Quan chức Mỹ thừa nhận tiếp tục thất bại trong thử nghiệm vũ khí siêu thanh

Minh Hạnh |

Lực lượng Không quân Mỹ tiết lộ vụ thử mới nhất của hệ thống tên lửa siêu thanh sản xuất bởi nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin đã thất bại, gợi ý rằng quân đội nước này có thể sẽ áp dụng hệ thống tương tự được phát triển bởi nhà thầu Raytheon.

Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall ngày 28/3 cho biết: “Cuộc thử nghiệm mà chúng tôi vừa tiến hành không thành công. Chúng tôi không nhận được dữ liệu cần thiết từ vụ thử đó, vì vậy họ hiện đang kiểm tra dữ liệu để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra.”

Tuyên bố của ông Kendall đề cập đến vụ thử ngày 18/3 của Vũ khí Phản ứng nhanh Phóng từ trên không (ARRW) AGM-183A. Ông Kendall không nêu chi tiết về những gì đã xảy ra với vụ phóng.

Nhưng tuyên bố của ông có thể khiến các nghị sĩ ngạc nhiên vì lực lượng không quân đã đưa ra một thông cáo báo chí vào tuần trước cho biết vụ thử ARRW “đáp ứng một số mục tiêu”. Thông cáo không đề cập đến thất bại của cuộc thử nghiệm.

ARRW được phát triển từ năm 2018, nhưng quá trình này đã bị trì hoãn sau ba vụ thử thất bại vào năm 2021. Đến tháng 5/2022, Lực lượng Không quân Mỹ thông báo vụ phóng thử thành công đầu tiên, cho biết tên lửa đã đạt tốc độ lớn hơn Mach 5, tức gấp năm lần tốc độ âm thanh.

Quân đội Mỹ hiện vẫn chưa có hệ thống tên lửa siêu thanh hoạt động đầy đủ nào, vì Washington đã tụt lại sau Nga và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển loại vũ khí này. Tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ trên Mach 5 và có khả năng cơ động cao nên rất khó bị bắn hạ.

Sau vụ thử ARRW mới nhất, Lực lượng Không quân Mỹ sẽ “tăng cường cam kết” với chương trình siêu thanh khác là tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM) của Raytheon, Bộ trưởng Kendall nói. Quyết định về việc có nên áp dụng ARRW hay không dự kiến sẽ được đưa ra vào năm tới, sau hai lần phóng thử nữa.

Lực lượng Không quân Mỹ được cho là đã nhận khoảng 423 triệu đô la tài trợ cho nghiên cứu và phát triển cho ARRW trong hai năm qua, và đã yêu cầu thêm 150 triệu đô la ngân sách cho năm tài chính tiếp theo.

Tổng số tiền tài trợ cho HACM là 423 triệu đô la chỉ riêng cho năm tài chính hiện tại và Lực lượng Không quân Mỹ có kế hoạch chi thêm 1,9 tỷ đô la cho chương trình trong 5 năm tới.

Bộ trưởng Kendall cho biết chương trình HACM đã “thành công một cách hợp lý” cho đến thời điểm hiện tại. Ông nói thêm: “Chúng tôi thấy HACM có vai trò nhất định. Nó tương thích với nhiều máy bay của chúng tôi hơn và sẽ mang lại cho chúng tôi nhiều khả năng chiến đấu hơn về tổng thể.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại