Quân chính phủ sắp giành lại Đông Ghouta, tại sao Mỹ vẫn lấy cớ tấn công Syria?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chiến dịch quân sự này của Syria và Nga hoàn toàn không vi phạm nghị quyết ngừng bắn 2401 của HĐBA bởi theo quy định, lệnh ngừng bắn không áp dụng với các lực lượng khủng bố.

Lệnh ngừng bắn quan trọng

Ngày 24/2/2018, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết 2401 về một lệnh ngừng bắn nhân đạo 30 ngày, đến nay đã bước sang ngày thứ 20.

Ngoài thời gian ngừng bắn 5 giờ một ngày do Nga quy định, các chiến dịch quân sự kể cả trên bộ và trên không của quân Syria và Nga không những không giảm mà còn vẫn tiếp tục ở mức độ ác liệt hơn.

Quân Syria được Nga yểm trợ đang thắt chặt vòng vây buộc các lực lượng vũ trang đối lập phải rút khỏi Đông Ghouta hoặc phải đầu hàng. Đây có thể là trận đánh lớn cuối cùng của quân chính phủ Syria trước khi nối lại các cuộc đàm phán Geneva.

Các lực lượng đối lập đã không thể đẩy lùi được bước tiến của quân đội chính phủ Syria và Nga.

Chiến dịch quân sự này của Syria và Nga hoàn toàn không vi phạm nghị quyết ngừng bắn 2401 của HĐBA. Nghị quyết 2401 quy định lệnh ngừng bắn không áp dụng với các lực lượng khủng bố.

Quân đội Syria chiếm lại các vị trí quan trọng tại Đông Ghouta.

Đến nay quân đội Syria được sự hậu thuẫn của không quân Nga đã đẩy mạnh các cuộc tấn công từ bốn hướng tiến vào vào Đông Ghouta. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, đến hôm nay quân đội Syria đã kiểm soát được gần 51 km2 trong tổng số 110 km2 diện tích Đông Ghouta.

Ngày 13/3/2018, nhóm chiến binh đầu tiên của Hayet Tahrir Al-Sham và quân đội Syria tự do đã chấp nhận các điều kiện của Damascus rời Đông Ghouta đi về hướng Idlib. Một số nhóm vũ trang đang liên hệ với quân chính phủ Syria để thảo luận việc tách khỏi mặt trận Al-Nousra.

Giữa các nhóm vũ trang đối lập đang có sự chia rẽ, thậm chí đã xảy ra xung đột giữa Faylaq Al-Rahman và Mặt trận Al-Nousra.

Có thể nói kể từ chiến dịch giải phóng Aleppo cuối năm 2016 đến nay, đây là trận chiến ác liệt nhất của quân đội Syria bởi lẽ Đông Ghouta có vị trí chiến lược sống còn đối với chính quyền Damascus.

Các cuộc tấn công bất ngờ của quân chính phủ trên khắp các mặt trận đã làm cho các lực lượng của phe đối lập không kịp trở tay, các phòng tuyến phòng thủ của chúng bị chọc thủng nhanh chóng.

Cuộc chiến Đông Ghouta có tầm quan trọng cực kỳ to lớn. Nếu chiến thắng của quân chính phủ tại Aleppo đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường thì chiến sự tại Đông Ghouta không chỉ là nhân tố xác định tương lai của giải pháp cho cuộc xung đột mà còn định hướng quan hệ giữa Nga và Mỹ tại Syria.

Quân chính phủ sắp giành lại Đông Ghouta, tại sao Mỹ vẫn lấy cớ tấn công Syria? - Ảnh 2.

Công cuộc tìm kiếm người bị nạn dưới đống đổ nát ở Đông Ghouta. Ảnh: AP

Đông Ghouta là tia lửa đầu tiên châm ngòi cho cuộc xung đột Syria và nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng chống chính phủ từ năm 2011. Cuộc chiến tại đây kéo dài đến đầu năm nay không phân thắng bại.

Quân chính phủ Syria, mặc dù được quân Nga và Iran giúp đỡ vẫn không chiếm được khu vực này do hệ thống phòng thủ cực kỳ kiên cố. Các lực lượng đối lập khoảng 30 ngàn chiến binh chỉ tìm cách cố thủ tại đây mà không thể tấn công.

Lá bài mang tên Đông Ghouta

Trước nguy cơ Đông Ghouta thất thủ, Mỹ và phương Tây cố lấy cớ quân chính phủ sử dụng vũ khí hoá học để tấn công Syria nhằm cứu vãn các lực lượng đối lập, nhưng tình hình cho thấy dường như Washington không có ý định can thiệp trực tiếp mà tập trung củng cố sự có mặt của mình ở các khu vực thuộc phía Bắc sông Euphrate, trong đó có căn cứ quân sự Manbij và Idlib.

Tại đây Mỹ có lợi thế là đã thiết lập được quan hệ đồng minh chặt chẽ với các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd, còn ở Đông Ghouta thì không.

Mục tiêu của Mỹ là kiểm soát miền Bắc để làm lá bài gây sức ép đối với Damascus, đặc biệt trong các cuộc đàm phán sắp tới về một giải pháp cho cuộc xung đột Syria.

Quân chính phủ sắp giành lại Đông Ghouta, tại sao Mỹ vẫn lấy cớ tấn công Syria? - Ảnh 3.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, các lực lượng đối lập đang rất lo ngại về khả năng có sự thỏa thuận ngầm giữa Nga và Mỹ xung quanh vấn đề Đông Ghouta trong bối cảnh tình hình thế giới gần đây có những thay đổi nhanh chóng bất ngờ, ví dụ như cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng 5 tới, nhằm bàn các biện pháp giảm căng thảng trên bán đảo Triều Tiên.

Lá bài Đông Ghouta sẽ rơi vào tay chính quyền Damascus.

Các nhà quan sát quân sự cho rằng quân Syria và Nga đang làm chủ trên chiến trường và cuộc chiến giành Đông Ghouta về cơ bản đã được giải quyết sau khi quân chính phủ chiếm được nhiều khu vực quan trọng và chia cắt được khu vực này ra làm ba phần, cô lập các nhóm vũ trang đối lập chính gồm Jayesh Al-Islam, quân đội Syria tự do, Mặt trận Al-Nusra, Hayet Tahrir Al-Sham và Faylaq Al-Rahman.

Các nhóm chiến binh này hoặc phải đầu hàng hoặc sớm muộn gì cũng phải rút khỏi Đông Ghouta.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại