Quá khứ lận đận sau vẻ hào nhoáng của khách sạn Sheraton Hà Nội: Nhân viên bỏ đi vì khủng hoảng kinh tế, bị ông chủ rao bán nhiều năm

Hoàng Thùy (Tổng hợp) |

Sheraton Hà Nội là một trong số các khách sạn 5 sao sang trọng tại Hà Nội, sở hữu vị trí đắc địa ngay cạnh Hồ Tây. Tuy nhiên, khách sạn này đã phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng kinh tế lớn, khiến doanh thu liên tục trượt dài.

Với vị trí đắc địa ngay cạnh Hồ Tây, Sheraton Hà Nội là khách sạn 5 sao được nhiều du khách nước ngoài lựa chọn khi ghé thăm Hà Nội. Tuy nhiên, ít người biết rằng phía sau vẻ đẹp sang trọng, hào nhoáng ấy, khách sạn này từng trải qua quá khứ khá gập ghềnh.

Thuở khai sinh: Bị chính "cha đẻ" ruồng bỏ

Sheraton Hà Nội được khởi công xây dựng từ năm 1993 bởi Tập đoàn Faber Group. Thật không may, vận đen sớm đến với Tập đoàn khi công trình không thể hoàn thành đúng kế hoạch vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 từ Thái Lan.

Theo lời kể của Financial Times, cuối năm 1997, 300 nhân viên cùng 299 phòng của Sheraton Hà Nội đã hoàn tất công tác chuẩn bị để sẵn sàng đón những vị khách đầu tiên. Thậm chí, phòng bếp được đưa vào thực hành nấu nướng dưới sự giám sát chặt chẽ của Giám đốc điều hành.

Thế nhưng hơn nửa năm sau, tới tháng 7/1998, nhân viên lũ lượt ra đi, điện thoại bị cắt, tòa nhà 18 tầng hoàn toàn trống rỗng.

"Họ hết tiền rồi" – một tài xế taxi ở gần cổng khách sạn đã đóng cho biết. Thậm chí trước khi khách sạn hoàn thành hoặc có người đến ở, Sheraton Hà Nội đã bị rao bán. Công trình bên Hồ Tây này cùng chung số phận với nhiều khách sạn khác tại Malaysia và Nam phi do Faber Group sở hữu bởi thời điểm đó, tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn.

Dẫu vậy, kế hoạch "bán tháo" Sheraton Hà Nội không thành công, hoạt động của khách sạn trong suốt thời gian khủng hoảng bị trì trệ. Faber Group đành tiếp tục hoàn thiện Sheraton và phải đến năm 2004, khách sạn mới mở cửa chính thức, với đúng thiết kế ban đầu: 18 tầng, 299 phòng. Không gian của khách sạn không chỉ có dấu ấn của kiến trúc Pháp mà còn mang nhiều nét đặc trưng của văn hóa Hà Nội, điều mà ít khách sạn 5 sao tại Thủ đô có được.

Không lâu sau, nơi đây đã vinh dự được đón tiếp cựu Tổng thống Mỹ - George W. Bush khi ông đến tham dự hội nghị APEC và thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 11/2006. Khi ấy, phía Mỹ đã thuê trọn tầng 18 của khách sạn để dành cho Tổng thống. Tuy nhiên, không ai biết rõ ông Bush ở đâu trong 3 phòng. Toàn bộ tầng 18 và hành lang được lực lượng an ninh Mỹ phụ trách, không ai có thể tiếp cận.

 Quá khứ lận đận sau vẻ hào nhoáng của khách sạn Sheraton Hà Nội: Nhân viên bỏ đi vì khủng hoảng kinh tế, bị ông chủ rao bán nhiều năm  - Ảnh 1.
 Quá khứ lận đận sau vẻ hào nhoáng của khách sạn Sheraton Hà Nội: Nhân viên bỏ đi vì khủng hoảng kinh tế, bị ông chủ rao bán nhiều năm  - Ảnh 2.
 Quá khứ lận đận sau vẻ hào nhoáng của khách sạn Sheraton Hà Nội: Nhân viên bỏ đi vì khủng hoảng kinh tế, bị ông chủ rao bán nhiều năm  - Ảnh 3.
 Quá khứ lận đận sau vẻ hào nhoáng của khách sạn Sheraton Hà Nội: Nhân viên bỏ đi vì khủng hoảng kinh tế, bị ông chủ rao bán nhiều năm  - Ảnh 4.

Ngoài ra, Sheraton Hà Nội cũng từng đón tiếp Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và nhiều chính trị gia nổi tiếng khác như Nhà vua, Hoàng hậu Nhật Bản.

Sóng gió chưa ngưng

Sau khi mở cửa trở lại, tình hình kinh doanh của Sheraton Hà Nội như bước sang trang mới. Một báo cáo cho biết, tại thời điểm 31/12/2006, tỷ lệ lấp đầy tại Sheraton đã chạm mốc 75,4%.

Đây cũng là cái tên hiếm hoi trong giới khách sạn sớm có lợi nhuận ngay say khi hoạt động, không những vậy mà còn tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2005-2007, tỷ suất sinh lời luôn dao động từ 50-60%.

Cụ thể, doanh thu năm 2005, 2006, 2007 của Sheraton lần lượt đạt 10 triệu USD, 20 triệu USD và 44 triệu USD. Trong khi đó, lợi nhuận lần lượt đạt 6,9 triệu USD, 13 triệu USD và 23 triệu USD.

 Quá khứ lận đận sau vẻ hào nhoáng của khách sạn Sheraton Hà Nội: Nhân viên bỏ đi vì khủng hoảng kinh tế, bị ông chủ rao bán nhiều năm  - Ảnh 5.

Dẫu vậy, "cha đẻ" Faber Group vẫn quyết tìm cách rời bỏ đứa con của mình. Đến năm 2007, Sheraton đã được chuyển nhượng qua tay Tập đoàn Berjaya của doanh nhân khét tiếng người Malaysia - Vincent Tan. Thương vụ này trị giá 68,2 triệu USD (khoảng 995 tỷ đồng tại thời điểm đó). Trong khi ấy, Faber Group kiếm được khoản lợi nhuận khá khiêm tốn, khoảng 10,9%.

Nhưng thật không may, khi thương vụ vừa hoàn thành không bao lâu, Sheraton và Berjaya lại đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, khiến khách sạn rơi vào cuộc trượt dốc dài lần thứ hai. Tỷ lệ lấp đầy tại đây từ 75,4% giảm xuống chỉ còn hơn 50% vào năm 2009.

 Quá khứ lận đận sau vẻ hào nhoáng của khách sạn Sheraton Hà Nội: Nhân viên bỏ đi vì khủng hoảng kinh tế, bị ông chủ rao bán nhiều năm  - Ảnh 6.

Dù Berjaya tự chấn an mình rằng "trong tương lai khách sạn sẽ hoạt động tốt" nhưng tỷ lệ lấp đầy của Sheraton Hà Nội liên tục lên xuống thất thường. Phải đến năm 2016, khách sạn mới lấy lại được phong độ như hồi trước khủng hoảng.

Đây cũng là năm đầu tiên kết quả kinh doanh của Sheraton Hà Nội được tiết lộ sau khi về với Berjaya. Theo đó, nhờ tỷ lệ lấp đầy tăng vọt lên 82,9%, khách sạn ghi nhận mức tăng doanh thu 29,6% lên khoảng 15,3 triệu USD. Những năm sau đó, doanh thu cũng chỉ dao động từ 15-20 triệu USD. Năm 2019, trước thềm đại dịch Covid-19, Sheraton chỉ thu về 19,7 triệu USD, chưa bằng một nửa thành tích năm 2007.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại