Liên Xô đã dùng cách nào để đo độ sâu Rãnh Marinana?

Hoàng Phạm |

Câu chuyện về cuộc thám hiểm thành công rãnh đại dương sâu nhất thế giới cũng tương tự như cuộc đua thám hiểm không gian, mặc dù nó ít được biết đến hơn. Liên Xô đóng vai trò gì trong đó và những gì được phát hiện dưới đáy Rãnh Mariana?

Mariana là một rãnh đại dương ở phía tây Thái Bình Dương gần quần đảo Mariana. Rãnh có hình lưỡi liềm, dài 2.500 km. Điểm sâu nhất được biết đến của đại dương thế giới nằm ở Rãnh Mariana và được đặt tên là “Challenger Deep” (theo tên con tàu khảo sát đã phát hiện ra nó).

Nếu độ sâu trung bình của Thái Bình Dương là 4km, thì ở rãnh Mariana là khoảng 11km. Áp suất nước ở đáy rãnh lên tới 1.100 atm, lớn hơn 1.100 lần so với áp suất khí quyển bình thường trên mặt nước. Nơi này ít được khám phá hơn so với vùng tối của Mặt Trăng. Tuy nhiên, do không thể tiếp cận, rãnh Mariana đã trở thành “thử thách” tiếp theo đối với nhân loại. Nó thực sự sâu bao nhiêu? Sự sống có thể tồn tại ở độ sâu như vậy không? Đó là những câu hỏi quan trọng nhất.

Liên Xô đã dùng cách nào để đo độ sâu Rãnh Marinana? - Ảnh 1.

Tàu Challenger 2. Ảnh: Tư liệu/RBTH

Cuộc đua tìm điểm sâu nhất của đại dương

Rãnh Mariana được một đoàn thám hiểm người Anh phát hiện lần đầu tiên vào năm 1875. Tàu khảo sát HMS ‘Challenger’ đã đo được độ sâu 8.513 mét bằng thiết bị thăm dò độ sâu. Mẫu đất bao gồm cát núi lửa sẫm màu và nhiệt độ nước không vượt quá 1 độ C. Tất cả các dụng cụ được hạ xuống độ sâu cùng với thiết bị thăm dò đều bị gãy hoặc hư hỏng do áp lực nước quá lớn.

Độ sâu này, vào thời điểm đó, không phải là sâu nhất. Cả thế giới khi đó đang tìm kiếm “đáy cuối cùng” huyền thoại của hành tinh, khảo sát mọi rãnh đại dương đã được biết đến. Một năm trước đó, con tàu Tuscarora của Mỹ đã tìm thấy một điểm ở phía Đông Bắc Tokyo có độ sâu 8.513 mét.

Con tàu tiếp theo cố gắng tìm ra điểm này trong rãnh Mariana là tàu Mỹ 'Nero' vào năm 1899 và đo được độ sâu 9.636 mét trong rãnh gần Guam, đảo lớn nhất của quần đảo Mariana. Tuy nhiên, thiết bị thăm dò độ sâu gặp rất nhiều lỗi như bị hiệu chỉnh độ nghiêng, uốn cong, cáp bị kéo căng…

Hơn 30 năm sau, các tàu Nhật Bản “Mansui”, “Kosui” và “Iodo” với thiết bị đo tiếng vang đã “chạm” vào đáy mới – sâu hơn gần 200 mét so với lần đo trước – ở độ sâu 9.814 mét. Tuy nhiên, hóa ra đó không phải là giới hạn.

Năm 1951, con tàu thủy văn mới của Anh “Challenger” (kế thừa cái tên của con tàu nói trên) đã tiếp tục chinh phụ thử thách; với dây cáp, nó đạt đến độ sâu 10.830 mét. Đó là một kỷ lục tuyệt đối. Độ sâu này vượt mọi tưởng tượng của con người. Nó lớn hơn chiều cao của đỉnh núi cao nhất hành tinh – đỉnh Everest (8.849 mét). Các nhà khoa học đã bị thuyết phục: trong vùng sâu đen tối mà ánh sáng Mặt Trời không thể chiếu tới này, không có sinh vật nào sinh sống. Họ đã tin như vậy cho đến khi Liên Xô thực hiện cuộc thám hiểm.

Tàu đo rãnh Mariana của Liên Xô

Vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, Liên Xô, giống như nhiều nước khác, cũng tìm kiếm giới hạn độ sâu của đại dương. “Vityaz” - soái hạm của hạm đội nghiên cứu Liên Xô, đã thực hiện nhiệm vụ. Con tàu vận tải có lượng giãn nước 5.700 tấn của Đức này đã được trao cho Liên Xô như một phần bồi thường thiệt hại sau chiến tranh. Được chuyển đổi theo nhu cầu của các nhà nghiên cứu, từ năm 1949 trở đi, con tàu đã đi khắp Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương suốt 18 năm.

Liên Xô đã dùng cách nào để đo độ sâu Rãnh Marinana? - Ảnh 3.

Tàu Vityaz. Ảnh: TASS

Năm 1957-1958, tàu “Vityaz” đã khám phá 10 rãnh đại dương trong khu vực Rãnh Mariana và tìm thấy một điểm có độ sâu tối đa – 11.022 mét. Đó là kỷ lục cho đến nay vẫn chưa có ai có thể đánh bại. Độ sâu này được coi là độ sâu tối đa của các đại dương trên thế giới.

Một trong những người tham gia chuyến đi thứ 25 của “Vityaz” vào năm 1957 nhớ lại: “Thậm chí còn không có chỗ để đi ngủ trong phòng thí nghiệm nơi đặt máy đo tiếng vang: mọi người đều muốn có mặt trong quá trình khám phá. Máy đo tiếng vang đã vẽ độ dốc lớn của rãnh Mariana. Đường sâu biến mất và rồi xuất hiện trở lại. Mọi người đều dán mắt vào băng: đường dốc sẽ kết thúc bằng gì?

Cuối cùng, có một nền tảng bằng phẳng - phần sâu nhất của rãnh. Lệnh vang lên: động cơ dừng lại! - và ‘Vityaz’ đang rung chuyển trên những con sóng; có một vực sâu nhiều cây số dưới sống tàu của nó. Công việc của các nhà thủy văn bắt đầu: việc hiệu chỉnh dữ liệu đo tiếng vang sẽ phụ thuộc vào thông số của thước đo độ sâu và hàm lượng muối ở các độ sâu khác nhau.

Những giờ chờ đợi trôi qua rất chậm. Các công cụ đang được kéo lên tàu. Chúng ta chỉ cần đợi một chút để tìm hiểu xem đây có phải là độ sâu sâu nhất hay không… Cuối cùng, mọi thứ đã sẵn sàng, mọi tính toán đã hoàn thành. Tàu ‘Vityaz’ đã phát hiện độ sâu tối đa mới của đại dương thế giới – 11.022 mét!”.

Tuy nhiên, cuộc chạy đua giữa các nhà nghiên cứu để khám phá thêm vài trăm mét độ sâu không phải là lý do quan trọng nhất khiến họ bắt tay vào những cuộc thám hiểm kéo dài nhiều năm này. Các nhà hải dương học Liên Xô trong chuyến thám hiểm đó đã có một khám phá quan trọng hơn nhiều.

Khám phá của Liên Xô

Trước cuộc thám hiểm của Liên Xô tới rãnh Mariana, những ý kiến về sự sống tồn tại ở độ sâu hơn 6.000 mét thuộc về khoa học viễn tưởng. Không ai tin rằng một sinh vật sống có thể thích nghi với những điều kiện như vậy.

Tuy nhiên, “Vityaz” đã bác bỏ điều đó. Với sự trợ giúp của lưới vét được thiết kế đặc biệt, các nhà khoa học đã rà soát các rãnh sâu của Thái Bình Dương và tìm thấy các vi sinh vật ở độ sâu của nó. Điều đó, ít nhất, đã bác bỏ ý kiến cho rằng không có sinh vật sống nào có thể tồn tại dưới áp lực nước như vậy.

Sau đó, vào năm 1960, chuyến thám hiểm của Jacques Piccard, người Thụy Sĩ và Don Walsh, người Mỹ không chỉ xác nhận tuyên bố của Liên Xô rằng sự sống có tồn tại ở những độ sâu như vậy. Ngày 23/1, họ trở thành những người đầu tiên trong lịch sử đi xuống đáy rãnh Mariana ở độ sâu kém 11 km một chút. Tàu lặn thăm dò biển sâu “Trieste" đã hạ xuống đáy vực thẳm trong gần 5 giờ đồng hồ. Ở độ sâu không thể tin được này, họ đã dành 12 phút để ăn những thanh sô cô la bổ sung năng lượng và trong lúc này họ đã nhìn thấy một con tôm và một con cá tương tự như cá dẹt trôi qua ô cửa trên tàu.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Tưởng chừng như câu chuyện đi tìm độ sâu dưới lòng đại dương kia lẽ ra sớm muộn cũng phải kết thúc, nhưng rốt cuộc nó đã không xảy ra. Trên thực tế, cuộc đua đo độ sâu vẫn đang tiếp diễn.

Sau chuyến thám hiểm của Liên Xô vào năm 1984, các nhà thủy văn học Nhật Bản đã cố gắng chạm tới đáy của rãnh Mariana và kết luận rằng độ sâu của nó là 10.924 mét, ít hơn 98 mét so với tính toán của Liên Xô.

Năm 2020, Phó giám đốc điều hành Quỹ các dự án nghiên cứu tiên tiến trong ngành công nghiệp quốc phòng của Nga, Igor Denisov cho rằng các tính toán của tàu Liên Xô “Vityaz” có thể không chính xác.

Một đoàn thám hiểm lại được gửi đến đó. Lần này, phương tiện không người lái hiện đại cũng mang tên “Vityaz” đã được đưa vào rãnh đánh dấu độ sâu 10.028 mét.

“Điều đó có nghĩa là có lý do để suy nghĩ: hoặc là 'Vityaz' trước đó đã đo độ sâu không chính xác hoặc bản thân đáy biển đã thay đổi. Tất cả những điều này cần được hiểu và phân tích”, ông Denisov nói.

Tuy nhiên, cộng đồng khoa học hiện đang hoài nghi về điểm sâu nhất “mới” trong đại dương.

“Từ quan điểm hải dương học, điều này không nghiêm trọng”, Phó giám đốc Viện Hải dương học RAN Andrei Sokov nhận định.

“Năm 1957, máy móc của Liên Xô đã thực hiện khối lượng rất lớn công việc quay phim, những công việc nặng nhọc và thường xuyên. Không có gì ngạc nhiên khi họ nói rằng đáy đại dương được khám phá ít hơn so với phía bên kia của Mặt Trăng. Có ý nghĩa sâu sắc trong đó. Đó là một công việc khó khăn, nghiêm túc - tất cả những lần lặn, khám phá đáy biển, các con đường - tất cả những điều này nên được thực hiện một cách có hệ thống, trong một thời gian dài. Tôi thực sự nghi ngờ rằng một nhiệm vụ như vậy đã được giao cho con tàu không người lái ‘Vityaz’.

Tôi đã trao đổi với Quỹ Dự án Nghiên cứu Tiên tiến trong Công nghiệp Quốc phòng của Nga và không nghe nói rằng họ thậm chí còn cố gắng tìm ra điểm sâu nào đó. Nhiệm vụ là thử nghiệm con tàu không người lái. Tất nhiên, độ sâu không thay đổi, họ chỉ cho con tàu lặn xuống và kiểm tra tọa độ. Để tìm ra điểm sâu nhất vào năm 1957, công việc chuẩn bị đã được tiến hành rất nghiêm túc”, ông Sokov cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại