Quan điểm của Aitijya Sarkar, người sáng lập trang tin tổng hợp The Wall and Us
Mới đây, tôi và mẹ đã ghé thăm khu chợ cá lớn nhất trong thành phố.
Đây quả thật là nơi ầm ĩ nhất tôi từng lui tới. Thật ồn ào! Mùi cá chết trộn lẫn hơi người, tiếng cãi cọ giành khách giữa các sạp cá...
Đó chắc chắn là trải nghiệm không mấy vui vẻ. Tuy nhiên, tôi lại nhìn ra một lẽ đời tại nơi xô bồ này.
Cái chậu được khoanh tròn trong ảnh chứa toàn cá trê.
Với cơ thể nhầy nhụa, trơn bóng, lũ cá trê chen chúc trong không gian nhỏ hẹp đến ngạt thở và đương nhiên, chỉ cách cái chết có vài cm. Trong khi tôi vẫn đang quan sát, một con cá trê bị người bán hàng túm cổ lôi lên thớt.
Với bản năng sinh tồn tự nhiên, con cá ra sức vùng vẫy như thể lớp da trơn bóng kia sẽ giúp nó trốn thoát. Nhưng không, cuối cùng nó vẫn buộc phải hóa kiếp dưới lưỡi dao sắc nhọn.
Đó là cá trê, bên cạnh là một chậu cá khác:
Khác với đám cá trê - khi bị người bán hàng túm cổ, con cá trong chậu bên cạnh chỉ vùng vẫy cho có như thể đã bỏ cuộc. Và cuối cùng, nó cũng mất mạng bởi lưỡi dao xẻ cá quen thuộc ở Ấn Độ.
Cùng là cá, nhưng một loại đã chiến đấu hết mình dù cái chết đã cận kề; còn loại kia lại từ bỏ quá sớm.
Nhưng, cuối cùng chúng đều phải chết.
Lũ cá này có phán xét nhau không? Không! Chúng quá bận rộn để đấu tranh vượt qua cái chết không thể tránh khỏi - theo cách thức riêng biệt.
Đó là cách tôi cảm nhận về những người chẳng chịu làm gì cho chính cuộc sống của họ. Tôi không cảm thấy gì hết.
Bởi vì, chúng ta đều biết mình sẽ chết vào một ngày nào đó, chỉ là sớm hay muộn mà thôi.
Họa chăng, chỉ là chúng ta đang sống cho những khoảnh khắc còn lại của đời mình, theo cách mà ta cho là tốt nhất.
Quan điểm của Sean Kernan, từng giành danh hiệu "thành viên có nhiều câu trả lời hay nhất trên nền tảng hỏi đáp Quora năm 2017"
Mỗi ngày, tôi lái xe qua trục đường trên cầu Gandy để đến chỗ làm ở Tampa Florida.
Có một vài điều thú vị diễn ra mỗi ngày trên quãng đường này. Tôi cũng đôi lần thắc mắc, liệu có ai khác nhìn ra điều này hay không? Bởi vì có vài người từng được nghe câu chuyện này, lại nhìn tôi với ánh mắt nghi hoặc.
Điều quan trọng nhất trong mỗi câu chuyện, chính là bối cảnh: Tôi là dân công sở, phải ngồi bàn giấy cả ngày, tham gia họp hành, chạy deadline... Tóm lại, đó là công việc đòi hỏi sự hợp tác.
Tôi không muốn nói rằng công việc này khá buồn chán. Chắc chắn là không, nó vẫn tốt hơn nhiều chuyện phải săn bắt, hái lượm, đấu tranh sinh tồn man rợ của con người thuở hồng hoang.
Dọc theo câu cầu dài đằng đẵng này, tôi thường xuyên bắt gặp nhiều con diều hâu nghỉ chân trên những cột đèn.
Đôi khi, chúng chỉ đứng yên trên đó, phớt lờ những chiếc xe phóng qua như thoi dệt, hướng tầm mắt xuống mặt nước và chờ đợi.
Rõ ràng, đôi mắt của diều hâu tinh tường hơn chúng ta cả trăm lần.
Bạn có thể thấy chúng bay vòng tròn trên độ cao hàng trăm mét, không cần vỗ cánh nhưng vẫn chao lượn nhờ sức gió.
Một khi đã phát hiện ra mồi ngon giữa làn nước gợn sóng, diều hâu sẽ co cánh lao vút xuống như một viên đạn xé dọc bầu trời.
Vì còn phải đi làm, tôi không bao giờ kịp quan sát quá trình bắt mồi dưới nước của diều hâu. Nhưng tôi tin chúng làm rất tốt việc của mình.
Khoảng 2 tuần một lần, tôi trông thấy diều hâu với một con cá bị ghim chặt dưới chân. Cá vẫn thoi thóp, đôi khi vùng vẫy nhưng vẫn bị con thú săn mồi kia xé xác.
Thỉnh thoảng, diều hâu đánh rơi cá xuống làn đường đông đúc. Nó đành phải đợi xe cộ vãn bớt rồi mới phi xuống ăn thịt.
Tôi vẫn di chuyển trên cầu và ngắm nhìn cảnh tượng oai hùng đó - tất cả những sinh vật này, đều có cuộc chiến sinh tồn của riêng chúng. Tôi hay chúng ta, cũng có cuộc chiến sinh tồn theo nhiều cách khác nhau.
Quay trở lại câu hỏi "Bạn nghĩ sao về những người chẳng làm gì cho chính cuộc đời họ?"
Sự thật là tôi chẳng bận tâm nếu người khác không làm gì cho cuộc đời họ. Chỉ cần tôi không phải bắt cá cho họ thôi.