Đề xuất Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô
UBND TP Hải Phòng vừa có công văn gửi Bộ GTVT tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Đáng chú ý, UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô.
Theo UBND TP Hải Phòng, tại Nghị quyết số 45/NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2045, TP Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.
UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô.
Do đó, UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số 2 Vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, Tại dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương, cảng hàng không quốc tế thứ hai vùng Thủ đô có công suất 50 triệu hành khách/năm được đề xuất nghiên cứu sau năm 2030.
Vị trí chính xác sân bay Tiên Lãng ở đâu?
Năm 2010, Hải Phòng đã có tờ trình đề xuất vị trí xây dựng sân bay tại các xã: Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng thuộc huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Đây là vị trí nằm trong trung tâm vùng tam giác kinh tế trọng điểm miền Bắc gồm Thủ đô Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vùng duyên hải Bắc Bộ, là một trong những khu vực có điều kiện phát triển nhanh và năng động nhất cả nước.
Hơn nữa, khu vực quy hoạch là địa hình tương đối bằng phẳng, điều kiện thời tiết khí hậu trong khu vực thuận lợi cho hoạt động bay vì nằm sát biển, ít núi cao nên quy hoạch vùng trời, tĩnh không tiếp cận không bị ảnh hưởng bởi địa hình, địa vật xung quanh, khai thác được các loại máy bay lớn như B747, A380... Chính vì thế, CHKQT Hải Phòng càng tăng khả năng kết nối giữa các trung tâm đô thị, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ bằng đường bộ, đường sắt, đường thủy…
Sân Bay Tiên Lãng thuộc 4 xã: Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng
Trên cơ sở đó, ngày 28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 640/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch vị trí Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng với diện tích gồm 4.500ha thuộc 4 xã: Vinh Quang, Tiên Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Quy mô đạt cấp 4F có thể tiếp nhận các loại máy bay B747, A380.
Các khu chức năng gồm: Hệ thống đường cất-hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu điều hành bay, khu điều hành khai thác, khu công nghiệp hàng không, thành phố sân bay, khu phụ trợ... Mục tiêu của dự án là giảm tải cho CHKQT Nội Bài và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội không chỉ riêng cho Hải Phòng mà còn cả khu vực, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Tổng vốn dự kiến cho CHKQT Hải Phòng là 12 tỷ USD, trong đó giai đoạn 1 đến 2025 cần 3,3 tỷ USD, giai đoạn 2 đến 2035 cần 3,6 tỷ USD, giai đoạn 3 đến 2050 cần 5,1 tỷ USD. Căn cứ quyết định trên, Bộ Giao thông - Vận tải vừa có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị nghiên cứu đầu tư Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng vào một thời điểm thích hợp, có thể là sau giai đoạn 2025-2030.
Như vậy có thể nói xây dựng CHKQT Hải Phòng đã được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và đã phê duyệt quy hoạch vị trí.
Liệu đất có tăng giá vù vù?
Ngay sau thông tin Hải Phòng đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2, giới đầu tư BĐS đã râm ran câu chuyện đất cát tại Tiên Lãng. Nhiều người lo ngại giới đầu tư và cò nậu sẽ đổ vào đây tạo thành những cơn sốt ảo như cơn sốt khu vực ven sân bay Téc-níc Hớn Quản (Bình Phước) vừa xảy ra trong tháng 2 vừa qua.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá nhà đất xung quanh các khu vực xây dựng sân bay hiện đang còn khá thấp. Cụ thể, tại xã Vinh Quang giá đất trong ngõ 3m khoảng 3,5 triệu đồng/m2, đất mặt đường lớn, vị trí đẹp khoảng 15-20 triệu đồng/m2. Tại xã Đông Hưng, Tây Hưng, Tiên Hưng giá đất vẫn còn khá thấp khi chỉ 1,5-3 triệu đồng/m2 đất thổ cư vị trí ngõ hẹp, hơn 10 triệu đồng/m2 đối với các vị trí mặt đường.
Câu chuyện sân bay Tiên Lãng gợi cho nhiều nhà đầu tư nhớ đến bài học sốt đất Hớn Quảng (Bình Phước) vừa xảy ra. Theo đó, đầu năm 20211 thông tin về quy hoạch sân bay Téc-níc mới chỉ là đề xuất của tỉnh Bình Phước và Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến chính thức thế nhưng giới “cò” đất đã “thổi” giá khiến có những thửa tăng đến hơn 10 lần chỉ sau một ngày.
Hàng ngày có hàng trăm “cò” đất kéo đến khu vực ven sân bay Téc-níc Hớn Quản (Bình Phước) để chèo kéo, dụ dỗ người dân mua bán đất, khiến vùng quê nghèo trở nên náo động bất thường. Tuy nhiên, chỉ khoảng nửa tháng sau, cơn sốt đã nhanh chóng bị vỡ, nhiều nhà đầu tư khóc ròng bởi chưa kịp rút chân.
Những “kịch bản” cơn sốt đất cũng từng diễn ra tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây một năm, hay xa hơn vào năm 2019 tại Phan Thiết, Bình Thuận cùng với một kịch bản. Ví dụ điển hình nhất là cơn sốt đất Bình Ba khiến không ít nhà đầu tư thứ cấp phải "khóc ròng" vì không kịp thoát.
Theo đánh gia của TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam, việc có sân bay tại địa phương không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị bất động sản và tạo sức hút trên thị trường bao gồm đầy cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội như trường học bệnh viện, giao thông thuận lợi, và cơ hội nghề nghiệp.
"Nhìn chung thì rõ ràng hiện tượng sốt đất vẫn đang tiếp diễn và có thể dẫn đến những hệ quả trước mắt cho người dân địa phương từ việc họ mất đi nguồn thu nhập chính. Đồng thời đối với những nhà đầu tư cá nhân mạo hiểm nào đã dùng đến đòn bẩy kinh tế thì họ rất có thể sẽ mất khả năng chi trả nếu thị trường không đạt như kì vọng và gánh nặng tài chính quá lớn", ông Khương cho biết.