Sau khi hứng chịu các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Nga hi vọng mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc có thể giúp cân bằng lại tác động tiêu cực gây ra cho nền kinh tế nước này.
Tổng thống Putin đã khẳng định rằng các trừng phạt của phương Tây chỉ khiến Nga-Trung khăng khít thêm. Khi một nhà báo cho rằng, phương Tây đang gây ảnh hưởng xấu đến thương mại giữa 2 nước, ông Putin đã bác bỏ và đáp lại rằng:
"Tôi không cho rằng các lệnh trừng phạt bất hợp pháp mà 1 số quốc gia phương Tây áp đặt lên Nga gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác kinh tế của Nga – Trung. Trái lại, chính việc này đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước thắt chặt hơn quan hệ kinh doanh ổn định với Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo học giả Alexander Gabuev từ Chương trình Nga-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, hi vọng của Nga đã tiêu tan,và giới lãnh đạo Kremlin cũng nhận ra rằng, các biện pháp trừng phạt này thực chất cũng ảnh hưởng tới Trung Quốc.
Nhiều bằng chứng cho thấy quan hệ Nga-Trung, xét về mặt kinh tế, đang xấu đi do lệnh trừng phạt từ EU. Ít nhất thì, các ông chủ ngân hàng ở Nga công khai phàn nàn rằng, Trung Quốc không rõ ở vị thế nào khi Mỹ và EU trừng phạt các ngân hàng Nga.
Ví dụ như, Phó Chủ tịch Ngân hàng VTB Yuri Soloviev cho hay, phần lớn ngân hàng Trung Quốc "sẽ không giao dịch liên ngân hàng với phía Nga". Một lãnh đạo khác của VTB thì than phiền rằng phía Trung Quốc "quá khắt khe" khi quan sát các lệnh trừng phạt từ phương Tây và rằng 2 bên phải mất 2 tuần để hoàn tất các giao dịch, trong khi trước đó chỉ mất 3 ngày.
Các số liệu được công bố cũng cho thấy, trong 2 năm 2014-2015, không công ty nào của Nga "gọi" được vốn từ các sàn chứng khoán Trung Quốc.
Các dòng tín dụng trị giá lên tới 9 tỉ nhân dân tệ theo thỏa thuận giữa Sberbank (Nga) và các ngân hàng Trung Quốc rất hiếm khi được dùng tới, bởi Nga không có nhu cần về nhân dân tệ, còn phía Trung Quốc lại không muốn cho Nga vay USD và euro – những đồng tiền mà Nga có nhu cầu cao.
Trung Quốc từng công khai phản đối các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga
Nguyên nhân là gì?
Theo ông Gabuev, có 3 lý do lý giải cho những khó khăn trên.
Thứ nhất, tầm quan trọng của thị trường phương Tây đối với Trung Quốc đã ngăn các ngân hàng nước này nắm lấy cơ hội để tiến sâu hơn vào thị trường Nga, mặc dù mức độ cạnh tranh đã giảm xuống.
Để so sánh, thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đạt xấp xỉ 600 tỷ USD, còn với EU là 593 tỷ USD. Trong khi đó, con số này với Nga là 64,2 tỷ USD, giảm 28,6% so với năm 2014.
Bốn ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc cũng được phép mua cổ phần từ các ngân hàng ở châu Âu và Mỹ, sau 4 năm bị cấm.
Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc không được phép sở hữu các ngân hàng địa phương, và việc mở rộng ra thị trường bán lẻ, vì các lý do chính trị, vẫn bị xem xét một cách kỹ lưỡng - trái ngược với quyền lợi mà những đối thủ cạnh tranh từ Pháp, Anh, Italia được hưởng.
Thứ hai, cũng là lý do được đưa ra nhiều nhất, là việc giới ngân hàng ở Trung Quốc thiếu hiểu biết chuyên sâu về những người bạn Nga. Một lãnh đạo ngân hàng từng chia sẻ, họ biết rõ về các công ty Trung Quốc được họ hỗ trợ, hiện đang "làm ăn" với Nga, "không ngây thơ đến nỗi cho rằng có thể hiểu được người Nga".
Và mặc dù có những lực lượng tài giỏi "cắm chốt" ở Nga hoặc Viễn Đông, song không thể đọ lại với các nhân tố tài năng trong các ngân hàng Mỹ hay châu Âu ở Nga.
Đó là chưa kể tới việc, do lo ngại sẽ rơi vào "tầm ngắm" của châu Âu, nhiều ngân hàng Trung Quốc, trong đó có nhiều ngân hàng nhỏ, đã yêu cầu các khách hàng nước ngoài có giao dịch với Nga phải đóng tài khoản. Các ngân hàng Hong Kong cũng dừng mở tài khoản cho công dân Nga.
Thứ ba, chính chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra tại Trung Quốc đã khiến các công ty (đặc biệt là công ty quốc doanh) nước này không còn mặn mà với những thương vụ làm ăn mạo hiểm. Đồng thời, khi các đồng phạm của Chu Vĩnh Khang trong ngành năng lượng bị bắt, các tổ chức tài chính Trung Quốc không còn hứng thú cho Nga vay tiền làm dự án nữa.
"Khó đoán"
Tuy nhiên, không thể phủ nhận các tổ chức tài chính của Trung Quốc đã cung cấp nhiều khoản vay, ký nhiều thỏa thuận với Nga, chẳng hạn như thỏa thuận mua 9,9% cổ phần trong dự án sản xuất khí đốt ở Bắc Cực giữa Quỹ SRF của Trung Quốc và tập đoàn dầu khí Yamal LNG.
Tương lai hợp tác tài chính của 2 nước vẫn rất khó đoán, ông Gabuev đánh giá. Có thể, nếu như các lệnh trừng phạt lên Nga vẫn còn hiệu lực trong hoàn cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng - dù chậm, quan hệ Nga-Trung có thể sẽ tiếp tục sâu sắc hơn.
Trung Quốc có thể áp dụng cách từng làm với Iran khi bị cấm vận để hỗ trợ các dự án của Nga, đồng thời tăng cường "chuyên môn" về Nga, tích cực học hỏi từ các đồng nghiệp châu Âu.