Tổng Bí thư Tập Cận Bình và các các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tham quan triển lãm thành tựu tại Bắc Kinh ngày 27/9 vừa qua. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Đại hội XX của CPC sẽ khai mạc ngày 16/10 với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới. Một ngày sau khi bế mạc, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bầu ra ban lãnh đạo mới gồm Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
10 năm qua kể từ Đại hội XVIII, thể chế lãnh đạo của CPC đã trải qua những thay đổi to lớn với việc định hình lại vị thế “hạt nhân” và đưa ra “hai xác lập”.
Sau khi thành lập vào năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giành được chính quyền sau 28 năm đấu tranh. Môi trường đấu tranh khốc liệt đã khiến CPC phải thiết lập một thể chế lãnh đạo tập quyền hiệu quả tập trung vào một vị “lãnh tụ” vào giữa những năm 1930. Dựa vào thể chế này, CPC đã đánh bại nhiều đối thủ và đưa Trung Quốc hoàn thành quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng công nghiệp hóa. Tuy nhiên, thể chế tập quyền cao này đã dẫn đến việc sùng bái cá nhân đối với Chủ tịch Mao Trạch Đông và gây ra hậu quả nghiêm trọng của 10 năm Đại Cách mạng Văn hóa.
Vào cuối những năm 1970, ông Đặng Tiểu Bình và các lãnh đạo khác của CPC đã quyết định từ bỏ đường lối “đấu tranh giai cấp” của ông Mao, mở ra thời đại mới của cải cách mở cửa. Năm 1981, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI đã ra Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử, phản tỉnh sâu sắc bài học lịch sử từ Đại Cách mạng Văn hóa, nhấn mạnh việc kiện toàn dân chủ pháp chế, chống sùng bái cá nhân. Kể từ đó, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân, những lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không còn sử dụng danh xưng “lãnh tụ”, mà thay vào đó bằng cách gọi “hạt nhân”.
Sau Đại hội XVI năm 2002, cách diễn đạt “Trung ương Đảng do đồng chí Hồ Cẩm Đào làm Tổng Bí thư” đã thay thế cách nói “Trung ương Đảng do đồng chí Giang Trạch Dân làm hạt nhân”, cho thấy sau “lãnh tụ”, cách nói “hạt nhân” cũng rút lui khỏi chính trường Trung Quốc kể từ thời điểm này.
Tuy nhiên, trong thời đại không có “hạt nhân”, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng, như quyền lực trung ương yếu, nạn tham nhũng tràn lan, đến thời kỳ cuối thậm chí còn biến thành “chính sách không ra khỏi Trung Nam Hải” hay “Cửu long trị thủy”. “Cửu long trị thủy” là khái niệm được truyền thông quốc tế đề cập, chỉ cơ chế lãnh đạo mà 9 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào được phân chia quyền lực tương đối đồng đều và mỗi người gần như nắm “quyền lực tuyệt đối” trong hệ thống mình kiểm soát. Sự tiêu cực của cơ chế trên đã tạo ra những “hổ lớn” tham nhũng như cựu Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang, nhân vật một thời được gọi là “trùm an ninh” Trung Quốc.
Thể chế và văn hóa chính trị của Trung Quốc vốn luôn coi trọng quyền uy và trật tự. Việc thiếu quyền uy ở cấp cao nhất đã dẫn đến một loạt vấn đề nghiêm trọng, như sự tràn lan của các bè phái trong đảng và nạn tham nhũng vượt tầm kiểm soát.
Sau Đại hội XVIII năm 2012, ông Tập Cận Bình đảm nhiệm 3 chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Chủ tịch nước, đồng thời bắt đầu mạnh tay chấn chỉnh tác phong trong đảng và siết chặt kỷ luật, thiết lập lại quyền uy của Trung ương.
Để thiết lập lại quyền uy Trung ương trước hết đòi hỏi phải tạo dựng được uy quyền cá nhân. Ông Tập Cận Bình đã nắm được điểm mấu chốt trong xã hội Trung Quốc là căm ghét tham nhũng, với sự quyết đoán chưa từng có, ông đã ra tay xử lý hàng loạt quan tham cỡ bự, như Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Tôn Chính Tài, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị và Lệnh Kế Hoạch, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng, không chỉ răn đe các phần tử tham nhũng và những kẻ chống đối trong đảng, mà còn giành được sự tán thưởng của xã hội, uy tín cá nhân tăng lên nhanh chóng.
Ở cấp độ tổ chức, CPC bắt đầu xây dựng lại cơ cấu quyền lực “đảng lãnh đạo mọi mặt”, thiết lập và xây dựng lại một số Tiểu tổ lãnh đạo (tương đương Ban chỉ đạo) Trung ương do chính ông Tập đứng đầu, bao gồm Tiểu tổ lãnh đạo Trung ương về đi sâu cải cách toàn diện, Tài chính Kinh tế, Đối ngoại... Các tiểu ban quyết sách này đã tạo ra rất nhiều sự điều chỉnh trong cơ cấu quyền lực cấp cao, hiện thực hóa và củng cố vai trò lãnh đạo toàn diện của ông Tập Cận Bình trong 5 lĩnh vực chính là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và sinh thái. Sau Đại hội XIX năm 2017, một số tiểu tổ lãnh đạo đã được nâng cấp thành ủy ban và tiếp tục do ông Tập lãnh đạo.
Tháng 1/2015, ông Tập chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, nghe báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội), Quốc vụ viện (Chính phủ) và Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Mặt trận), cũng như báo cáo công tác của Ban Bí thư. Điều này có nghĩa là 4 lãnh đạo của 4 cơ quan này, đều phải báo cáo với Thường vụ Bộ Chính trị và ông Tập Cận Bình. Kể từ đó, các cuộc họp báo cáo như vậy đã được tổ chức vào đầu mỗi năm và được các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là “sự sắp xếp thể chế quan trọng nhằm duy trì sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Cuối năm 2015, ông Tập Cận Bình tiếp tục tiến hành cuộc cải cách quân đội. Đây là cuộc cải cách mạnh mẽ và sâu rộng nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc kể từ khi thành lập nước năm 1949. Cuộc cải cách đã bãi bỏ “4 tổng bộ” (theo cách gọi của Trung Quốc, gồm Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Trang bị), thành lập 15 cục chức năng của Quân ủy Trung ương, chuyển 7 quân khu thành 5 chiến khu, thiết lập một thể chế mới trong đó Quân ủy Trung ương quản lý chung, chiến khu phụ trách chiến đấu, quân chủng chịu trách nhiệm xây dựng quân đội.
Sau vài năm, quân đội Trung Quốc về cơ bản đã hoàn thành việc cải cách thể chế lãnh đạo chỉ huy, cải cách cơ cấu quy mô và thành phần lực lượng, cũng như cải cách chế độ chính sách quân sự. Việc cải cách quân đội Trung Quốc không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cải cách của ông Tập Cận Bình trong việc hiện đại hóa quân đội, mà còn thể hiện khả năng siêu kiểm soát của ông đối với quân đội Trung Quốc.
Từ đó, quyền lực thực tế của ông Tập không chỉ vượt qua những người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, mà thậm chí có thể sánh ngang với Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư trưởng của cải cách mở cửa, trở thành một “cường nhân chính trị” tiếp theo của CPC sau ông Đặng, và các điều kiện để khôi phục danh xưng “hạt nhân” đã dần chín muồi.
Tháng 1/2016, cuộc họp của Bộ Chính trị đã yêu cầu toàn đảng phải nâng cao “bốn ý thức” (ý thức chính trị, ý thức đại cục, ý thức hạt nhân, ý thức nhất trí). Đây là lần đầu tiên hai chữ “hạt nhân” xuất hiện trở lại trên chính trường Trung Quốc sau hơn 10 năm. Tháng 10 cùng năm, Hội nghị Trung ương 6 khóa XVIII chính thức dùng cách biểu đạt “Trung ương Đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân”, cho thấy sau 4 năm nỗ lực, CPC do ông Tập Cận Bình lãnh đạo đã hoàn thành việc tái định hình vị thế “hạt nhân”.
Tháng 10/2017, Đại hội XIX chính thức đưa ra “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, cùng với tư tưởng Mao Trạch Đông và lý luận Đặng Tiểu Bình, trở thành tư tưởng chỉ đạo của CPC. Cùng tháng, Bộ Chính trị khóa XIX thông qua quy định, hàng năm các lãnh đạo chủ chốt như Ủy viên Bộ Chính trị phải báo cáo công tác với Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình bằng văn bản.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình mỗi năm đều “nghiêm túc đọc duyệt các báo cáo công tác và đưa ra các yêu cầu quan trọng”, điều này đồng nghĩa với việc ở cả cấp độ cơ chế và thực tiễn tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị vừa phải chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vừa phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cao nhất, đồng thời do lãnh đạo tối cao đánh giá xem các Ủy viên Bộ Chính trị có đủ năng lực và làm tròn trách nhiệm hay không.
Tháng 3/2018, Hội nghị lần thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua Hiến pháp sửa đổi, bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước, đồng thời đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Hiến pháp sửa đổi, khiến ông Tập trở thành nhà lãnh đạo thứ 3 của Trung Quốc có tên trong Hiến pháp sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Tháng 10/2018, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã sửa “Điều lệ xử lý kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, nhấn mạnh phải “thông qua kỷ luật chính trị nghiêm minh và các quy tắc chính trị, thúc đẩy tổ chức đảng các cấp và cán bộ đảng viên luôn tự giác duy trì sự nhất quán cao độ với Trung ương Đảng do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân về lập trường chính trị, phương hướng chính trị, nguyên tắc chính trị và đường lối chính trị, bảo đảm quyền quyết định cuối cùng của Trung ương Đảng và một người lãnh đạo duy nhất (Định vu nhất tôn)”.
Từ Đại hội XVIII đến Đại hội XIX, CPC đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng như định hình lại vị thế “hạt nhân”, đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” trở thành tư tưởng chỉ đạo của CPC và sửa đổi Hiến pháp. Đây là những thay đổi lớn lao trong cơ cấu quyền lực cấp cao nhất và thể chế quyết sách ở nước này. Đây cũng là thời kỳ thể chế lãnh đạo của CPC quá độ thành công sang thời đại “Định vu nhất tôn” (lấy một người được tôn kính hoặc học thuyết uy tín làm tiêu chí để phân định đúng sai) của ông Tập Cận Bình, chấm dứt hoàn toàn cục diện “Cửu long trị thủy” dưới thời ông Hồ Cẩm Đào.
Bên cạnh đó, để củng cố và tăng cường vị thế “hạt nhân” của ông Tập, cần sự hỗ trợ về mặt lý luận một cách toàn diện và có hệ thống.
Năm 2021, CPC kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Ngoài việc tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm trọng thể, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX tổ chức vào tháng 11 đã thông qua “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu to lớn và kinh nghiệm lịch sử sau 100 năm phấn đấu”. Đây là nghị quyết lịch sử thứ ba do CPC đưa ra dưới danh nghĩa một phiên họp toàn thể. Hai nghị quyết trước đó đã xác lập vị thế lãnh tụ và hạt nhân của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Nghị quyết thứ ba tập trung đề cao những thành tựu của CPC trong 100 năm qua và tổng kết kinh nghiệm lịch sử, nhưng trọng tâm là “hai xác lập”. Nghị quyết đề cập đến 5 thế hệ lãnh đạo của CPC, gồm Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, nhưng tần suất rất khác nhau. Trong số đó, tên của Mao Trạch Đông xuất hiện 18 lần, Đặng Tiểu Bình 6 lần, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào mỗi người một lần, trong khi tên của Tập Cận Bình lên đến 22 lần.
Nghị quyết đã đồng thời gọi Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình và Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới là “bước nhảy vọt” trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, trong khi “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “Quan điểm phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào không phải là những “bước nhảy vọt”.
Nghị quyết đã dùng nhiều trang để liệt kê những thành tựu và kinh nghiệm của CPC trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự, ngoại giao và bảo vệ sinh thái sau khi ông Tập Cận Bình nhậm chức Tổng Bí thư năm 2012.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Đảng xác lập vị thế đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân của Trung ương Đảng, hạt nhân của toàn Đảng, xác lập vị thế chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, đã phản ánh nguyện vọng chung của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân các dân tộc trên cả nước, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển sự nghiệp của Đảng và đất nước trong thời kỳ mới, cũng như thúc đẩy tiến trình lịch sử phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa."
Sau Hội nghị Trung ương 6 khóa XIX, Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền mạnh về “ý nghĩa quyết định” của “hai xác lập”, cho rằng đó không chỉ là thành quả lớn nhất của Nghị quyết lịch sử thứ ba, mà còn là thành quả chính trị quan trọng nhất kể từ sau Đại hội XVIII, có ý nghĩa thực tiễn to lớn và ý nghĩa lịch sử sâu rộng trong việc thúc đẩy toàn đảng tăng tình đoàn kết, tăng cường niềm tin, nâng cao tinh thần chiến đấu, giành những thắng lợi vĩ đại mới của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới.
Dự kiến, Đại hội XX sắp diễn ra sẽ là dịp CPC tổng kết tiếp kinh nghiệm điều hành đất nước của ông Tập Cận Bình trong 10 năm qua, làm phong phú thêm hệ thống lý luận “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”, để “hai xác lập” trở thành tư tưởng chỉ đạo và đảm bảo chính trị cho CPC đạt được các mục tiêu phấn đấu trong những năm tới, tức đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa và vào giữa thế kỷ xây dựng được cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại./.