Tầng ozone đang trên đà phục hồi trong vòng vài thập kỷ tới

Quỳnh Chi |

Tầng ozone của Trái đất đang trên đà phục hồi hoàn toàn trong vòng vài thập kỷ tới, khi các hóa chất làm suy giảm tầng ozone được loại bỏ dần trên toàn thế giới.

Trong một tin tốt lành trên được đưa ra theo một đánh giá mới do Liên hợp quốc hỗ trợ.

Tầng ozone bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím có hại. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1980, các nhà khoa học đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về một lỗ thủng tầng ozone, gây ra bởi các chất làm suy giảm tấm chắn này bao gồm chlorofluorocarbons, được gọi là CFC, thường được tìm thấy trong tủ lạnh, bình xịt và dung môi.

Việc sử dụng CFC đã giảm 99% kể từ khi Nghị định thư Montreal có hiệu lực vào năm 1989, theo đó các nước bắt đầu loại bỏ dần những chất này và các hóa chất gây hại cho tầng ozone khác, theo đánh giá của một nhóm chuyên gia được công bố hôm 9/1.

Nếu các chính sách toàn cầu được giữ nguyên, tầng ozone dự kiến sẽ phục hồi về mức của năm 1980 vào năm 2040 đối với hầu hết các khu vực trên thế giới, bản đánh giá cho thấy. Đối với các vùng cực, khung thời gian phục hồi dài hơn như năm 2045 ở Bắc Cực và năm 2066 ở Nam Cực.

"Hành động (bảo vệ) tầng ozone tạo tiền lệ cho hành động vì khí hậu. Thành công của chúng tôi trong việc loại bỏ dần các hóa chất "ăn ozone" cho chúng ta thấy những gì có thể và phải làm như một vấn đề cấp bách để chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, giảm khí nhà kính và do đó hạn chế tăng nhiệt độ", Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho biết.

Tầng ozone đang trên đà phục hồi trong vòng vài thập kỷ tới - Ảnh 2.

Lỗ thủng tầng ozone lớn nhất ở Bắc Cực đã đóng lại. (Ảnh: EDC)

Theo một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Nature, các loại khí làm suy giảm tầng ozone cũng là loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh và nếu không có lệnh cấm, thế giới có thể đã chứng kiến sự nóng lên thêm tới 1°C. Hành tinh đã nóng lên khoảng 1,2°C kể từ cuộc cách mạng công nghiệp và các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nên giới hạn ở mức 1,5°C để ngăn chặn hậu quả tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu. Các nhà khoa học cho biết, sự nóng lên trên 1,5°C sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và thiếu lương thực nghiêm trọng.

Lần đầu tiên trong bản đánh giá này, các nhà khoa học đã xem xét triển vọng của địa kỹ thuật năng lượng mặt trời, nỗ lực giảm sự nóng lên toàn cầu thông qua các biện pháp như phun sol khí vào tầng bình lưu để phản chiếu ánh sáng mặt trời ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất.

Họ nhận thấy việc phun sol khí vào tầng bình lưu có thể giúp giảm sự nóng lên của khí hậu, nhưng cảnh báo có thể có những hậu quả không lường trước được.

Báo cáo được xuất bản bốn năm một lần cho thấy, việc triển khai công nghệ "cũng có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ tầng bình lưu, sự lưu thông, sản xuất và phá hủy ozone cũng như tốc độ vận chuyển".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại