Qatar: Từ đất nước nghèo đói, sống nhờ nghề đánh bắt cá đến vùng đất của những tỷ phú thế giới

Lam Thiên |

Trước khi trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng ngoại giao với 4 quốc gia láng giếng, Qatar từng nổi tiếng nhờ sức mạnh kinh tế hàng đầu thế giới, dù xuất phát điểm họ chỉ là nước sống dựa vào nghề đi biển và nuôi ngọc trai.

Vùng đất nằm sâu trong vùng vịnh với khí hậu khắc nghiệt có tên Qatar vốn chẳng nổi bật vào những năm trước 1940. Khi ấy, người dân của bán đảo này sống dựa chủ yếu vào nghề đánh bắt cá và khai thác ngọc trai bên bờ Tây vịnh Ả rập.

Những năm 1920-1930, kinh tế Qatar rơi vào khó khăn khi ngành công nghiệp xuất khẩu trọng yếu của họ là ngọc trai gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ Nhật Bản. Phần lớn người dân rơi vào cảnh nghèo đói, suy dinh dưỡng và bệnh tật.

Năm 1939, lịch sử kinh tế của Qatar bước sang một trang mới khi người ta phát hiện ra dầu mỏ tại bán đảo này. Tuy vậy, quá trình khai thác bị trì trệ do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới thứ 2, và chỉ có thể nối lại vào năm 1949. 30 năm sau đó, Qatar phát hiện thêm những mỏ khí tự nhiên, với trữ lượng lên tới 7.000 km³, lớn thứ 3 trên thế giới.

Theo báo cáo về dầu mỏ năm 2012, Qatar sở hữu khoảng 15 tỷ thùng dầu và 13% tổng tài nguyên khí toàn cầu, là một thành viên của tổ chức xuất khẩu dầu mỏ OPEC. Nếu khai thác hết công suất (khoảng nửa triệu thùng mỗi ngày), trữ lượng dầu của Qatar có thể cạn kiệt vào năm 2023, nhưng các mỏ khí vẫn đủ giúp duy trì nguồn thu cho ngân sách.

Nguồn thu từ dầu khí dù kéo theo nhiều cuộc tranh chấp quyền lực nhưng cũng mang lại sự thay đổi lớn về diện mạo của quốc gia vùng Vịnh. Từ một đất nước nghèo đói, Qatar bật lên trở thành "thành phố của tương lai", với lương thực thực phẩm phần lớn nhập khẩu từ nước ngoài, nước ngọt được khử mặn từ nước biển, và hàng nghìn công trình chọc trời với thiết kế "không tưởng".

Có sự tài trợ từ nguồn tài nguyên quốc gia, Qatar duy trì một chính sách thuế "thiên đường", ở mức 0%. Cùng với Bahrain, Qatar là một trong những nước có thuế thu nhập cá nhân thấp nhất thế giới.

Theo các báo cáo của WB, IMF, sau thời kỳ suy thoái kinh tế từ năm 1982 đến 1989 do giá dầu giảm thấp, Qatar lấy lại được vị thế hàng đầu của mình. GDP đầu người của quốc gia này đứng thứ 4 trên thế giới năm 2016, khoảng 130.000 USD/người/năm.

Với dân số hơn 2 triệu người, không một người dân nào của bán đảo này phải đối mặt với cuộc sống dưới mức nghèo khổ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cực thấp, chỉ 0,1%. Trong danh sách tỷ phú thế giới, Qatar có 2 đại diện, với tổng giá trị tài sản gần 4 tỷ USD.

Không chỉ lớn mạnh trong biên giới, hoạt động của Qatar cũng vươn tầm sang nước ngoài nhờ hàng loạt hoạt động đầu tư thông qua Quỹ đầu tư quốc gia The Qatar Investment Authority. Quỹ có trị giá 335 tỷ USD của nước này bơm hơn 30 tỷ USD vào cổ phiếu và hàng tỷ USD vào nhiều bất động sản, năng lượng....

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại