Lực lượng quân sự tại các quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ chính sách đối ngoại của chính phủ, tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình, diễn tập quân sự và cứu trợ nhân đạo. Lực lượng này đồng thời hỗ trợ các tổ chức y tế trong việc giám sát và kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Lực lượng đa năng
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ hoà bình, các đơn vị quân đội có khả năng giám sát và ứng phó với dịch bệnh, như triển khai chương trình hỗ trợ ở vùng sâu vùng xa hoặc sau thảm họa.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên Bản tin của Tổ chức Y tế Thế giới, Jean-Paul Chretien từ Cơ quan phản gián Ấn Độ cho biết, quân đội duy trì các chương trình y tế công cộng để theo dõi, ngăn ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Để thúc đẩy các nhiệm vụ hoặc mục tiêu quốc gia rộng lớn hơn, lực lượng quân sự có thể mở rộng khả năng y tế công cộng cho các nhóm người dễ bị tổn thương.
Ở nhiều nước đang phát triển, theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại có thể liên quan đến việc đưa lực lượng quân sự tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình, sứ mệnh cứu trợ nhân đạo, hoặc hoạt động quân sự truyền thống.
Quân đội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ như bảo vệ biên giới. Thống kê cho thấy, từ năm 2001 - 2006, số quốc gia có thu nhập cao đưa lực lượng quân sự vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc giảm nhẹ từ 24 xuống 23.
Trong cùng thời kỳ, số lượng các nước đang phát triển đóng góp vào lực lượng quân sự tăng từ 53 lên 73. Nhiều nước đang phát triển cũng cung cấp lực lượng cho các sứ mệnh đa quốc gia không thuộc Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn Liên minh Châu Phi tại Sudan thu hút khoảng 7.000 nhân viên quân sự từ Chad, Ai Cập, Gabon, Gambia, Kenya, Nigeria, Rwanda, Senegal, Nam Phi và Zambia.
Lực lượng Quan sát viên và Lực lượng Đa quốc gia tại Bán đảo Sinai bao gồm khoảng 800 nhân viên quân sự từ Colombia, Fiji và Uruguay. Ngoài ra, còn có các lực lượng dự phòng từ Canada, các nước châu Âu, New Zealand và Mỹ.
Kể từ tháng 1/2007, các hoạt động ổn định ở Iraq có sự tham gia của lực lượng quân sự từ 22 quốc gia đang phát triển.
Quân nhân từ các nước đang phát triển thường xuyên tham gia vào cuộc tập trận quân sự đa quốc gia. Từ đó, cải thiện sự hợp tác và thực hành kế hoạch chiến thuật với đồng minh.
Bên cạnh đó, lực lượng quân sự từ các quốc gia cũng đóng góp lớn vào nhiệm vụ cứu trợ thiên tai. Các quân nhân đã đóng góp đáng kể vào phản ứng đa quốc gia sau trận động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương vào tháng 12/2004.
Quân đội từ Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Pakistan, Sri Lanka và Thái Lan cũng như những quốc gia khác đã đóng góp về nhân viên y tế, hậu cần và kỹ thuật, máy bay, trực thăng và tàu.
Nhằm giảm nguy cơ lây lan của virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), Liên Hợp Quốc từng yêu cầu các quốc gia cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV. Lực lượng quân sự đóng vai trò to lớn trong các chiến dịch y tế.
Trong các trường hợp khẩn cấp, quân đội được trang bị tốt có thể sử dụng các nguồn lực về hậu cần, thông tin liên lạc, tổ chức, dịch tễ học. Qua đó, thiết lập giám sát các nhóm dân số có nguy cơ nhiễm bệnh.
Trong trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, một phòng thí nghiệm ở nước ngoài của Bộ Quốc phòng Mỹ, Đơn vị Nghiên cứu Y tế Hải quân Mỹ-2 (NAMRU-2, ở Jakarta), đã thành lập một phòng thí nghiệm thực địa tại thành phố Banda Aceh của Indonesia - nơi bị ảnh hưởng nặng nề.
Phòng thí nghiệm hoạt động nhằm khống chế dịch bệnh, tạo điều kiện can thiệp kịp thời vào ổ dịch và giảm bớt lo ngại về các bệnh truyền nhiễm khác. Sau vài tháng, NAMRU-2 đã chuyển giao phòng thí nghiệm cho chính phủ Indonesia.
Quốc gia này khi đó tiếp tục sử dụng cơ sở này. Lực lượng quân đội duy trì phòng thí nghiệm tiên tiến và khả năng dịch tễ học để ứng phó với dịch bệnh.
Theo nhà nghiên cứu Jean-Paul Chretien, quân đội của các quốc gia đang phát triển có thể không sở hữu năng lực y tế công cộng tinh vi. Song, nếu duy trì theo dõi về các trường hợp bệnh bất thường, họ có thể đưa ra những cảnh báo có giá trị trước dịch bệnh.
Ở nhiều quốc gia, quân đội cũng tham gia vào việc hỗ trợ các cơ quan y tế dân sự bằng cách cung cấp dịch vụ y tế cho người dân tại vùng sâu, vùng xa.
Không thể đạt hoà bình nếu thiếu quân đội
Các quốc gia không thể có hoà bình đúng nghĩa nếu không có quân đội. Ảnh minh hoạ
Nhiều ý kiến cho rằng, chiến tranh chưa chắc sẽ xảy ra trong thế giới hiện đại nếu không có lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, một câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Liệu một quốc gia không có quân đội có thể đạt được hòa bình đúng nghĩa không? Theo các nhà nghiên cứu, tất cả các thiết chế xã hội, đặc biệt là những hệ thống chính trị, cần hòa bình để có thể thực sự tồn tại và hoạt động.
Vì vậy, sự tồn tại của quân đội là điều kiện tiên quyết cần thiết cho bất kỳ hoạt động nào. Có thể nói, nếu không có quân đội, các quốc gia sẽ không thể có hòa bình. Nếu không có hòa bình, sẽ không có khả năng dự đoán, kiểm soát, tính quy phạm và tất cả những gì được cung cấp bởi chuẩn mực và thực thi pháp luật.
Thực tế, một số tổ chức chịu trách nhiệm soạn thảo và thi hành luật. Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực thi luật. Quân đội được coi là lực lượng bảo đảm và gìn giữ hòa bình.
Quân đội là một tổ chức “phi thường”, chứa đựng vô số giá trị, tình cảm và trên hết là nhiều lòng hào hiệp. Quân nhân là những người không ngần ngại hy sinh mạng sống của mình cho người khác nếu cần thiết để duy trì sự an toàn của mọi người. Quân đội thực hiện nhiều hoạt động xã hội và nhân đạo.
Song, lực lượng này có nhiệm vụ chính là bảo vệ xã hội trong trường hợp an ninh bị xâm phạm. Quân đội hiện tại cũng đại diện cho một yếu tố về sự ổn định của quốc gia. Bởi, lực lượng quân sự củng cố chính trị của một quốc gia. Nếu không có quân đội, nền chính trị của một nước sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Thách thức trong bảo mật thông tin
Trong thế kỷ 21, việc bảo mật thông tin là nhiệm vụ của lực lượng quân đội các nước. Ảnh minh hoạ
Ngày nay, trong lĩnh vực quân sự, thông tin được coi là một nguồn tài nguyên chiến lược. Các công nghệ được sử dụng để thu thập, xử lý và bảo vệ thông tin đã trở thành một phần quan trọng trong tiềm năng của các lực lượng vũ trang.
Lợi thế về mặt này có thể bảo vệ chống lại các hậu quả tiêu cực của “chiến tranh thông tin” và từ đó, đảm bảo an ninh của nhà nước. Do đó, thách thức đối với các lực lượng vũ trang hiện đại là đảm bảo hiệu quả và tính bảo mật của thông tin. Từ đó, ngăn chặn tác động của tội phạm thông tin.
An toàn thông tin là một trong những vấn đề quân sự quan trọng nhất của thế kỷ 21. Theo các nhà nghiên cứu, việc sử dụng các công nghệ hiệu quả thực sự là một yếu tố phù hợp về mặt hoạt động của quân đội hiện tại và tương lai.
Một lý do quan trọng cho sự phát triển mở rộng thông tin trong các lực lượng vũ trang là sự thay đổi bản chất của các cuộc xung đột đương đại trên thế giới. Đáng chú ý, các lực lượng vũ trang phải đương đầu với những kẻ thù có mục tiêu, tổ chức, phương tiện và phương pháp chiến đấu không thuộc loại thông thường.
An toàn thông tin và bản thân thông tin có tầm quan trọng đặc biệt trong hoạt động quân sự. Vai trò phổ biến của các phương tiện truyền thông đại chúng trong đời sống xã hội là một yếu tố có thể góp phần đáng kể vào ý thức trách nhiệm cao hơn đối với cách thức bảo vệ thông tin.
Các phương tiện truyền thông cũng có tác động lớn đến việc đánh giá chiến tranh, cả ở các quốc gia trực tiếp tham gia vào một cuộc xung đột nhất định và giữa cộng đồng quốc tế.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, lực lượng vũ trang hiện đại phải sẵn sàng đối mặt với những mối đe dọa mới trong lĩnh vực thông tin. Trong đó, bao gồm xâm nhập cơ sở dữ liệu hoặc tiến hành các hoạt động thông tin sai lệch nhằm làm tê liệt hệ thống an ninh quốc gia.
Do sự gia tăng đáng kể những mối đe dọa an ninh trong lĩnh vực thông tin, điều quan trọng là các lực lượng vũ trang điều chỉnh cơ cấu trước những thách thức mới. Qua đó, ngày càng tập trung nhiều hơn vào nhu cầu bảo vệ không gian mạng.
Hiện nay, trong các lực lượng vũ trang, thông tin quan trọng được bảo vệ đặc biệt là thông tin mật và bí mật nhà nước. Khi những dữ liệu này rơi vào tay kẻ xấu, an ninh của nhà nước sẽ bị đe doạ.
Những năm gần đây, một loại dữ liệu khác được bảo vệ đặc biệt trong lực lượng vũ trang là thông tin cá nhân của quân nhân. Do đó, việc bảo vệ những dữ liệu này là nhiệm vụ và là thách thức đối với các cơ quan nhà nước.
Theo Researchgate; Pksoi.org; Sd-magazine