Quá khứ hơn 1.000 ngày lẩn trốn của nữ bị cáo có tài… “đóng thế”

An Dương |

Sau khi bị khởi tố điều tra, Lê Thị Bi (tên gọi khác là Hòa, SN 1985, ngụ xã Bình Phú, TP. Bến Tre) liền “cao chạy xa bay” để né tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tuy nhiên, sau hơn 1.000 ngày lẩn trốn, Bi đã bị bắt giữ.

Trước vành móng ngựa TAND TP. Hồ Chí Minh, Bi đã khai nhận toàn bộ hành vi làm “diễn viên đóng thế”, giúp sức cho các đối tượng làm giả con dấu tài liệu chiếm đoạt tài sản

Theo cáo trạng và lời khai của Lê Thị Bi tại phiên tòa, Bi sinh ra trong một gia đình nghèo, học đến lớp 6, Bi nghỉ ngang rồi sau đó sống lang thang nay đây, mai đó.

Do không có công việc ổn định nên Bi luôn sống trong cảnh khó khăn. Biết hoàn cảnh của Bi, Nguyễn Thị Tâm liền lợi dụng, rủ rê Bi tham gia “đóng thế” người bán nhà đất để gài bẫy những “con mồi” nhẹ dạ cả tin.

Theo đó, Nguyễn Thị Tâm quen biết với Phan Thị Đoan Trang từ năm 2011 qua một “thương vụ” mua bán đất tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Đến đầu năm 2012, Trang bàn bạc với Tâm làm giấy tờ nhà đất, đem thế chấp lấy tiền chia nhau tiêu xài. Nghe xong, Tâm đồng ý, Trang liền photocopy hộ khẩu gia đình Trang giao cho Tâm làm giả.

Ngày 4/4/2012, Tâm làm bộ hồ sơ nhà đất giả mang tên Ngô Thị Phương Linh, bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cùng nhiều giấy tờ giả khác về khu đất tọa lạc tại 306A phường Tây Thạnh, quận Tân Phú rồi đưa cho Trang.

Sau đó, Trang nhờ người đưa số giấy tờ giả này đến quán Sinh Đôi trên đường Tây Thạnh (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) giao cho anh Trần Quốc Cường giữ giùm.

Khoảng 12 giờ ngày 10/4/2012, thông qua một người phụ nữ tên Mai, Trang và Tâm biết anh Ngô Trường Nguyên có nhận cầm nhà đất.

Trang và Tâm liền nhờ Mai môi giới cầm giấy tờ nhà đất 306A đường Tây Thạnh lấy 500 triệu đồng và hẹn đến quán Sinh Đôi để giao dịch.

Trang cũng phân công Tâm tìm người đóng giả tên là Ngô Thị Phương Linh (thông tin chủ nhà trên giấy tờ giả) để thực hiện việc thế chấp.

Tâm liền nhớ đến Lê Thị Bi và nhờ Bi đóng giả, Tâm dụ dỗ: “Em chỉ cần giới thiệu mình là chủ nhà đất Ngô Thị Phương Linh, mọi việc chị sẽ đạo diễn hết. Xong việc, chị gửi em thù lao 10 triệu đồng”.

Thấy việc “đóng thế” nhàn hạ và được trả tiền hậu hĩnh, Bi liền gật đầu, không suy nghĩ đến hậu quả.

Để “vai diễn” đúng kịch bản, Tâm yêu cầu Bi cung cấp hình ảnh để dán lên chứng minh nhân dân mang tên Ngô Thị Phương Linh.

Khoảng 16 giờ ngày 10/4/2012, Tâm và Bi đón taxi đến quán Sinh Đôi lấy giấy tờ để đưa cho anh Nguyên để thực hiện giao dịch thế chấp, nhận 500 triệu đồng.

Đúng lúc này, Công an phường Tây Thạnh (quận Tân Phú) có mặt lập biên bản tạm thu giữ số giấy tờ, mời các đối tượng về trụ sở làm việc.

Tại Công an phường Tây Thạnh, các đối tượng Trang, Tâm và Bi khai nhận toàn bộ hành vi nêu trên. Qua kết luận giám định và xác minh của cơ quan chức năng, toàn bộ hồ sơ nhà đất nói trên đều bị làm giả, địa chỉ nhà đất cũng không có thật.

Ngày 5/10/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Phú ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Lê Thị Bi về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Tuy nhiên, Bi không có mặt ở nơi cư trú. Cơ quan điều tra phát lệnh truy nã, đến ngày 6/3/2016, Bi mới sa lưới pháp luật.

Qua lời khai của Lê Thị Bi và diễn biến tại phiên tòa cho thấy hành vi của bị cáo là đồng phạm giúp sức cho Phan Thị Đoan Trang và Nguyễn Thị Tâm; tính chất, mức độ phạm tội khá giản đơn do bị cáo nhất thời hám lợi, “đóng thế” để hưởng khoản tiền bất chính 10 triệu đồng.

Chính vì thế, HĐXX tuyên bị cáo Bi 10 tháng tù giam về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu là Phan Thị Đoan Trang, ngoài hành vi làm giả giấy tờ nêu trên, Trang còn thực hiện nhiều phi vụ "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức", hiện TAND TP. Hồ Chí Minh đang thụ lý, giải quyết.

Riêng đối tượng dẫn Bi vào con đường tù tội là Nguyễn Thị Tâm, hiện Cơ quan cảnh sát điều tra vẫn đang truy nã Tâm về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức".

Mọi hành vi phạm tội đều sẽ bị xử lý, trường hợp của bị cáo Lê Thị Bi là một minh chứng rõ ràng. Trong quãng thời gian hơn 1.000 ngày lẩn trốn,

Bi luôn sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ, liên tục phải thay đổi chỗ ở để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện.

Đó là những chuỗi ngày đầy đau khổ, là chương đen tối trong cuộc đời bị cáo nhưng rút cuộc Bi cũng không thể trốn thoát. Hãy đối diện với pháp luật, chấp nhận đối mặt, trả giá cho sai lầm để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Chính vì lẽ đó, những bị can đang lẩn trốn lệnh truy nã, trong đó có Tâm cần sớm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra trình diện để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại