Trong bất cứ thời điểm nào, trên thị trường tuyển dụng sẽ luôn có rất nhiều ứng viên và doanh nghiệp chờ đợi để tìm kiếm cơ hội tiếp cận với nhau. Thông qua nhiều con đường tiếp cận, đơn vị tuyển dụng sẽ dựa vào nhu cầu, tiêu chí riêng của đơn vị mình để sàng lọc thông tin sơ lược trên hồ sơ, CV của những ứng viên đó. Sau khi đã qua vòng hồ sơ, ứng viên sẽ tiếp tục phải trải qua một hoặc nhiều vòng phỏng vấn trực tiếp với đơn vị tuyển dụng, tùy vào tính chất của công việc, sau đó mới có cơ hội đạt được vị trí mà họ yêu thích.
Do đó, các cuộc phỏng vấn đóng vai trò rất quan trọng đối với công ty, là bước nền tảng để nhà quản lý có thể phát hiện và lựa chọn những tài năng phù hợp từ nhiều ứng viên khác nhau. Và người chịu trách nhiệm phỏng vấn thí sinh ứng tuyển cũng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn để đạt được kết quả đánh giá mỗi người thích hợp nhất.
Mỗi một buổi phỏng vấn ngày nay diễn ra giống như một cuộc chiến thật sự giữa ứng viên tìm việc và đơn vị tuyển dụng. Đôi khi, để chọn ra được những tài năng tốt nhất, người phỏng vấn sẽ đưa ra những câu hỏi tình huống khá lạ lùng, thậm chí là không liên quan đến công việc, cũng không có một đáp án cố định nào cả.
Để có thể đạt được sự thừa nhận của nhà tuyển dụng, các ứng viên buộc phải phát huy tại chỗ toàn bộ năng lực tư duy, óc sáng tạo và khiếu trình bày để đưa ra những câu trả lời hợp lý cũng như thuyết phục nhất. Đây là một thách thức không hề nhỏ mà mỗi người buộc phải bình tĩnh, tỉnh táo mới vượt qua được.
Anh Hưng là giám đốc bộ phận HR của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu các sản phẩm đồ uống. Khi nhận được yêu cầu tuyển dụng thêm vị trí nhân viên kinh doanh cho phòng Sales, anh đã nhanh chóng thu thập, tìm kiếm và sàng lọc được thông tin của 20 ứng viên phù hợp để hẹn gặp phỏng vấn.
Tại buổi phỏng vấn, sau khi anh Hưng đã chịu trách nhiệm tìm hiểu về các kỹ năng, kinh nghiệm và kiểm tra năng lực của từng ứng viên, vị giám đốc bộ phận Sales mới bước vào. Trước mặt toàn bộ ứng viên, anh ta bất ngờ đưa ra một câu hỏi:
"Nếu bây giờ cho bạn 2.000 chai nước và yêu cầu thuyết phục chúng tôi mua nó trong 1 phút, bạn sẽ làm thế nào?"
Rất nhiều ứng viên đều giật mình trước một câu hỏi tình huống khó như vậy. Họ liên tục phàn nàn với những người phỏng vấn, cho rằng 2.000 chai nước là con số lớn, chẳng có ai tự dưng mua hết trong trường hợp này cả, và không thể đưa ra một đáp án nào hợp lý.
Tuy nhiên, vẫn có những người mạnh dạn trả lời:
“Nếu đặt mình trong trường hợp ấy, tôi sẽ giới thiệu với các ngài về những tác dụng rất tốt của việc sử dụng nước thường xuyên, không chỉ đẹp da, gia tăng tuổi thọ mà còn hỗ trợ sự phục hồi của cơ thể sau ngày làm việc mệt mỏi.
Chưa kể đến, loại nước mà chúng tôi giới thiệu còn là nước khoáng thanh lọc hiệu quả tốt nhất trong số những loại hiện đang được quảng bá ở thị trường.
Nếu các ngài có thể đặt mua hết toàn bộ lô hàng 2.000 chai ở đây, mức chiết khấu khuyến mại sẽ là con số không hề nhỏ. Cho dù các ngài tự sử dụng hay đem bán lại ra những thị trường khác thì vẫn có lời”.
Sau đó, một ứng viên khác cũng đưa ra đáp án của mình sau một thời gian dài suy nghĩ nghiêm túc:
"Trước hết, nếu các ngài là khách hàng mà tôi hướng đến việc tiếp thị 2.000 chai nước chỉ trong một lần, tôi sẽ cần phân tích, dẫn lối tư duy của ngài để ngài cảm thấy rằng, mình thật sự cần tới số sản phẩm này. Để như vậy, tôi cần xác định được nhu cầu nào của ngài có khả năng phát sinh mà dùng tới 2.000 chai nước hay không và tìm cách để biến nhu cầu đó trở thành hiện thực.
Ví dụ như, tôi sẽ đề nghị giúp đỡ công ty của các ngài đây tổ chức một cuộc hội thảo kinh doanh lớn, thu hút rất nhiều nhà sản xuất tham dự, vừa là để lắng nghe các bài trình bày, thuyết giảng từ những nhân vật kỳ cựu trong ngành, vừa là để chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tìm kiếm cơ hội cùng hợp tác kinh doanh, xây dựng các mối quan hệ trong ngành.
Với quy mô lớn khoảng 1.000 người, chỉ cần chuẩn bị mỗi người 2 chai nước, các ngài sẽ thấy việc đặt trước 2.000 chai nước ngay bây giờ là việc hoàn toàn hợp lý”.
Sau khi lắng nghe câu trả lời này, vị giám đốc phòng Sales khá ngạc nhiên, sau đó trực tiếp cho biết mình khá hứng thú với kế hoạch này và không ngại phát triển nó hơn nữa nếu ứng viên đó đồng ý tới thử việc vào đầu tuần sau.
Trong khi đó, vị giám đốc cũng cho biết rằng, câu trả lời đầu tiên là phương pháp hoàn toàn thông dụng, theo đúng quy trình chào hàng - giới thiệu sản phẩm - đưa ra khuyến mại/ chiết khấu - chốt đơn của mỗi một đơn hàng kinh doanh. Tuy cách thức không sai nhưng đồng thời, nó cũng không mang tính thuyết phục cao vì đưa ra những thông tin đã quá quen thuộc, đi vào lối mòn sẵn có, khó có thể thu hút được nhiều khách hàng.
Chưa kể, khi nhân viên kinh doanh dễ dàng đưa ra những hứa hẹn, cam kết “khống” về chất lượng và tác dụng của sản phẩm quá mức, đó là một hành động tương đối liều lĩnh, rất có thể sẽ ảnh hưởng không tốt với uy tín, danh dự của thương hiệu đó nói riêng cũng như toàn bộ doanh nghiệp nói chung.
Vì thế, một ý kiến mới lạ, một đề xuất táo bạo nằm trong câu trả lời sau đó mới hấp dẫn và mang tính thuyết phục lớn hơn. Doanh nghiệp cũng rất sẵn lòng tạo điều kiện để không ngừng thử nghiệm những phương pháp đổi mới kinh doanh sáng tạo như vậy. Cần phải biết rằng, trong tuyển dụng, thứ mà các đơn vị đánh giá đầu tiên chính là giá trị mà ứng viên có thể đóng góp cho công ty của họ là gì.
Nếu đặt mình trong buổi phỏng vấn này, liệu bạn có thể đưa ra câu trả lời nào khác biệt và độc đáo hơn không?