Sputnik cho hay, phát biểu trước các phóng viên vào hôm nay (12/3), Thượng tá Feruz Ibrahim của quân đội Syria nhấn mạnh, các lực lượng quân chính phủ Syria đã phát hiện một xưởng sản xuất đầu đạn hóa học bí mật của quân nổi dậy trong quá trình truy quét làng Aftris ở Đông Ghouta sau khi lực lượng phiến quân rút lui khỏi khu vực này.
“Rõ ràng, số đạn dược này được sản xuất là để tiến hành một cuộc tấn công và đổ lỗi cho quân chính phủ sử dụng vũ khí hóa học”, ông Ibrahim nói.
Trước đó, Tổ chức Cấm phổ biến vũ khí hóa học (OPCW) xác nhận quá trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học được chính phủ Syria giao nộp đã hoàn thành.
Trong thời gian gần đây, Bộ Ngoại giao Syria cũng đã lên tiếng về việc các tay súng phiến quân ở Đông Ghouta có thể đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học sau đó đổ lỗi cho quân chính phủ Syria.
Giới chức Syria nhấn mạnh, Damascus đã sẵn sàng giúp đỡ trước bất cứ cuộc điều tra liên quan tới các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria, song các tổ chức quốc tế lại từ chối hợp tác với chính phủ Syria.
Chính phủ Syria đã nhiều lần bị cáo buộc là thủ phạm sử dụng vũ khí hóa học trong các chiến dịch quân sự kể từ năm 2011. Về phần mình, chính quyền Damascus đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan.
Hồi tuần trước, Trung tâm Tái hòa giải Syria của Nga cho hay các tay súng khủng bố đang chuẩn bị cho kế hoạch khiêu khích bằng cách dùng vũ khí hóa học tấn công ở Đông Ghouta.
Hãng tin Anadolu đưa tin hôm 26/2, tổ chức Mũ bảo hiểm trắng cáo buộc quân chính phủ Syria đã sử dụng khí clo để tấn công thị trấn Al-Shifoniya ở Đông Ghouta.
Tuy nhiên, khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dana White khẳng định Mỹ “vẫn chưa nhận được bất cứ bằng chứng nào” về việc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua nghị quyết 2401 hôm 24/2 nhằm kêu gọi thi hành lệnh ngừng bắn một tháng trên toàn lãnh thổ Syria.
Đông Ghouta đã nằm dưới sự kiểm soát của quân khủng bố từ năm 2012. Theo quân đội Syria, có khoảng 10.000 – 12.000 tay súng phiến quân đang có mặt ở khu vực này. Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn của LHQ, các cuộc giao tranh ở Đông Ghouta vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt ngay cả trong thời gian thi hành cứu trợ nhân đạo.