Chuyện động trời: Một thành phố lớn của Mỹ bị lừa kết nghĩa với... quốc gia hư cấu

Hữu Hiển |

Tờ New York Post nhận định, đó là một trường hợp lừa đảo xuyên biên giới có thể đưa vào sách giáo khoa - ngoại trừ nạn nhân là một thành phố của Mỹ.

Thành phố Newark thuộc bang New Jersey của Mỹ đã thừa nhận rằng họ đã bị lừa để trở thành "Thành phố kết nghĩa" của một quốc gia không tồn tại.

Quốc gia được đề cập ở đây là "Hợp chúng quốc Kailasa", được cai trị bởi vị thần tự xưng Swami Nityananda. Người đứng đầu quốc gia cũng được gọi là "quốc gia Ấn Độ giáo" này đã bị buộc tội cưỡng hiếp, tấn công tình dục, và bằng cách nào đó đã tìm cách chạy trốn khỏi Ấn Độ.

Chuyện động trời: Một thành phố lớn của Mỹ bị lừa kết nghĩa với... quốc gia hư cấu - Ảnh 1.

"Hợp chúng quốc Kailasa", được cai trị bởi vị thần tự xưng Swami Nityananda. Người đứng đầu quốc gia này đã bị buộc tội cưỡng hiếp và tấn công tình dục. Ảnh: New York Post

Theo kênh tin tức CBS News (Mỹ), thành phố của Mỹ chỉ phát hiện ra vụ lừa đảo sau khi chính quyền địa phương tổ chức một buổi lễ kết nghĩa chính thức.

Tháng 1/2023, thành phố Newark đã tổ chức một buổi lễ kết nghĩa với đoàn đại biểu đến từ cái gọi là "Hợp chúng quốc Kailasa". Tại sự kiện này, Thị trưởng Newark Ras Baraka đã mời phái đoàn Kailasa ký kết một thỏa thuận về thương mại văn hóa. Tuy nhiên, tất cả những thỏa thuận này cuối cùng hóa ra là vô giá trị.

Theo CBS News, quan chức Newark khẳng định rằng, thỏa thuận kết nghĩa chỉ kéo dài trong 6 ngày và cuối cùng bị coi là "vô căn cứ và vô hiệu". Các quan chức cũng nói rõ rằng, không có khoản tiền nào được trao đổi trong buổi lễ.

Người phát ngôn của thành phố cho biết: "Mặc dù đây là một sự cố đáng tiếc, nhưng thành phố Newark vẫn cam kết hợp tác với những người đến từ các nền văn hóa đa dạng để làm giàu cho nhau bằng sự kết nối, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau."

Kênh tin tức CBS nhận định, điều làm cho toàn bộ sự việc càng trở nên xấu hổ là thành phố Newark là thành phố lớn nhất của bang New Jersey.

Chương trình 'Thành phố kết nghĩa' là gì?

Theo trang tin Republic World (Ấn Độ), Chương trình 'Thành phố kết nghĩa' được ra đời sau Thế chiến II, đề cập đến một hình thức thỏa thuận pháp lý và xã hội giữa hai địa phương khác biệt về địa lý và chính trị, nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ hợp tác về văn hóa và thương mại. Mối quan hệ giữa hai thực thể được thiết lập và chính thức công nhận sau khi quan chức cao nhất được bầu hoặc được bổ nhiệm của cả hai địa phương ký thỏa thuận trở thành "Thành phố kết nghĩa".

Thành phố Newark của Mỹ có nhiều "Thành phố kết nghĩa" như vậy. Theo trang web của chính quyền địa phương, một số "Thành phố kết nghĩa" bao gồm Aveiro (Bồ Đào Nha), Belo Horizonte (Brazil), Rio de Janeiro (Brazil)...

Ngày 12/1, trong buổi lễ ký kết thỏa thuận kết nghĩa, Thị trưởng Newark Ras Baraka nói với các phóng viên rằng, ông cầu nguyện cho mối quan hệ bền chặt hơn giữa thành phố Newark và "Hợp chúng quốc Kailasa".

"Tôi cầu nguyện rằng mối quan hệ của chúng ta sẽ giúp chúng ta hiểu được sự phát triển về văn hóa, xã hội và chính trị, đồng thời cải thiện cuộc sống của mọi người ở cả hai nơi", Thị trưởng Ras Baraka nói với các phóng viên.

Tin tức về vụ việc này cũng gây bối rối cho cư dân thành phố Newark. "Không ai trong Tòa thị chính, không một ai tìm kiếm trên Google, vì vậy có lẽ chúng tôi cần Tòa thị chính thay đổi, vì không ai nói: 'Hãy để tôi lên Google và tìm ra đây là một thành phố giả", cư dân Shakee Merritt nói với phóng viên kênh CBS News.

Theo tờ New York Post, tìm kiếm với từ khóa "Kailasa" trên Google Maps chỉ cho thấy một loạt các ngôi đền ở phía nam của đất nước Ấn Độ, và thậm chí là một trung tâm thiền ở bang Connecticut của Mỹ, chứ không có thành phố hay quốc gia nào.

Tuy nhiên, thứ đầu tiên xuất hiện trên Google là một liên kết đến một trang web quảng bá quốc gia giả mạo như một "nền văn minh khai sáng cổ đại, quốc gia Ấn Độ giáo không biên giới vĩ đại tầm vũ trụ".

Chuyện động trời: Một thành phố lớn của Mỹ bị lừa kết nghĩa với... quốc gia hư cấu - Ảnh 2.

Ảnh chụp giao diện trang web quảng bá về "Hợp chúng quốc Kailasa".

Trang web này cũng gọi Nithyananda là "Người hồi sinh", tuyên bố rằng Nithyananda được hơn 20 triệu người ở 196 quốc gia trên thế giới tôn thờ.

Trên thực tế, Nithyananda là một kẻ lừa đảo khét tiếng, tự nhận mình có sức mạnh siêu nhiên và đã trốn chạy các tội danh hiếp dâm và bắt cóc trẻ em kể từ năm 2019, theo thông tin từ New Indian Express.

Kẻ lừa đảo này cũng là đối tượng được nhắc tới trong bộ phim tài liệu "Con gái tôi tham gia một giáo phái" trên kênh Discovery vào năm 2022.

Cùng với việc quảng bá những thành tựu được cho là của chính Nithyananda và "quốc gia" của y, trang web về Kaisala còn cung cấp quyền công dân điện tử cho người truy cập thông qua mã QR.

Những nỗ lực của Kailasa để được công nhận là một quốc gia vẫn tiếp tục

Theo trang tin Republic World, đầu tháng này, "Hợp chúng quốc Kailasa" - đất nước hư cấu của y - đã tham dự hội nghị của Liên hợp quốc ở Geneva. Hai đại diện của quốc gia hư cấu thậm chí còn đi ở hàng đầu và phát biểu trong cuộc thảo luận chung về phát triển bền vững do Ủy ban về Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR) của Liên hợp quốc tổ chức. Tuy nhiên, Kailasa không nằm trong số 193 quốc gia được Liên hợp quốc công nhận. Sau vụ việc, Nithyananda thậm chí còn khoe khoang về vụ việc trên Twitter.

Trang tin Republic World nhận định, với vụ lừa đảo "Thành phố kết nghĩa", đây là lần thứ hai trong năm nay, thực thể hư cấu này cố gắng được công nhận là một quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại