỹ, chứ không phải khủng bố”.

Và trước khi thôi làm chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris hồi tháng 5 đã nhắc lại rằng chính Trung Quốc là thách thức lớn nhất của Mỹ: “Trung Quốc vẫn là thách thức dài hơi lớn nhất của chúng ta. Nếu Mỹ và các đồng minh cùng các đối tác không chú ý, thì Trung Quốc sẽ thực hiện giấc mộng làm bá chủ châu Á”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại