Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, phát biểu tại một hội nghị an ninh ở Moskva, Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Sergei Rudskoi nói rằng mức độ bình ổn nhất định trong cuộc xung đột Syria "đã cho phép chúng tôi di dời gần một nửa đội bay ở căn cứ Hmeimim về Nga."
Ông Rudskoi cho biết, trong suốt khoảng thời gian Nga triển khai tàu sân bay duy nhất của nước này tới Syria để tiến hành không kích từ tháng 11/2016 tới tháng 1/2017, số máy bay ở căn cứ Hmeimim "không vượt quá con số 35."
Tướng Nga nói thêm, bất chấp việc chỉ có một "phần nhỏ" số lượng máy bay so với con số của liên quân do Mỹ đứng đầu, Nga đã "tiến hành xuất kích nhiều hơn gấp 3 lần", tức hơn 23.000 lần bay, và thực hiện "không kích nhiều hơn gần 4 lần", tương đương khoảng 77.000 cuộc không kích.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/4 đã lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ không kích nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria và Iraq, và coi đây là hành động "không thể chấp nhận được."
Thông cáo đăng tải trên trang web Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Người Kurd thực sự chống lại các nhóm khủng bố, trước hết là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và Syria còn lâu mới kết thúc, thì những hành động như thế không giúp thúc đẩy đoàn kết nỗ lực chống khủng bố, khiến tình trở nên căng thẳng hơn."
Khu vực diễn ra các đợt không kích do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành gần thị trấn Derik của người Kurd ở Arabic (Syria) ngày 25/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ lo ngại đặc biệt rằng các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỹ đã tấn công vào lãnh thổ của những quốc gia có chủ quyền. Những hành động tương tự là không thể chấp nhận được và đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản trong các quan hệ liên chính phủ.
Nga cũng kêu gọi các bên có "tầm nhìn xa chính trị" và tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất là chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chỉ trích chiến dịch chống người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 25/4, Thổ Nhĩ Kỳ đã không kích nhằm vào các vị trí của người Kurd ở Đông Bắc Syria và tổ chức Đảng Công Nhân người Kurd (PKK) ở miền Bắc Iraq, khiến 70 người thiệt mạng.
Ankara từng nhiều lần chỉ trích Washington cung cấp vũ khí cho lực lượng người Kurd ở Syria mà Mỹ coi là đồng minh trong cuộc chiến chống IS./.