Hồ Loch Ness là một hồ nước ngọt sâu và cực kỳ rộng lớn của Scotland, với diện tích lên tới... 56 km2. Lượng nước bên trong hồ thậm chí còn nhiều hơn tổng tất cả các hồ tại Anh và Xứ Wales cộng lại.
Nhưng quan trọng hơn, nơi đây lưu truyền một trong những huyền thoại thủy quái gây tranh cãi nhất trong lịch sử: Quái vật hồ Loch Ness.
Tại sao gây tranh cãi? Vì trong nhiều năm, dù không có bằng chứng cụ thể, nhưng có tới cả ngàn người cho rằng đã nhìn thấy Nessie (tên con người đặt cho nó). Vậy rốt cục, nó có tồn tại hay không?
Nguồn gốc và bằng chứng nổi tiếng nhất của Quái vật hồ Loch Ness
Những ghi chép đầu tiên về Nessie đã xuất hiện từ năm 565, trong một cuốn sách viết về thánh Saint Columba. Cuốn sách có đề cập đến một con "thủy quái" đã lôi một người đàn ông xuống nước tại Sông Ness của Scotland.
Nhưng phải mãi đến năm 1933, nhờ một con đường được xây bao quanh hồ giúp nó trở nên bớt cô lập, những câu chuyện về con thủy quái này mới bắt đầu rộ lên.
Nessie - nguồn cảm hứng vô tận của các nhà làm phim
Bắt nguồn từ thông tin của một người đàn ông tên George Spicer, ông cho rằng đã nhìn thấy một sinh vật khổng lồ có cổ dài, bò rất chậm qua trước đầu xe và lết về phía hồ Loch Ness.
Không ai rõ Spicer đã thực sự nhìn thấy gì, nhưng câu chuyện của ông đã thêm phần tin cậy khi sau đó 1 tháng, một người khác là Arthur Grant cũng cho biết anh buộc phải né tránh một con quái vật lúc đang lái xe qua khu vực này vào nửa đêm.
Và rồi tròn 1 năm sau đó, Robert Kenneth Wilson - một bác sĩ ngoại khoa đã cho công bố hình ảnh gây tranh cãi nhất của Nessie. Đó là một tấm hình đen trắng mờ nhạt, cho thấy cái cổ dài và đầu khá nhỏ của một sinh vật kỳ lạ.
Trong suốt thời gian dài, bức ảnh đã được xem như bằng chứng xác thực nhất về sự tồn tại của Nessie. Dựa trên tấm hình, giới chuyên môn đánh giá có thể thấy Nessie sở hữu đặc điểm của khủng long cổ dài. Nhưng đó vốn là loài thở bằng phổi, tức là sẽ phải liên tục giữ đầu nổi sau mỗi vài giây lặn.
Nessie cũng không thể là plesiosaur (một chi khủng long biển), vì đó là những loài có kích thước rất lớn, hồ Loch Ness đơn giản là không đủ thức ăn nuôi nó.
Hơn nữa, plesiosaur cũng không có mang như cá, nên chúng vẫn phải nổi lên lấy không khí sau vài giờ, không thể mất dạng trong nhiều ngày như Nessie được. Vậy nên, khoa học thậm chí đã từng cho rằng đây có thể là một sinh vật hoàn toàn mới.
Plesiosaur - một chi khủng long biển khổng lồ tuyệt chủng từ 60 triệu năm trước
Có điều đến năm 1975, mọi giả thuyết về Nessie bỗng sụp đổ, sau khi bức hình bị chứng minh là được dàn dựng từ một món đồ chơi. Thứ khiến "Nessie fake" bị lộ là do sóng nước xuất hiện trên mặt hồ không khớp với tầm vóc vĩ đại của con quái vật (nếu nó có thực).
Những bằng chứng chưa bao giờ ngưng xuất hiện
Tính đến thời điểm hiện tại, có tới hơn 1.000 trường hợp kể về sự tồn tại của Nessie, thậm chí có đi kèm ảnh tư liệu. Tuy nhiên, đa số đều chỉ gây sốt một thời gian, rồi sau đó bị lật tẩy.
Nổi tiếng nhất có lẽ là bức hình của George Edwards - một người lái thuyền vào năm 2012. Ông chụp được một tấm hình và quả quyết rằng đây chính là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness.
Nhưng chỉ một năm sau đó, ông đã thú nhận rằng đó chỉ là một hình ảnh dàn dựng, bằng hình mẫu Nessie lấy từ tài liệu của National Geographic.
Hay như năm 2014, ứng dụng bản đồ của Apple đã chỉ ra một hình ảnh quái lạ, về một thứ gì đó dài cả chục mét, đang bơi trên mặt hồ. Tuy vậy, giới phân tích cho rằng đó chỉ là một con thuyền đang rẽ sóng mà thôi.
Gần đây nhất là bức hình do Hayley Johnson - du khách từ Manchester (Anh Quốc) chụp vào tháng 5/2017. Anh cho biết mình đã nhìn thấy một hình thù kỳ dị, có màu tối nổi lên tại Vịnh Urquhart - nơi được xem là "chỗ trú ẩn ưa thích" của Nessie.
Bức hình kỳ lạ của Johnson
Con quái vật có thực hay không, và lời giải thích của khoa học
Giới khoa học tất nhiên không thể để yên khi một con quái vật từ thời tiền sử vẫn còn sống cho đến tận ngày nay. Rất nhiều chuyên gia đã tìm cách chứng minh (hoặc bác bỏ) sự tồn tại của nó.
Nổi bật nhất có lẽ là hành trình nghiên cứu lớn nhất lịch sử do BBC thực hiện vào năm 2003. Họ sử dụng đến 600 máy phát siêu âm, cùng công nghệ dò tìm từ vệ tinh để khám phá lòng hồ, nhưng kết quả đem lại chỉ là con số không tròn trĩnh.
Nhiều nghiên cứu sau đó được thực hiện cũng cho kết quả tương tự, khi tuyệt nhiên không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của quái vật hồ Loch Ness.
Để giải thích cho hơn 1.000 trường hợp quả quyết đã nhìn thấy Nessie, các chuyên gia cho biết đa số có lẽ đã nhầm con quái vật với các loài vật to lớn khác, hay thậm chí là các thân gỗ trôi giữa dòng.
Khi nhìn từ xa, những con lươn cỡ lớn, hải ly, hay đôi khi là hươu nai đang bơi cũng có thể bị nhìn nhầm. Ngoài ra, hiệu ứng từ gió cũng làm khả năng quan sát kém đi.
Con người sẽ không bao giờ ngừng tin vào Nessie
Kể cả khi được chứng minh là không có thực, thì những tin đồn về Nessie sẽ không bao giờ biến mất. Nguyên nhân thực sự rất đơn giản: Nessie chính là cái "mỏ tiền" của người dân quanh hồ và với ngành du lịch Scotland.
Xung quanh hồ, khách sạn, nhà nghỉ, cửa hàng bán đồ lưu niệm mọc lên như nấm và rất ăn nên làm ra, vì thế chẳng ai muốn sự thật được hé mở làm gì cả.
Hơn nữa, dù không có bằng chứng về sự tồn tại của Nessie, thì khoa học cũng chưa thể chứng minh loài vật này không tồn tại - giống như trường hợp của linh hồn người chết vậy.
Dù cực kỳ nhỏ nhưng vẫn còn một tỉ lệ cho thấy thực sự có một con quái vật lẩn khuất dưới đáy hồ Loch Ness, và con người sẽ luôn tin vào điều đó.
Còn bạn, bạn có tin vào Quái vật hồ Loch Ness không?
Nguồn: Metro